• Zalo

Vì sao nguyên Phó chủ tịch Hà Nội đến nay mới bị khởi tố?

Thời sựThứ Tư, 24/05/2017 07:29:00 +07:00Google News

Vụ án xảy ra từ đầu năm 2012, nhiều người liên quan đã bị truy tố, tại sao đến nay CQĐT mới ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phí Thái Bình?

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phí Thái Bình, nguyên Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinaconex để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Vinaconex.

Trước đó, tháng 2/2016, VKSND Tối cao đã ra cáo trạng truy tố 9 bị can liên quan tới việc đường ống dẫn nước sông Đà liên tục bị vỡ về tội danh trên.

CQĐT xác định hành vi của ông Phí Thái Bình có liên quan đến giai đoạn ông làm Chủ tịch HĐQT Vinaconex, chủ đầu tư dự án đường ống dẫn nước sạch sông Đà.

Theo đó, ngày 10/10/2003, ông Phí Thái Bình đã ký quyết định số 1517- VC/ĐT phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Trong đó, tuyến ống truyền tải nước sạch gồm 2 tuyến ống, vật liệu ống bằng gang dẻo, thép.

Phí Thái Bình, Vinaconex, vỡ ống nước Sông Đà, đường ống Sông Đà

Ông Phí Thái Bình.

Ngày 15/4/2004, HĐQT Vinaconex ban hành quyết định số 468 - QĐ/VC- ĐT phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, trong đó tuyến ống truyền nước sạch được điều chỉnh thay đổi vật liệu bằng ống cốt sợi thủy tinh.

Nửa tháng sau, HĐQT Vinaconex có quyết định phê duyệt kế hoạch đấu thầu, phân chia các hạng mục, gói thầu, lựa chọn nhà thầu cho dự án. Tổng mức đầu tư là 1.450 tỷ đồng.

Sau khi dự án hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác, từ ngày 4/2/2012 đến ngày 26/9/2015, tuyến ống truyền tải nước sạch này đã 14 lần bị vỡ với 18 cây ống cốt sợi thủy tinh bị phá hủy, gây thiệt hại lớn về kinh tế và gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Sau khi thực hiện công tác giám định, ngày 15/4/2015, Bộ Xây dựng kết luận nguyên nhân tuyến ống liên tục bị vỡ là do sự bất lợi của một số yếu tố trong các giai đoạn sản xuất, thi công lắp.

Trong đó, nguyên nhân chính là chất lượng ống được sản xuất không đồng đều (mặt cắt ngang của thành ống có nhiều khuyết tật, rỗ), các mẫu ống được thử nghiệm hầu hết không đạt chỉ tiêu độ cứng vòng, bề mặt ống bị xước và có khuyết tật đã tạo ra những điểm xung yếu.

Xảy ra sự cố do muốn tiết kiệm?

Kết quả điều tra đã xác định được hành vi của các bị can thuộc Ban quản lý dự án cấp nước sông Đà - Hà Nội, công ty cổ phần ống sợi thủy tinh Vinaconex, đoàn tư vấn giám sát thuộc công ty cổ phần Nước và môi trường Việt Nam.

Cáo trạng cũ có nêu, trong vụ án này còn có trách nhiệm của các thành viên HĐQT Tổng công ty Vinaconex, gồm các ông Phí Thái Bình - Chủ tịch HĐQT và các ủy viên.

Kết quả điều tra đã xác định, sai phạm của HĐQT Vinaconex là quyết định cho thay đổi vật liệu tuyến ống, sử dụng ống cốt sợi thủy tinh thay cho ống gang dẻo, ống thép để đặt cho tuyến ống truyền nước sạch của dự án khi chưa thẩm định hiệu quả sử dụng.

Ngoài ra, HĐQT Vinaconex còn lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực và kinh nghiệm để cung cấp ống composite cho dự án, sản phẩm cung cấp không đảm bảo chất lượng gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Với thay đổi loại vật liệu này, HĐQT muốn tiết kiệm kinh phí đầu tư, thu hồi vốn nhanh.

Thời điểm đầu năm 2016, ông Phí Thái Bình đã nghỉ hưu nên cơ quan điều tra Bộ Công an xem xét xử lý sau.

Nội dung cáo trạng nêu trên được phía VKS chuyển sang TAND TP Hà Nội để xét xử. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, đến ngày 31/5/2016, TAND TP Hà Nội đã ra quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung.

Video: Đề nghị truy tố 9 bị can trong vụ vỡ đường ống nước sông Đà

Kết quả điều tra bổ sung của cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, năm 2004, HĐQT Vinaconex gồm các ông Phí Thái Bình - Chủ tịch, Nguyễn Văn Tuân, Tổng giám đốc, Tô Ngọc Thành, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chầm là các ủy viên khi thực hiện vai trò nhiệm vụ của chủ đầu tư cấp nước sông Đà đã không thực hiện đúng quy định pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình…

Việc làm của các thành viên HĐQT Vinaconex có dấu hiệu phạm tội "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" theo điều 229 bộ luật Hình sự. 

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra những người này khai báo thành khẩn, hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ bản chất vụ án, có thân nhân tốt, nhiều đóng góp cho ngành xây dựng. Mặt khác, kết quả điều tra xác định được động cơ vụ lợi nên liên ngành tư pháp Trung ương khi đó thấy rằng không cần thiết phải xử lý hình sự đối với các thành viên HĐQT Vinaconex. 

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn