• Zalo

Vì sao người Việt lại hỏi nhau ‘bao giờ về Tết’ thay vì ‘đi đâu chơi Tết’?

Thời sựThứ Hai, 04/02/2019 07:43:00 +07:00Google News

Rất nhiều người ở các tỉnh nhỏ chấp nhận cuộc sống tha phương cầu thực, đổ dồn về các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội,… để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn, thế nên Tết là thời điểm mà họ trở về bên gia đình thay vì đi đến một địa điểm du lịch.

Thời điểm Tết Nguyên đán đến gần, khi sắc xuân đã bắt đầu hiện hữu ở khắp mọi con đường, ngõ hẻm cũng là lúc người ta thường hỏi nhau: “Bao giờ về Tết”?

Đây có lẽ là câu hỏi được người ta nói ra nhiều nhất và cũng là câu nói mang nhiều cảm xúc nhất. Người Việt thường hỏi nhau "bao giờ về Tết" và rất ít hỏi nhau "đi đâu chơi Tết?"

Bắt đầu từ 20 tháng Chạp, hàng triệu người Việt Nam ở khắp các thành phố lớn nhỏ lại lên đường trở về nhà để đoàn tụ với gia đình, hàng trăm nghìn kiều bào nước ngoài cũng tranh thủ về quê hương đón Tết sau nhiều năm bôn ba xứ người. Đây là có thể coi là cuộc di cư lớn nhất năm của người Việt khắp nơi.

Những năm gần đây, dù đã bắt đầu có nhiều người chọn việc “đi chơi Tết” thay vì “về Tết”, nhưng đó cũng là con số quá ít ỏi so với lượng người đổ ra các nhà ga, bến xe, sân bay mỗi năm. Và người ta cũng hỏi nhau "bao giờ về Tết" thay vì "đi đâu chơi Tết".

nguoivequeantet

 Những ngày cuối năm, sân bay Tân Sơn Nhất đông nghẹt người về quê ăn Tết.

“Tết âm lịch chính là biểu tượng của sự đoàn viên, là thời điểm mà tất cả chúng tôi đều mong muốn được trở về với bố mẹ sau một năm xa gia đình. Những người sinh ra, lớn lên và làm việc cùng một nơi chắc chắn sẽ không thích Tết, vì với họ sẽ chẳng có gì khác ngày thường, nhưng với những người xa xứ như tôi thì Tết là để trở về chứ không phải để đi chơi”, anh Nguyễn Văn Dũng – phụ trách pháp chế một công ty bất động sản ở TP.HCM nhận định.

Cùng quan điểm trên, anh Trần Xuân Trường – phóng viên một tờ báo tại TP.HCM chia sẻ: “Tết mang lại cảm giác tâm lý rất kỳ lạ, công việc của tôi là phải ghi nhận những cảnh người ta chen chúc, chèo kéo nhau trên đường để về Tết. Nhưng thay vì sợ hãi khung cảnh đó, tôi lại có cảm giác nôn nao, mong muốn kết thúc công việc nhanh hơn để về nhà”.

Trong khi đó, dưới góc nhìn của một người làm văn hóa, nhà thơ Võ Quê – nguyên Chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế chia sẻ, lý do khiến câu hỏi “bao giờ về Tết?” được nhắc đến nhiều vì sự tha phương cầu thực của rất đông người Việt.

chuyengiavanhoavoque

 Chuyên gia văn hóa - nhà thơ Võ Quê. (Ảnh: NVCC)

“Người Việt từ lâu nay luôn nghĩ đến việc rời bỏ quê hương, đi khắp nơi để đi tìm kế sinh nhai. Mà đã đi thì thường hay đi xa để tìm kiếm cơ hội. Đến ngày Tết họ mới trở về quê nhà, chính vì vậy Tết vừa mang yếu tố tình cảm, vừa mang yếu tố tâm linh.

Người Việt Nam có tính hướng nội, chính vì có tính hướng nội nên những truyền thống của dân tộc luôn tồn tại trong tâm hồn người Việt, dù cho họ có đi bất cứ phương trời nào, làm ăn như thế nào, người ta cũng mong có ngày trở về. Và Tết là một cơ hội như thế”, ông Quê nhận định.

