• Zalo

Vì sao nhóm người Trung Quốc sản xuất ma túy từng đến TP.HCM nhưng không ở lại đây?

Pháp luậtThứ Sáu, 27/09/2019 19:50:00 +07:00Google News

Nhóm người Trung Quốc sản xuất ma túy di dời từ Bình Định đến TP.HCM nhưng vì có "biến" nên không hoạt động ở đây.

Chiều 27/9, thông tin về vụ triệt phá đường dây sản xuất ma túy ở Kon Tum, Bình Định, Trung tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04), Bộ Công an, cho biết, trong năm 2018, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhận định việc lực lượng chức năng Trung Quốc triệt phá nhiều đối tượng sản xuất ma túy trong nước, thì nhóm này có thể sẽ chạy sang Lào, Việt Nam, Campuchia... để hoạt động. Vì vậy, Bộ trưởng đã chỉ đạo Cục Cảnh sát ma túy theo dõi và nắm bắt tình hình để lập ban chuyên án triệt phá.

Đến năm 2019, lực lượng trinh sát phát hiện nhóm người Trung Quốc sang Việt Nam bằng nhiều con đường nhập cảnh trái phép. Trong đó, có người đang mang án tù chung thân nhập cảnh trái phép vào nước ta bằng giấy tờ giả. 

ma-tuy-34

 Trong chiều 27/9, Phó Thủ tướng Phó Đức Đam ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trao bằng khen cho các tập thể tham gia vào phá vụ án sản xuất ma túy ở Kon Tum.

Nhóm người này hoạt động đầu tiên ở Bình Định, chúng không tin người Việt Nam nên chỉ sử dụng người Việt gốc Hoa dùng để phiên dịch, thuê nhà xưởng, mua tiền chất, hóa chất... Chúng chọn nhà xưởng xa khu dân cư, chỉ có độc đạo đi vào.

"Chúng chỉ sản xuất nhanh chóng trong khoảng 20 ngày, chứ không ở một chỗ", Trung tướng Phạm Văn Các cho biết.

Khi có mâu thuẫn với chủ xưởng ở Bình Định và nhóm người này bắt đầu cảm thấy "có cớm" theo dõi nên chuyển vào TP.HCM.

Tuy nhiên, tại TP.HCM, chúng nhận thấy rằng nơi đây không thuận lợi cho làm ăn. Vì vậy, chúng chọn Kon Tum làm địa điểm để sản xuất ma túy.

Clip: Từ đầu năm phát hiện hơn 13000 vụ phạm tội về ma túy.

Nhóm người Trung Quốc mua máy móc, thiết bị chuyển đến nhà xưởng của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Đồng An Viên (thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) với mác thuê để sản xuất thuốc trừ sâu, thuốc trừ diệt chuột. 

Tại xưởng sản xuất được rào kín, có camera an ninh, 7 người ở nơi đây chỉ có duy nhất một người được ra ngoài để mua thức ăn, đồ uống 1-2 lần trong ngày. Hoạt động của nhóm người này thường vào ban đêm để tránh mùi bay ra hay người dân chú ý.

Để sản xuất, chúng nhập khẩu tiền chất, hóa chất từ Trung Quốc và tại Việt Nam. 

"Ban chuyên án khi xác định đầy đủ căn cứ thì bắt giữ, nếu có sản phẩm thì phải ngăn chặn ngay", Trung tướng Các cho hay.

Trung tướng Các cũng chia sẻ là phải chắc chắn khi hành động, bởi nếu không nhóm người này sẽ nói là mua những hóa chất để sản xuất thuốc diệt cỏ, trừ sâu.

Vì vậy, sau 8 tháng theo dõi, lực lượng chức năng nhận thấy nhóm người này chuẩn bị cho ra thị trường 1 tấn ma túy đá, đây là thời cơ chín muồi để triệt phá. 

Khoảng 6h ngày 6/8, lực lượng chức năng ập vào khu nhà xưởng ở Kon Tum, bắt giữ 7 người và tang vật. Bên cạnh đó, công an cũng bắt giữ 1 người trong nhóm này ở Bình Định. 

Lực lượng chức năng thu giữ gần 30 tấn tiền chất để sản xuất ma túy ở Bình Định và Kon Tum.

Đến nay, cơ quan điều tra khởi tố 8 người gồm: Cai Zi Li (tên gọi khác là Thái Tự Lực, sinh năm 1963), Song Jian Huang (tên gọi khác là Tống Kiến Hoàng, sinh năm 1963), Lyu Yu Zhong (tên gọi khác là Lữ Dư Trọng), Yang Yuan De (tên gọi khác là Dương Viễn Đức, sinh năm 1964), Huang Shan Yuang (tên gọi khác là Hoàng Sơn Nguyên, sinh năm 1990), Zhang Qin Shu (sinh năm 1961), Cai Si Yuan (tên gọi khác là Thái Tư Viện, sinh năm 1946, cùng trú Trung Quốc) và Sàn Khuấn Sáng (tên gọi khác là Tức Trần, sinh năm 1976, trú quận Bình Tân, TP.HCM).

Trong đó, Thái Tự Lực và Tống Kiến Hoàng, quốc tịch Trung Quốc, là kẻ chủ mưu, cầm đầu. Trong đó, Thái Tự Lực có tiền án chung thân về tội sản xuất trái phép chất ma túy tại Trung Quốc, mới được ra tù. Còn Tổng Kiến Hoàng là người có trình độ và có kinh nghiệm trong sản xuất ma túy tổng hợp. Các đối tượng còn lại có nhiệm vụ vận hành máy móc, thiết bị.

Mạnh Đoàn
Bình luận
vtcnews.vn