Câu chuyện người Việt ra nước ngoài chữa bệnh không phải là mới. Tại hội nghị triển khai công tác năm 2019 mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lần đầu tiên công bố con số: "Mỗi năm người Việt chi khoảng 2 tỉ USD ra nước ngoài khám chữa bệnh".
Có người tìm đến các bệnh viện (BV) có tiếng ở những nước có nền y học tiên tiến và đã được chữa khỏi bệnh. Nhưng cũng không ít bệnh nhân sống dở chết dở tại các BV nước ngoài, mất tiền tỉ mà bệnh tình càng trầm trọng, rốt cuộc lại phải về Việt Nam chữa trị…
Tiếc nuối cho những ca xuất ngoại sai lầm
Nói đến những ca bệnh "xuất ngoại" không may mắn, tôi vẫn nhớ trường hợp một phụ nữ có thai bị rau tiền đạo, BV Phụ sản Trung ương chỉ định phải mổ lấy con và cắt tử cung. Nhưng chị ấy nghe theo lời "cò mồi" nên đã ra nước ngoài để chữa bệnh, chi phí hết 1 tỉ đồng.
Bác sĩ nước ngoài cũng mổ lấy thai, cắt tử cung như chỉ định của BV Phụ sản Trung ương, nhưng không hiểu vì sao, họ lại cắt luôn niệu quản của chị. Đến 23 Tết âm lịch, họ cho chị về Việt Nam và hẹn mồng 8 Tết sang khám lại.
Khi trở lại bệnh viện đó để tái khám, riêng tiền hội chẩn, bác sĩ nước ngoài yêu cầu chị phải nộp 12.000 USD, và nếu nối lại niệu quản thì chị sẽ phải mất 46.000 USD nữa. Thấy số tiền quá lớn và quá bất công (vì chính họ cắt niệu quản của chị), người mẹ này đã phải quay về Việt Nam, vào BV Việt Đức chữa trị.
Sau này tôi nghe các bác sĩ BV Việt Đức kể lại, thứ hai chị nhập viện BV Việt Đức, thứ ba chị được chỉ định mổ cấp cứu, thứ bảy chị đã được xuất viện. Tổng chi phí của chị tại BV Việt Đức hết 9 triệu. So với chi phí 1 tỉ đồng trước đó chị chi cho BV nước ngoài, mới thấy quyết định xuất ngoại của chị thật là sai lầm và đáng tiếc.
Vì sao có nhiều người Việt vẫn quyết định ra nước ngoài chữa bệnh, dù bệnh đó trong nước hoàn toàn chữa được? Phó Giáo sư (PGS) Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Việt Đức cho rằng: "Đây là câu hỏi mà nhiều nhà quản lí, nhiều nhà hoạt động xã hội, nhiều bác sĩ trăn trở đi tìm lời giải. Tôi cảm thấy vừa bức xúc, vừa tiếc nuối cho người bệnh.
Trong lĩnh vực ngoại khoa của tôi, rất nhiều bệnh nhân đã ra nước ngoài chữa bệnh, và kết quả không thật sự mỹ mãn như người ta kỳ vọng. Trong số 62 bệnh nhân ghép gan tại BV Việt Đức, có 5 bệnh nhân ra nước ngoài rồi lại quay lại chỗ chúng tôi để ghép. Về mặt xã hội, ra nước ngoài chữa bệnh rất tốn kém, gấp 4 - 10 lần ở Việt Nam. Ví dụ ghép gan ở nước ngoài hết khoảng 6 tỉ thì ở Việt Nam chỉ hết khoảng 1,5 tỉ. Tôi hay nói đùa, "họ đã trả học phí một cách ngu ngốc".
Việt Nam đã thực hiện được những ca ghép tạng khó, với chi phí rẻ hơn 4 - 6 lần so với ghép tạng ở nước ngoài.Bác sĩ Nguyễn Tiến Quyết kể, một GS người nước ngoài từng nói với ông rằng, ở Việt Nam, mặt bệnh rất phong phú và đông bệnh nhân, chính vì vậy, bác sĩ của Việt Nam sẽ giỏi vì được gặp nhiều "bệnh lý đa dạng".
Còn ra chữa bệnh tại một nước mà dân số rất ít, làm sao có đông bệnh nhân để cho bác sĩ "thực hành, thi thố". Ngành y là học thực hành, nếu chỉ ôm một mớ lí thuyết mà không có thực hành thì bác sĩ không bao giờ giỏi được. Đó là chưa kể, đặc điểm bệnh lí của người Việt Nam cũng rất khác.
