Ngày 25/10, Samsung bất ngờ thông báo sự ra đi của thế hệ lãnh đạo thứ hai của tập đoàn - nhà tài phiệt Lee Kun Hee. Ông Lee là người dẫn dắt Samsung với vai trò Chủ tịch từ năm 1987 đến năm 2008, góp phần đưa tên tuổi gã khổng lồ điện tử trở thành tập đoàn xưng bá trên thị trường công nghệ châu Á và thế giới.
Theo ước tính của Forbes, ông Lee Kun Hee là người giàu nhất Hàn Quốc với tài sản xấp xỉ 20,1 tỷ USD. Ông Lee ra đi để lại khối gia tài khổng lồ dưới nhiều loại hình tài sản như chứng khoán và bất động sản. Khối tài sản này sẽ được chia cho gia đình và các con ông Lee sau khi người thừa kế của ông nộp đủ thuế thừa kế theo đúng luật pháp Hàn Quốc.
Thuế thừa kế ngất ngưởng
Ông Lee là chủ sở hữu cổ phiếu giàu có nhất ở Hàn Quốc. Ông nắm giữ cổ phần tại 4 công ty Samsung với trị giá khoảng 18.200 tỷ won (16,1 tỷ USD). Trong đó, có 4,18% cổ phiếu phổ thông và 0,08% cổ phiếu ưu đãi của Samsung Electronics, tổng trị giá khoảng 15.000 tỷ won (13,3 tỷ USD); 20,76% cổ phần của Samsung Life Insurance, trị giá khoảng 2.600 tỷ won (2,3 tỷ USD).
Cố chủ tịch Samsung cũng sở hữu hai ngôi nhà ở khu đất đắt đỏ thuộc trung tâm Seoul. Theo Yonhap, đây là những căn hộ tư nhân đắt nhất Hàn Quốc với giá vào khoảng 40,9 tỷ won (36,2 triệu USD) và 34,2 tỷ won (30,2 triệu USD)
Hàn Quốc là quốc gia có mức thuế thừa kế lên đến 50% trên thế giới, chỉ đứng sau Nhật Bản (55%). Theo Asiatimes, ngoài mức thuế danh nghĩa 50%, luật thừa kế Hàn Quốc còn quy định một khoản phí bổ sung nếu cổ phiếu được thừa kế được xem như cổ phiếu có quyền kiểm soát, làm tổng tỷ lệ có thể tăng lên tới 60%.
Trong trường hợp gia đình Samsung, để thừa kế khối tài sản khổng lồ 20,1 tỷ USD này, người thừa kế tài sản của cố Chủ tịch Lee Kun Hee phải đóng mức thuế rất lớn. Theo quy định về thuế của Hàn Quốc, trước khi áp dụng thuế thừa kế 50% đối với loại tài sản là cổ phiếu niêm yết, giá trị thẩm định cổ phiếu của người đã khuất này phải được cộng thêm 20% phí bảo hiểm.
Phí này dựa trên giá trị thị trường trung bình của cổ phiếu trong 4 tháng trước và sau khi mất của người sở hữu. Do vậy, theo ước tính của Reuters, thuế thừa kế đối với các tài sản nói trên dự kiến vào khoảng 10.600 nghìn tỷ won, tương đương 9,4 tỷ USD. Đây có thể là mức thuế thừa kế lớn nhất mà một gia đình phải trả từ trước đến nay trong lịch sử luật thừa kế.
Cú đòn với các đế chế "cha truyền con nối
"Gia tộc Samsung không phải là trường hợp đầu tiên phải nộp khoản thuế khổng lồ để thừa kế tài sản ở Hàn Quốc. Nhiều nhà quản lý của các công ty Hàn Quốc đau đầu với mức thuế thừa kế cao ngất ngưởng làm cản trở quá trình thừa hưởng hợp pháp tài sản.
Những người thừa kế này thường buộc phải bán hoặc thanh lý công ty vì không thể trả khoản thuế thừa kế khổng lồ. Một số còn suy nghĩ đến giải pháp bán công ty lấy tiền mặt cho con cái thay vì giữ lại công ty sau khi qua đời.