 
Người Việt Nam có tính hướng nội, chính vì có tính hướng nội nên những truyền thống của dân tộc luôn tồn tại trong tâm hồn người Việt, dù cho họ có đi bất cứ phương trời nào, làm ăn như thế nào, người ta cũng mong có ngày trở về.

Ông Võ Quê

Theo ông Quê, người Việt từ những mảnh đất cằn cỗi hơn, ít phát triển hơn để đi đến những thành phố lớn lập nghiệp. Từ miền Trung nghèo khổ, đất chật người đông tỏa ra 2 đầu đất nước, trong đó tiêu biểu là TP.HCM và Hà Nội để làm ăn, các tỉnh miền Tây kéo nhau lên TP.HCM, còn các tỉnh phía Bắc thường sẽ đổ dồn về Hà Nội.

Thế nên Tết chính là cuộc di cư lớn nhất của họ: Về quê.

“So với các vùng miền còn lại, người miền Trung là những người tha phương nhiều nhất. Điều kiện thời tiết, thiên nhiên khắc nghiệt, đất đai không màu mỡ khiến người miền Trung vất vả hơn những vùng đất trù phú khác.

Họ tha phương để kiếm tiền, để nuôi sống bản thân và gia đình lên. Người trẻ thì muốn đi xa, học thật giỏi, để có tương lai tươi sáng hơn ở vùng đất mới. Đó là lý do cứ Tết đến lượng người đổ về miền Trung nhiều hơn các vùng miền còn lại”, ông Quê nhận định.

Về lý do khiến người Việt phải tha phương, theo ông Quê chủ yếu vì sự phân bổ của các nhà máy, các khu công nghiệp lớn đều tập trung ở những TP hàng đầu như TP.HCM, Hà Nội,… và các địa phương vệ tinh.

Trong khi đó, mức độ phân bổ khu công nghiệp, nhà máy ở các tỉnh nhỏ lại quá thưa và không có sự đầu tư đúng mức. Vì vậy, việc tạo công ăn việc làm cho người bản xứ, giữ chân lao động hầu như không cao.

Tuy nhiên, theo ông Quê hiện nay một số địa phương đã bắt đầu xây dựng các khu chế xuất, khu công nghiệp tại địa phương, tuyển công nhân tại chỗ.

vequeantet 3

Dù phải chen chúc hay vật vã nằm chờ, nhiều người vẫn chọn cách trở về quê hương mỗi dịp Tết. Ảnh: Ga Sài Gòn trong những ngày hàng vạn người dân "di cư" về quê đón Tết.

“Mỗi địa phương cần tìm cho mình một đặc điểm kinh tế, tùy theo đặc thù của vùng miền mà đưa ra những giải pháp dài hạn về kinh tế, mà kinh tế trên nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp, công nghiệp, du lich, văn hóa,… để giữ người lại, tránh tình trạng tha phương cầu thực như trong thời gian qua.

Như Việt kiều chẳng hạn, đã có thời kỳ những người bỏ đất nước ra đi vì có những bất ổn, đói nghèo. Thế nhưng chỉ cần xã hội ổn định thì sẽ chẳng còn ai muốn ra đi nữa, vì tâm lý người Việt ai cũng muốn gần gũi với quê hương, làng xóm, với người thân tộc”, ông Quê khẳng định.

Theo số liệu phục vụ hành khách trong các năm trước của Sở GTVT TP.HCM và thực tế hiện nay, dịp Tết Nguyên đán 2019 có khoảng 1,6 triệu lượt hành khách xuất bến tại các bến xe tại TP.HCM trong vòng 20 ngày cao điểm trước và sau Tết.

Trong khi đó, ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc CHKQT Tân Sơn Nhất cho biết, lượng hành khách cao điểm Tết 2019 đạt hơn 134.200 khách/ngày, tăng khoảng 17.000 hành khách so với năm 2018.

Tân Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn