Vì bạn thích thế hay chỉ muốn sĩ diện với mọi người vào ngày trọng đại? Hãy nhớ lại ý nghĩa của một lễ cưới, đừng buôn bán giá trị của mình.
Một nghiên cứu năm 2014 của các chuyên gia kinh tế thuộc Đại học Emory (Mỹ) cho thấy đôi vợ chồng nào càng chi nhiều tiền cho đám cưới, thì hôn nhân của họ càng ngắn.
Theo nghiên cứu, cặp đôi nào mà chi ra hơn 20.000 đô-la Mỹ cho đám cưới thì tỉ lệ li dị cao gấp 3,5 lần các đôi chỉ chi 5.000 - 10.000 đô là Mỹ. Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định lễ cưới nào càng đông khách nhưng chi phí thấp thì hôn nhân lại bền chặt hơn.
Có vẻ như nếu 2 người (đại diện cho 2 gia đình) có sự đồng thuận với nhau, không sĩ diện, không khoa trương thì đó mới là một cặp đôi hoàn hảo cho nhau.
Chính sự đơn giản và đồng điệu mới tạo ra một cặp đôi hoàn hảo. |
Trong văn hóa đám cưới thời hiện đại, muốn tiết kiệm chi phí, bạn cần biết sáng tạo và kết hợp một chút.
Thay vì tổ chức đám cưới 3 nơi (quê chàng, quê nàng, nơi 2 người làm việc) thì chỉ nên gom lại làm một thôi. Huy động sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn là kỉ niệm đẹp khó quên trong hôn nhân. Chẳng hạn, một người bạn tặng bánh cưới, một người khác chụp ảnh cưới, người khác trang trí cổng cưới...
Điều quan trọng là bạn đừng làm thâm hụt tài khoản
Theo Công ty tổ chức tiệc cưới The Knot, một đám cưới trung bình nên có khoảng 136 khách với chi phí 31.213 đô la Mỹ (chưa kể chi phí trăng mật). Thật kinh khủng! Có nhất thiết phải thế không?
Lễ cưới hiện nay giống như là một mốc son chói lọi chứ không phải là sự cam kết lâu dài. Mấy mươi thập kỷ trôi qua, với sức ảnh hưởng của truyền thông và ngành công nghiệp cưới hỏi, chi phí cho đám cưới cũng đắt đỏ gấp nhiều lần với danh sách khách mời càng "nặng đô" càng tốt. Nhưng điều này hoàn toàn tỉ lệ thuận với cái mà chúng ta đang nhìn thấy hiện nay khi nhà nhà, người người li dị nhau quá nhanh và quá dễ dàng.
Chi phí đám cưới ngày càng tăng, cùng chiều với tỉ lệ li dị. |
Bạn nên tự hỏi điều gì là quan trọng nhất với mình, chứ không phải là những khách mời chẳng liên quan gì đến hôn nhân của bạn. Đối với những người ở độ tuổi 20 và 30, một đám cưới quá hoành tráng chính là thể hiện sự thiếu trách nhiệm.
Cái chúng ta muốn được thừa nhận không phải là lời khen dâu đảm, rể hiền, chồng chung thủy, vợ khéo vun vén... mà chúng ta muốn nhìn thấy ngay, nghe thấy ngay sự trầm trồ của mọi người.
Đôi khi bạn không nghĩ xuyên suốt mọi hoàn cảnh. Chuyện gì sẽ xảy ra với hầu bao của bạn khi phải vay tiền để làm đám cưới to? Nhiều người quan niệm "Đám cưới chỉ có một lần, nên phải làm cho tới".
Đây lại chính là nguyên nhân khiến đám cưới không còn chỉ là sự kiện một lần trong đời người nữa. Theo giáo sư Hugo M. Mialon và những cộng sự của ông, một đám cưới đơn giản sẽ giúp hai vợ chồng thoát khỏi những căng thẳng về mặt tài chính, là nguồn cơn dẫn đến tan vỡ.
Một đám cưới mộc mạc chẳng phải đáng nhớ lắm sao? |
Dĩ nhiên, quá chi li tính toán trước ngày cưới có thể khiến nhiều cặp đôi gây gỗ, thậm chí chia tay. Tuy vậy, những quyết định khôn ngoan sẽ giúp bạn và người ấy tránh được một khoản nợ khổng lồ, đống thời còn lận lưng được một khoản kha khá tiền mừng cưới.
Đám cưới là sự kiện đánh dấu lời hẹn ước, thề nguyền sống chết bên nhau giữa hai vợ chồng, trước sự chứng kiến và chúc phúc của những người thân thiết nhất.
Mối quan hệ giữa hai bạn và hai bên gia đình là điều quan trọng nhất, chứ không phải chuyện chiêu đãi một bữa tối đầy tôm hùm cho vài trăm thực khách và chồng/vợ con của họ, những người mà bạn cũng chẳng rõ là ai. Người thật sự quan tâm đến bạn sẽ ủng hộ mọi quyết định của bạn, và họ sẽ không dè bĩu nếu bạn tổ chức một đám cưới khiêm tốn nhưng ấm áp.
Vì thế, nếu bạn sắp sửa là cô dâu hoặc chú rể, hãy lưu ý rằng cuộc đời bạn tạo dựng phía trước mới là quan trọng.
Theo Huỳnh Hồ An Nhi/ Nguồn Your Tango
Bình luận