Năm 2019, người thừa kế của tập đoàn Hanjin Group cũng lâm vào bẫy thừa kế sau cái chết của cố Chủ tịch tập đoàn Cho Yang-ho. Ông Choi Won-tae, Chủ tịch Korean Airlines và là con trai của ông Cho Yang-ho, phải từ bỏ quyền quản lý và bán một phần cổ phần trong khoản tài sản được thừa kế để trả thuế. Ước tính mức thuế thừa kế mà ông Cho Won-tae phải trả hơn 270 tỷ won (232 triệu USD).
Các đế chế "cha truyền con nối" khác tại Hàn Quốc cũng chịu chung hoàn cảnh thuế thừa kế cao ngất ngưởng. Trong đó bao gồm nhà sản xuất bao cao su lớn nhất trên thế giới Unidus, hãng bấm móng tay lớn nhất thế giới Three Seven hay nhà sản xuất hộp đựng thực phẩm lớn nhất tại Hàn Quốc Lock & Lock Co.
Người thừa kế của những công ty này đã bán quyền quản lý của mình cho nhà đầu tư khác vì gánh nặng thuế thừa kế quá lớn. Ông Lee Woo-hyun, giám đốc điều hành công ty OCI, buộc phải từ bỏ vị trí cổ đông lớn nhất trong công ty vì đã bán cổ phiếu nắm giữ để trả 200 tỷ won (175,36 triệu USD) tiền thuế thừa kế.
Tầng lớp siêu giàu Hàn Quốc (Chaebol) tìm nhiều cách để tránh nộp khoản thuế thừa kế khổng lồ. Vì nguyên do này, ngày càng nhiều đứa trẻ trong các gia đình giàu có được ông bà, bố mẹ hoặc người thân chuyển nhượng hàng triệu USD cổ phần của công ty gia đình nhằm giảm thiểu rủi ro khi chủ sở hữu những cổ phiếu này đột ngột qua đời.
Tặng cổ phần cho con cháu để "né" thuế
Bằng cách tặng cổ phần cho con cháu trước thay vì chuyển giao dưới dạng thừa kế khi chủ sở hữu thế hệ trước qua đời, các gia đình giàu có Hàn Quốc dễ dàng "né" được khoản thuế thừa kế khổng lồ một cách hợp pháp.
Theo Bloomberg, xu hướng giới giàu có tại Hàn Quốc chuyển tài sản hoặc cổ phần công ty cho con cháu để né thuế thừa kế ngày một tăng. Nhiều đứa trẻ trong số đó chưa đủ tuổi trưởng thành và cần người giám hộ khối tài sản lớn, thậm chí có người chỉ vừa tròn 1 tuổi đã đứng tên cổ phần tại các công ty.
Thống kê của Bloomberg năm 2019 tại 59 nghiệp đoàn lớn nhất Hàn Quốc với tài sản trên 5.000 tỷ Won (4,31 tỷ USD) cho thấy ít nhất 19 con cháu dưới 18 tuổi của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đứng tên sở hữu cổ phần công ty. Ước tính, tổng giá trị cổ phần những đứa trẻ này nắm giữ vào khoảng 29 triệu USD.
Dữ liệu từ Bloomberg chỉ bao gồm những đứa trẻ sở hữu trên 100.000 USD cổ phần tại các công ty. Người nắm giữ nhiều tài sản nhất trong danh sách là chắt trai 16 tuổi của ông trùm tập đoàn lọc dầu và bán lẻ GS Holdings với 20 tỷ USD. Bốn đứa trẻ của chủ Hansae Yes24 - một công ty thời trang và may mặc tại Seoul, thừa hưởng tổng tài sản 1,3 tỷ USD dù tất cả đều chưa tròn 6 tuổi.
Theo dữ liệu từ Cục Thuế Quốc gia Hàn Quốc, giá trị cổ phần chuyển giao cho con cháu vị thành niên ở Hàn Quốc vượt mốc 1.000 tỷ won (8,8 tỷ USD) vào năm 2017. Con số này tăng 56% so với năm 2013, cho thấy xu hướng tặng cổ phần để tránh thuế thừa kế tại các gia đình giàu có Hàn Quốc ngày càng tăng.
Bình luận