Tại tọa đàm “Ngành Y vượt khó” sáng 23/2, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) cho biết, sau đại dịch COVID-19, số lượng người đến khám rất nhiều trong khi những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để mua được hóa chất xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế vẫn còn vướng mắc. Thực tế này không chỉ diễn ra ở Việt Đức mà còn ở một số bệnh viện tuyến cuối khác như Bạch Mai, K, Chợ Rẫy. Vật tư y tế, các hóa chất xét nghiệm để phục vụ chẩn đoán, điều trị cho người bệnh cũng gần như đã hết.
Hóa chất chỉ còn đủ dùng trong một tuần
Ở Bệnh viện Việt Đức, có những xét nghiệm đơn giản như công thức máu chỉ còn một tuần nữa là không còn hóa chất để dùng nếu như sử dụng bình thường. Bên cạnh đó, số lượng vật tư điều trị cho bệnh nhân xẹp đốt sống tại đơn vị cũng hạn chế, chỉ chỉ định cho trường hợp cấp cứu.
"Đây là việc cấp cứu của cấp cứu cần được tháo gỡ. Chúng ta chỉ còn khoảng thời gian từ một tuần tới hai tuần nữa, nếu như chúng ta không tháo gỡ thì các bệnh viện hầu như sẽ không hoạt động được", ông Giang nói.
Không những vậy, bệnh viện còn thiếu hóa chất định lượng nồng độ thuốc trong máu của bệnh nhân ghép tạng, hóa chất miễn dịch, hóa chất khí máu, vật tư hút máu đông, miếng dán cố định phẫu trường, kim gây tê tủy sống. Trước những khó khăn này, bệnh viện đã họp rất nhiều lần, kể cả họp Đảng ủy, họp Hội đồng khoa học mở rộng tới tất cả trưởng, các bộ phận, đơn vị để tháo gỡ nhưng chưa thể giải quyết.
Nguyên nhân theo GS.TS Trần Bình Giang, đó đều những hóa chất xét nghiệm sử dụng trên các hệ thống máy do các công ty cung cấp hóa chất đặt tại bệnh viện làm. "Từ năm 2015, bệnh viện hầu như không có tiền cung cấp từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động chi không thường xuyên, mua máy móc nên số lượng máy móc xét nghiệm rất khó khăn, riêng máy móc xét nghiệm tại đơn vị đã có giá từ 250 đến 300 tỷ đồng", ông Giang giải thích thêm về lý do phải đặt máy.
Cơ quan chức năng trước đây cho phép thanh toán bảo hiểm y tế với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy đặt, mượn do nhà thầu cung cấp. Bệnh viện có nguồn thu cũng như cơ sở pháp lý để đấu thầu mua sắm hóa chất, triển khai các xét nghiệm phục vụ người bệnh.
Tuy nhiên, Nghị quyết 144 quy định, các hợp đồng ký sau tháng 11/2022 (thời hạn áp dụng đến tháng 11/2023) sẽ không được bảo hiểm y tế chi trả. Do đó, từ tháng 12 năm ngoái, bệnh viện không thể kéo dài hình thức mượn máy, đặt theo kết quả đấu thầu hóa chất như trước, nên dẫn đến thiếu hụt. Những hóa chất quan trọng, ảnh hưởng đến cấp cứu, khám, điều trị bệnh nhân như công thức máu, đông máu, Mg đều hết số lượng thầu.
Bên cạnh đó, các vật tư tiêu hao dành cho mổ xẻ cũng chỉ đủ dùng trong một tháng nữa. Theo quy định của luật pháp, việc mua các vật tư tiêu hao phải đảm bảo các vật tư đó được phép lưu hành trên thị trường và có giấy phép. Hầu hết giấy phép cho các vật tư tiêu hao hiện nay chưa được cấp, chưa được gia hạn nên các đơn vị không thể mua hay đấu thầu.
Ngoài ra, nhiều vấn đề khác như tính giá dịch vụ, đấu thầu thuốc tập trung, mua thuốc theo Hiệp định CPTPP, thuốc hiếm, thuốc gây nghiện… hiện chưa biết cách nào xử lý để các bệnh viện có thể hoạt động được.
GS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng chia sẻ, thiết bị y tế là vấn đề vô cùng khó trong giai đoạn hiện nay. Sau Tết, lượng bệnh nhân đến bệnh viện tăng đột biến. Không giống như mọi năm thường quý II hoặc tháng 2, tháng 3 âm lịch người đến khám mới đông, năm nay bệnh nhân tăng đột biến ngay từ mùng 6 Tết.
Ngày đầu tiên sau Tết, bệnh nhân đến khám ngoại trú đã là 6.000 người. Do vậy thiết bị để phục vụ khám chữa bệnh tại đơn vị đang thiếu trầm trọng. Trong khi đó, hầu hết các thiết bị của Bệnh viện Bạch Mai 10 năm qua thực hiện liên doanh liên kết. Khi hết hợp đồng, các thông tư về liên doanh, liên kết cũng hết hiệu lực. Các bệnh viện đang chờ thông tư mới, quy định mới nên hiện chưa thể tái ký hợp đồng cũng như không thể ký hợp đồng mới được. Bệnh viện không có nguồn ngân sách nào trong việc đầu tư, mua sắm các thiết bị mới.
“Chúng tôi đang đề xuất khẩn cấp với Bộ Y tế và Chính phủ đầu tư nguồn ngân sách để bệnh viện sớm có các thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh khẩn cấp cho người bệnh” GS.TS Đào Xuân Cơ cho biết thêm.
