Futsal khởi nguồn từ thập niên 30 của thế kỷ XX tại Uruguay. Tuy nhiên, phải đến năm 1965, Liên đoàn Futsal thế giới mới ra đời để chuẩn hóa luật lệ. Năm 1989, FIFA tiếp quản futsal và công nhận đây là môn bóng đá trong nhà, thông qua việc ban hành các luật lệ và tổ chức giải đấu.
Việc có 5 đại diện châu Á góp mặt ở vòng 16 đội FIFA Futsal World Cup 2021 cho thấy xu thế phát triển hiện tại của môn bóng đá trong nhà trên thế giới. Các nước châu Á đầu tư nhiều cho futsal hơn Anh, Đức hay vài nền bóng đá mạnh khác trên thế giới.
Sức hút và lợi nhuận
Nếu nhìn vào 2 bảng xếp hạng futsal và bóng đá 11 người thế giới lúc này, chúng ta có thể thấy sự khác biệt lớn đến từ Anh, Đức và Pháp. Cả ba nền bóng đá kể trên đều mạnh ở sân chơi 11 người, nhưng có thứ hạng thấp trong futsal.
Anh đứng thứ 60 trên bảng xếp hạng (BXH) futsal (dựa theo hệ số elo), Đức xếp thứ 63, trong khi Pháp xếp thứ 24. Ở châu Á, nền bóng đá mạnh ở sân chơi 11 người như Hàn Quốc xếp thứ 73, kém xa Việt Nam hay Thái Lan.
Lý giải về vấn đề này, Max Kilman, trung vệ đang khoác áo Wolverhampton, cho biết người Anh vốn không chuộng chơi futsal. "Ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay Brazil, người ta chơi futsal từ lúc 5 hay 6 tuổi", Kilman nói. "Đến năm 14 hay 15 tuổi, họ có thể lựa chọn tiếp tục theo futsal hay gắn bó với bóng đá 11 người. Ở Anh, mọi thứ khác nhiều".
Kilman nằm trong số ít cầu thủ trưởng thành từ các lò đào tạo của Anh, có thời gian gắn bó lâu với futsal và xem nó như môn bổ trợ cho bóng đá 11 người. Sự tiến bộ của cầu thủ sinh năm 1997 phản ánh xu thế mới, khi nhiều nền bóng đá ở châu Âu bắt đầu chú trọng đến futsal hơn.
Từ năm 2014, Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) đã lập đề án phát triển futsal. Tuy nhiên, đa phần người hâm mộ Anh vẫn thích xem bóng đá 11 người hơn, dẫn đến việc FA cắt giảm đầu tư cho futsal khi gặp khó khăn.
Tháng 9/2020, FA thông báo cắt giảm phần lớn ngân sách đầu tư cho các đội tuyển futsal nam và nữ Anh, do hệ quả từ đại dịch COVID-19. Tổ chức này thừa nhận họ phải tập trung ưu tiên cho các dự án quan trọng khác ở sân chơi 11 người.
Trong cuộc khảo sát được Dropbox thực hiện vào tháng 7/2018, tỷ suất người xem futsal qua truyền hình trên thế giới chỉ tập trung ở 4 giải đấu tại Brazil, Italy, Nga và Tây Ban Nha. Đây cũng là 4 quốc gia có nền futsal mạnh hàng đầu thế giới.
Bên ngoài 4 quốc gia kể trên, hơn 50 CLB futsal chuyên nghiệp rải rác tại châu Mỹ, châu Á hay châu Âu. Nhiều đội futsal chuyên nghiệp chủ yếu sống dựa vào nguồn tiền từ các ông chủ.
Ferrao, một trong những cầu thủ futsal hay nhất thế giới hiện tại, có khoảng 276.000 người theo dõi trên trang cá nhân. Ricardinho, siêu sao futsal thế giới đương đại, nhận hơn 1 triệu euro trong 3 năm khoác áo ACCS, đại diện mới nổi của bóng đá trong nhà châu Âu.
Chủ tịch ACCS Sami Sellami tiết lộ ngân sách hoạt động trung bình một năm của CLB rơi vào khoảng 500.000 euro. ACCS nổi lên trong một năm trở lại đây với tư cách "đại gia" của futsal châu Âu.
Châu Á chuộng futsal
Việc FIFA điều chỉnh số suất tham dự Futsal World Cup ở các châu lục trong hơn thập niên qua phản ánh xu thế phát triển của môn bóng đá trong nhà này trên toàn thế giới.
Tại Đức, CLB futsal đầu tiên dự giải vô địch châu Âu vào năm 2006. Tuy nhiên, LĐBĐ Đức (DFB) chỉ thực sự nghiêm túc với việc phát triển môn bóng đá trong từ năm 2015, với đề án "Futsal Masterplan".
Tuyển futsal Đức đá trận quốc tế đầu tiên vào tháng 10/2016, với đối thủ là tuyển Anh. Tuyển futsal Đức đứng thứ 63 trên bảng xếp hạng thế giới. Tương tự ở Pháp, futsal cũng chỉ phổ biến hơn trong vài năm trở lại đây.
