Trong bài viết mới nhất của mình, Bloomberg gọi ông Nguyễn Đăng Quang là "ông trùm" hàng tiêu dùng Việt Nam, và nhấn mạnh con đường trở thành tỷ phú của vị này dựa trên mục tiêu đưa nước mắm và các đồ gia vị "bắt buộc phải có" trong căn bếp của mọi hộ gia đình Việt .
Chỉ trong vòng 6 tháng, cổ phiếu MSN của tập đoàn Masan đã tăng gấp đôi so với mức tăng trưởng 37% của VN Index.
Từ đây, danh sách các tỷ phú giàu nhất thế giới Bloomberg Billionaires Index ghi nhận ông Quang hiện có tài sản 1,2 tỷ USD, trở thành tỷ phú USD thứ ba của Việt Nam được Bloomberg công nhận và công khai tên tuổi.
Theo công bố từ Masan, ông Nguyễn Đăng Quang chỉ nắm giữ 10 cổ phiếu của tập đoàn này, nhưng được coi là ông chủ thực sự, dựa trên vị thế là là cổ đông chính của của CTCP Masan (Masan Corp) - công ty đang trực tiếp và gián tiếp nắm giữ 50% cổ phần của Masan Group.
Theo ước tính của Kantar Worldpanel Vietnam, 95% các hộ gia đình Việt Nam đang sử dụng ít nhất một sản phẩm của Masan.
Với ưu thế là tập đoàn nội địa, Masan hiểu rõ về nhu cầu người tiêu dùng trong nước cũng như hành vi mua sắm của khách hàng, những yếu tố quyết định đến thành công của nhãn hiệu.
"Chiến lược phục vụ sản phẩm thiết yếu với tập khách hàng rộng lớn đã mang lại thành công cho Masan.
Từ nước mắm, mì ăn liền sử dụng cho toàn dân, đến những thứ ít cần thiết hơn nhưng được nhiều người ưa chuộng như tương ớt, cháo ăn liền hay xúc xích", David Anjoubault – tổng giám đốc công ty nghiên cứu Kantar Worldpanel Vietnam nhận định.
Như vậy, sau tỷ phú bất động sản và bán lẻ Phạm Nhật Vượng, tỷ phú hàng không và ngân hàng Nguyễn Thị Phương Thảo, Việt Nam đã có tỷ phú USD thứ ba là ông Nguyễn Đăng Quang - tỷ phú trong ngành thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Điều đặc biệt là tài sản của cả ông Quang và bà Thảo trong lần đầu vào danh sách tỷ phú thế giới đều được ước định ở mức 1,2 tỷ USD.
Video: 3 tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt là ai?
Khởi nghiệp kinh doanh từ những năm 1990 sau thời gian dài học tập và công tác tại Nga, ông Quang xâm nhập vào thị trường mỳ gói - điều tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã làm và thành công tương tự tại Ukraine.
Sau này, công việc kinh doanh mở rộng sang cả ngành sản xuất đậu nành, cá và tương ớt. Ông Quang về Việt Nam năm 2001, chuyển toàn bộ nhà máy về nước.
Cổ phiếu của Masan đã tăng sau khi hồi phục từ đà giảm vào năm ngoái khi giá lợn lao dốc do Trung Quốc ngừng nhập khẩu từ Việt Nam vào năm 2016. Sự sụt giảm nhu cầu lợn kéo theo doanh thu Masan giảm 9% xuống còn 27.500 tỷ đồng lần đầu tiên trong 9 tháng đầu năm 2017.
"Giá lợn đã hồi phục khi Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu lợn từ Việt Nam làm tăng thêm kỳ vọng cho Masan Group trong năm nay", ông Vũ Xuân Thơ - chuyên gia phân tích nhận định.
Bình luận