Hàng loạt giải pháp của Bộ Y tế
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, liên quan đến vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế ở các cơ sở y tế trên cả nước, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành liên quan rà soát lại tất cả các văn bản liên quan để hoàn thiện thể chế về nội dung này.
"Thời gian qua, chúng ta đã tập trung ưu tiên ban hành Nghị quyết 80 của Quốc hội. Đó là Nghị quyết quan trọng và đã giải quyết được căn cơ, trước mắt vấn đề cung ứng thuốc trong các cơ sở điều trị. Nghị quyết 80 cho phép gia hạn đăng ký tuổi thuốc đến hết năm 2024. Trong khoảng thời gian này, Bộ Y tế đã yêu cầu Cục Quản lý dược rà soát và ban hành các danh mục thuốc đảm bảo theo đúng quy định của Nghị quyết 80 của Quốc hội. Trước mắt, Cục Quản lý dược ban hành đợt 1 gần 10.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc", ông Tuyên nói.
Về trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đã dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 98 của Chính phủ và đang trình Chính phủ xem xét ban hành. Khi Nghị định sửa đổi Nghị định 98 được ban hành, Thứ trưởng Tuyên cho rằng sẽ giải quyết được căn cơ nội dung liên quan đến việc cung ứng trang thiết bị vật tư y tế như thực trạng Giám đốc Bệnh viện Việt Đức nêu trên.
Bộ Y tế cũng đang dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 146 của Chính phủ về việc thực hiện Luật Bảo hiểm y tế. Bộ Y tế cùng với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT rà soát và ban hành các văn bản liên quan đến đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị.
Ngoài ra, Bộ Y tế tập trung giải quyết theo Nghị quyết 114 của Chính phủ. Bộ Y tế đã phối hợp BHXH Việt Nam có hướng dẫn về việc thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh đối với các cơ sở y tế của năm 2021 với tổng kinh phí khoảng 4.500 tỷ đồng.
Như vậy, nếu cả giai đoạn 2018, 2019, 2020, 2021 thanh quyết toán được tất cả cho các cơ sở y tế trên toàn quốc, thì tổng kinh phí khoảng 7.000 tỷ đồng. Đây là nguồn lực rất lớn để các cơ sở y tế tái cấu trúc lại trong quá trình cung ứng thuốc, vật tư cũng như đảm bảo công tác chi thường xuyên để duy trì hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh.
9 khó khăn ngành y tế phải đối mặt
Tại tọa đàm, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân tuyên nêu 9 khó khăn, thách thức của ngành y tế trong giai đoạn hiện nay. Thứ nhất, dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn và vẫn xuất hiện những biến chủng mới, có nguy cơ diễn biến phức tạp và khó khăn hơn.
Thứ hai, cùng với dịch COVID-19, xuất hiện các dịch như sốt xuất huyết, nguy cơ xâm nhập các dịch bệnh nguy hiểm mới nổi như đậu mùa khỉ, viêm gan cấp… chưa rõ nguyên nhân. Hệ thống y tế tồn tại hạn chế chưa giải quyết được quyết liệt ở giai đoạn trước, nảy sinh thêm những khó khăn vướng mắc, đặc biệt là sau COVID-19, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Thứ ba, hệ thống thể chế liên quan đến lĩnh vực y tế cơ bản hoàn thiện nhưng vẫn còn những bất cập nhất định và đặc biệt là những bất cập liên quan đến mua sắm, đấu thầu, liên doanh liên kết, sử dụng tài sản công.
Thứ tư, hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng cũng còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ tiêm chủng ở một số địa phương chưa đảm bảo. Đặc biệt, quảng cáo về tác dụng của thực phẩm chức năng chưa đúng quy định hiện diễn biến phức tạp, đặc biệt trên mạng xã hội.
Thứ năm, chất lượng công tác điều hành phục vụ người bệnh tại một số cơ sở vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của người bệnh, tình trạng quá tải vẫn chưa được giải quyết triệt để, nhất là với các bệnh viện tuyến cuối, các bệnh viện tuyến Trung ương. Đáng chú ý nữa là các dịch vụ y tế của chúng ta ở các tuyến dưới chưa được nâng lên, trong khi thói quen và tâm lý của người bệnh lúc nào cũng muốn được điều trị tuyến cao hơn. Từ đó gây tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.
Thứ sáu, năng lực sản xuất trang thiết bị còn khó khăn, mới dừng ở trang thiết bị y tế thông dụng, công nghệ còn thấp. Việc kiểm định trang thiết bị còn chưa được chú trọng đúng mức.
Thứ bảy, tình trạng thiếu thuốc, vật tư trang thiết bị y tế ở một số cơ sở y tế trên toàn quốc chưa được khắc phục một cách triệt để. Số lượng hồ sơ đăng ký cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cũng như trang thiết bị của chúng ta còn tồn đọng lớn và chưa được giải quyết một cách triệt để.
Thứ tám là quản lý đào tạo chất lượng và nhân lực y tế chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế và hội nhập quốc tế. Cùng với đó là tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, chuyển từ hệ thống y tế công lập sang y tế ngoài công lập, đặc biệt là những cán bộ y tế có tay nghề cao, có kinh nghiệm. Đây cũng là một khó khăn, thách thức đối với ngành y tế.
Cuối cùng là chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực khám chữa bệnh cũng như phòng bệnh chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngân sách nhà nước chi cho y tế, bảo hiểm y tế tăng nhưng tổng chi bình quân cho đầu người vẫn còn thấp. Tỷ lệ chi tiền túi của hộ gia đình cho công tác khám chữa bệnh vẫn ở mức cao, chiếm khoảng 43% tổng chi y tế.
Bình luận