Tuyển futsal Pháp có trận đấu quốc tế đầu tiên từ năm 1997, nhưng chưa từng tham dự kỳ World Cup hay Euro nào, ngoại trừ lần dự Euro 2018 và bị loại ngay từ vòng bảng.
Năm 2018, Futsal World Cup có 16 đội tham dự với 6 suất dành cho các đại diện từ châu Âu, 3 từ Nam Mỹ, 2 từ châu Phi, 2 từ Bắc Trung Mỹ, 2 từ châu Á và 1 từ châu Đại Dương.
Khi FIFA nâng số đội dự Futsal World Cup lên 24, số suất dành cho các đại diện từ châu Á đã tăng lên 5. Việc cả 5 đại diện châu Á vào vòng 16 đội World Cup 2021 cho thấy đà thăng tiến của futsal châu Á.
Giải vô địch futsal châu Á cấp ĐTQG lần đầu diễn ra vào năm 1999, chỉ 3 năm sau khi giải Futsal vô địch châu Âu ra đời.
Iran, Nhật Bản, Thái Lan hay Uzbekistan là những nước có phong trào futsal mạnh và đã thành lập giải chuyên nghiệp từ nhiều năm. Nhiều quốc gia châu Á coi futsal là nội dung họ có thể cạnh tranh sòng phẳng với các đội tuyển đến từ Nam Mỹ hay châu Âu.
Hàn Quốc có nền bóng đá mạnh ở sân chơi 11 người. Họ từng vào đến chung kết AFC futsal Cup lần đầu tiên năm 1999. Tuy nhiên, trong vòng thập niên trở lại đây, futsal Hàn Quốc không có sự phát triển lớn do thiếu sự đầu tư. Tuyển futsal Hàn Quốc chưa bao giờ dự World Cup.
Futsal sẽ phổ biến hơn?
Với việc bóng đá 11 người bắt đầu đề cao kỹ năng xử lý bóng trong phạm vi hẹp lúc này, nhiều quốc gia như Đức, Pháp hay Hàn Quốc bắt đầu chú trọng phát triển futsal.
Các LĐBĐ ở những quốc gia này coi futsal là môn bổ trợ quan trọng cho sân chơi 11 người và sẵn sàng đầu tư khiến bóng đá trong nhà trở nên phổ biến hơn.
Tháng 9/2021, mùa giải Futsal Bundesliga đầu tiên của Đức khởi tranh. Đây là giải đấu futsal VĐQG chuyên nghiệp đầu tiên được DFB tổ chức, với hình thức lên-xuống hạng như Bundesliga.
Ông Peter Frymuth, phó Chủ tịch DFB nói: "Chúng tôi muốn futsal phổ biến hơn tại Đức, và việc ra đời giải VĐQG là chuyên nghiệp cực kỳ quan trọng cho sự phát triển của bộ môn này".
Tại Pháp, LĐBĐ nước này đang xây dựng trung tâm huấn luyện futsal tại Lyon, với tham vọng xây dựng ĐTQG đủ khả năng cạnh tranh ở Euro hay World Cup.
Song song với đó, giải futsal VĐQG Pháp bắt đầu thu hút nhiều ngôi sao hàng đầu như Ricardinho, Bruno Coelho hay Carlos Ortiz Jimenez, nhờ sự đầu tư mạnh mẽ của các ông chủ đội bóng.
Dù phải cắt giảm lượng lớn ngân sách đầu tư cho futsal trong năm 2021, FA khẳng định tầm quan trọng của môn bóng đá trong nhà. "Futsal tiếp tục là một phần trong đề án phát triển bóng đá của nước Anh, khi giúp cải thiện kỹ thuật cơ bản của cầu thủ", thông báo của FA có đoạn viết.
Đề án phát triển futsal của LĐBĐ Hàn Quốc (KFA) ra đời từ năm 2017. Giải VĐQG futsal Hàn Quốc bắt đầu nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ công chúng trong 2 năm trở lại đây.
Chia sẻ với Zing, anh Dongjin Lee, thủ môn đang chơi tại giải VĐQG futsal Hàn Quốc, khẳng định giới trẻ nước này đang quan tâm hơn đến môn bóng đá trong này.
"So với khoảng thời gian 5 năm trước, futsal giờ phổ biến hơn tại Hàn Quốc", anh Lee nói. "Tuy nhiên, futsal Hàn Quốc còn nhiều việc phải làm để cạnh tranh với Nhật Bản, Iran hay thậm chí là Thái Lan, Việt Nam. Khi có nhiều người chơi và quan tâm hơn, tôi trông chờ sự đầu tư nhiều hơn từ KFA".
Nếu đứng độc lập, futsal rõ ràng không thể cạnh tranh với bóng đá 11 người về sức hút, tính quy mô cũng như sự chuyên nghiệp. Tuy nhiên, với sự phát triển của bóng đá và xã hội hiện đại, futsal đang dần trở thành một thành tố quan trọng hơn.
Bình luận