Cùng một bệnh nhân là ung thư gan, ở nước ngoài qua tầm soát, họ phát hiện giai đoạn đầu của bệnh, khi đó u gan còn rất bé nên có thể đốt cũng hiệu quả. Nhưng u gan ở Việt Nam, khi bệnh nhân đến BV Việt Đức thì hầu hết đã di căn (số phát hiện sớm chỉ 5% - 10% ca bệnh), mà "phát hiện muộn thì ở Việt Nam hay ra nước ngoài cũng chịu".
Làm gì để giữ chân người bệnh?
Trở lại con số người Việt phải chi đến 2 tỉ USD khi ra nước ngoài chữa bệnh mà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến công bố. Con số này có thể sẽ gia tăng khi người dân có điều kiện kinh tế, chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn, họ có nhu cầu bảo vệ sức khỏe ở mức độ rất cao. Nhưng người bệnh đổ ra nước ngoài chữa bệnh còn là do chất lượng khám chữa bệnh trong nước chưa đáp ứng yêu cầu.
Người dân Việt Nam có xu hướng đi khám chữa bệnh nước ngoài vì chưa thật sự có niềm tin vào dịch vụ điều trị tại Việt Nam. Tình trạng quá tải BV ám ảnh họ. Các dịch vụ chăm sóc y tế chưa cao, chưa đồng bộ khiến người bệnh mệt mỏi nên họ đã chọn cách ra nước ngoài để điều trị.
Đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, một số bệnh nhân ung thư, bệnh nhân điều trị tế bào gốc, hoặc những bệnh rối loạn chuyển hóa đặc biệt ra nước ngoài chữa bệnh vì các cơ sở y tế trong nước chưa có độ tin tưởng về xét nghiệm gen, tế bào miễn dịch.
Tuy nhiên, một bác sĩ ở BV Bạch Mai kể rằng, có một bệnh nhân sau khi được chỉ định nhập viện để điều trị ung thư vòm họng thì xin về. Sau này, anh gặp lại vợ của bệnh nhân đó thì được nghe chị tâm sự: "Em cho chồng em ra nước ngoài chữa bệnh, nếu chết ở BV nước ngoài thì không có gì phải hối tiếc".
Nhiều người bệnh có suy nghĩ rất cực đoan vì họ không hiểu sâu sắc về y tế trong nước, lại sẵn tâm lí sính ngoại, do đó cố gắng ra nước ngoài chữa bệnh bằng mọi giá, trong khi y tế trong nước đã khởi sắc, chữa được nhiều ca bệnh khó.
Hiện Bộ Y tế đang đặt mục tiêu thay đổi về phân bổ ngân sách và đầu tư để giữ chân những người bệnh giàu có ở lại điều trị trong nước, đồng thời thu hút nửa triệu người nước ngoài làm việc tại Việt Nam sử dụng dịch vụ y tế tại Việt Nam, thay vì họ di chuyển sang các nước trong khu vực hoặc về nước.
Mục tiêu này đưa ra để thay đổi, giải quyết những bất cập trong phân bổ và sử dụng ngân sách y tế: Tuyến trung ương và tỉnh chăm sóc y tế cho 30% người bệnh nhưng sử dụng tới 70% chi phí thuốc men; tuyến huyện và tuyến xã chăm sóc y tế cho 70% người bệnh, nhưng chỉ nhận được 30% chi phí thuốc men.
Người đứng đầu ngành Y tế cho hay, hiện chi phí y tế cao ở phần điều trị, thấp ở dự phòng, trong khi sức khỏe của mỗi người liên quan nhiều đến hành vi cá nhân: 40% liên quan đến thuốc lá, ăn uống, vệ sinh; 30% liên quan đến cơ địa; 20% do môi trường; 10% là tác động của thuốc và hệ thống y tế.
Do đó, "nếu chăm sóc sức khỏe bằng các giải pháp dự phòng như đo huyết áp, sàng lọc phát hiện bệnh sớm thì chi phí rẻ mà hiệu quả cao, nhưng nếu để bệnh nặng rồi mới chữa thì hiệu quả thấp nhưng chi phí cao" - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.
Theo PGS Nguyễn Tiến Quyết, hiện nhiều BV tuyến đầu đã làm chủ được các kỹ thuật khó, chữa được nhiều ca bệnh hiểm nghèo. Nhiều trung tâm y tế lớn ở Hà Nội, TP.HCM và Huế có đầy đủ phương tiện hiện đại để chẩn đoán và điều trị, thậm chí có những BV tư nhân, cơ sở vật chất sánh ngang với các nước phát triển.
