• Zalo

Vì sao nhiều ông lớn vỡ kế hoạch kinh doanh 2018?

Kinh tếChủ Nhật, 03/03/2019 15:10:00 +07:00Google News

Nhiều doanh nghiệp niêm yết, trong đó có các “ông lớn” như FLC, Eximbank, Hoa Sen Group… không hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2018.

Khép lại mùa báo cáo tài chính 2018, bên cạnh doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ về lợi nhuận, cũng nhiều doanh nghiệp báo lỗ nặng nề, hoặc có lãi nhưng không đạt kế hoạch.

A

 Eximbank thêm một năm lỗi hẹn mục tiêu lợi nhuận.

Năm 2018, Tập đoàn FLC báo lãi ròng 398 tỷ đồng, tăng trưởng 5% so với 2017. Tuy nhiên, con số này chỉ giúp đại gia ngành địa ốc hoàn thành hơn 70% mục tiêu do ngay từ đầu năm, doanh nghiệp đặt kế hoạch lãi 560 tỷ đồng.

Cũng liên quan đến FLC, một doanh nghiệp khác là Nông dược HAI (mã HAI) cũng không đạt lợi nhuận như kỳ vọng do đặt kế hoạch lãi gấp hơn 2 lần cùng kỳ (đạt mức 100 tỷ đồng). Nguyên nhân do doanh nghiệp không tập trung lĩnh vực kinh doanh chính mà mở rộng sang các lĩnh vực bất động sản, xây dựng.

Thêm doanh nghiệp nữa trong lĩnh vực bất động sản là Địa ốc Hòa Bình (mã HBC) cũng chỉ báo lãi 627 tỷ đồng trong năm 2018, giảm 27% so với năm trước đó và mới hoàn thành 60% chỉ tiêu do kế hoạch đề ra là lãi sau thuế 1.068 tỷ đồng.

Tương tự FLC và HBC, niên độ tài chính 2017 – 2018, Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG) ghi nhận 410 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm hơn 3 lần so với thực hiện niên độ trước đó và chỉ thực hiện được 30% chỉ tiêu.

Có thể nói 2018 là năm buồn của ngành thép khi Thép Việt Ý (mã VIS) ghi nhận lỗ cả năm lên tới 326 tỷ đồng, trong khi năm 2017 vẫn lãi gần 43,5 tỷ đồng. Như vậy, mục tiêu kinh doanh cả năm của VIS là lãi trước thuế hơn 90 tỷ đồng đã không thể thực hiện được.

Ngành ngân hàng diễn ra sự phân hoá mạnh mẽ, bên cạnh điểm sáng Vietcombank, Techcombank, VP Bank là góc tối Eximbank. Trong năm vừa qua, ngân hàng Eximbank (mã chứng khoán EIB) lãi hơn 660 tỷ đồng, giảm 20% so với 2017 và hoàn thành 55% kế hoạch cả năm. Nguyên nhân dẫn đến việc “bể” kế hoạch kinh doanh của EIB do quý 4/2018, nhà băng bất ngờ lỗ 247 tỷ đồng.

Năm 2018, với doanh thu thuần gần 38.806 tỷ đồng, lãi sau thuế hơn 14.754 tỷ đồng, Vinhomes là doanh nghiệp niêm yết có lợi nhuận cao nhất thị trường.

Vinhomes cho biết, nguyên nhân lãi sau thuế bất ngờ tăng cao do trong năm qua công ty đã hợp tác cùng phát triển các dự án bất động sản lớn. Trong đó, doanh thu từ hợp tác kinh doanh nhiều dự án bất động sản gồm Vinhomes The Harmony, Vinhomes Inperia và Vinhomes Dragonebay đã mang lại khoản thu nhập 2.533 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong năm 2018, Vinhomes có nhiều dự án của các công ty con bắt đầu bàn giao, trong đó riêng hai dự án Vinhomes River và Vinhomes Motropolis Liễu Giai đã mang lại lần lượt 7.881 tỷ đồng và 3.060 tỷ đồng.

Ngược lại, nhóm doanh nghiệp "đội sổ" thua lỗ là gỗ Trường Thành, Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, Thép Việt Ý…

Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành (mã chứng khoán TTF) là doanh nghiệp giữ “quán quân” về thua lỗ trong năm 2018 với gần 653 tỷ đồng. Báo cáo tài chính của TTF ghi nhận doanh thu thuần 1.028 tỷ đồng, giảm mạnh so với 1.363 tỷ đồng năm 2017. Lợi nhuận sau thuế âm 737 tỷ đồng, riêng công ty mẹ âm xấp xỉ 653 tỷ đồng. Riêng trong quý 4, TTF báo lãi ròng 29 tỷ đồng, giảm 65%.

Hoà Bình
Bình luận
vtcnews.vn