Nhiều bác sĩ nước ngoài còn đến Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm. Nhiều người nước ngoài còn tìm đến Việt Nam để chữa bệnh. Năm 2018, các BV trong nước tiếp nhận 300.000 người là Việt kiều, người bệnh ở các quốc gia lân cận như Campuchia, Lào, người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam đến khám bệnh, 57.000 người trong đó đã điều trị nội trú.
Ngay trong lĩnh vực đột quỵ đã có nhiều đột phá, nếu bệnh nhân còn "trong giai đoạn vàng", ngoài đặt stent, các bác sĩ còn dùng dụng cụ để lấy khối máu ra, lập tức bệnh nhân tỉnh ngay. Rồi các kỹ thuật khó như đặt ống mổ nội soi, can thiệp sớm bào thai, hay lĩnh vực tế bào gốc, Việt Nam có nhiều thành tựu. Đó là chưa kể, đội ngũ bác sĩ ở Việt Nam lăn lộn với cuộc sống khám chữa bệnh nên giàu kinh nghiệm.
"Tôi cho rằng, muốn giữ chân người bệnh chữa trị trong nước, các bác sĩ phải làm việc thật chuyên nghiệp, nhiệm vụ của họ là phải cứu chữa bệnh nhân hết mình, tìm đủ mọi cách cứu chữa, để khi cố gắng tối đa mà không cứu chữa được thì không phải ân hận.
Đấy là cái cách mà chúng tôi được dạy dỗ. Nhưng còn một nguyên nhân nữa là do người dân thiếu thông tin, do chúng ta truyền thông chưa được tốt nên họ không nắm bắt được những tiến bộ của y học trong nước.
Có những bệnh nhân sau khi được chúng tôi tư vấn kĩ đã từ bỏ ý định ra nước ngoài, và họ đã điều trị thành công ở trong nước. Nói thế để thấy chúng ta phải tăng cường truyền thông cho người dân hiểu.
Và chiến lược giữ chân người bệnh chữa trị trong nước chỉ riêng ngành y tế làm thôi thì chưa đủ, cần sự chung tay của cả cộng đồng. Đợt vừa rồi tôi đi kiểm tra các BV, các nơi đều cố gắng phấn đấu tốt, bởi họ đều nhận thức không vươn lên thì tự loại mình ra.
Tuy nhiên, sự chênh lệch BV trung ương và BV tuyến dưới quá lớn. Bộ Y tế cũng đã nhìn ra vấn đề đó nên đang tính giải pháp xóa khoảng cách, cho cân bằng, đồng đều", PGS Nguyễn Tiến Quyết chia sẻ.
Không nên bệnh nào cũng ra nước ngoài chữa
"Tôi gặp nhiều bệnh nhân từng ra nước ngoài ghép tạng, các bác sĩ ở đó đưa ra phác đồ điều trị chống thải ghép với yêu cầu rất cao. Tôi cho rằng phác đồ đó không hợp lí với thể trạng người Việt Nam, thậm chí sẽ có hại. Thêm nữa, những bệnh nhân ấy ra nước ngoài đâu có phải được vào ngay trung tâm y tế số 1, số 2 về chất lượng của họ đâu, mà được "cò" đưa đi vòng vèo, có khi lại vào BV tuyến huyện nên kết quả điều trị không thực sự tốt", PGS Nguyễn Tiến Quyết chia sẻ.
Ông còn cho biết thêm, muốn chữa bệnh cho bệnh nhân, người thầy thuốc phải hiểu bệnh nhân và người bệnh nhân phải nhận thức được ý đồ truyền đạt của thầy thuốc. Nhưng nhiều người bệnh ra nước ngoài lại phải thuê phiên dịch, nếu phiên dịch không thạo chuyên môn y khoa dẫn đến dịch sai, người bệnh không nắm được ý đồ của thầy thuốc, thầy thuốc không hiểu bệnh nhân thì chữa bệnh sẽ không hiệu quả.
"Do đó, chất lượng điều trị ở nước ngoài không thật sự cao lắm, trừ một số trường hợp người bệnh mắc bệnh về gen hay bệnh ung thư mang tính di truyền thì nên ra nước ngoài điều trị", PGS Nguyễn Tiến Quyết cho hay.
Bình luận