• Zalo

Vì sao người Hà Nội quyết bám chung cư xập xệ?

Thời sựThứ Sáu, 18/11/2011 11:48:00 +07:00Google News

(VTC News) - Chủ tịch Hà Nội cho rằng, TP chấp nhận bỏ kinh phí để xây dựng nhà mới cho người dân ra ở, nhưng dân vẫn không đi vì đang ở trung tâm.

(VTC News) - “Trước đây, khi đưa ra chủ trương cải tạo chung cư cũ, chúng ta xác định sẽ làm xong trong 5 - 10 năm, nhưng như hiện nay khi giao phó cho doanh nghiệp tự làm thì không bao giờ có thể xong được”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đánh giá về công tác cải tạo chung cư cũ tại cuộc họp với Hà Nội chiều 17/11.

Hiện nay Hà Nội và TP. HCM có gần 2.000 chung cư cũ cần cải tạo, di dời, vì đa phần chung cư cũ đều đã xuống cấp, gây ảnh hưởng đến chất lượng đô thị, bộ mặt kiến trúc và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân, nên rất cần nâng cấp xây dựng lại.

Theo Bộ trưởng Dũng, tình cấp thiết của việc cải tạo lại chung cư thì ai cũng rõ, tuy nhiên nếu không có cơ chế chính sách phù hợp thì rất khó làm, vì người dân không chịu di dời. Hà Nội có khoảng 1.000 chung cư cũ, nhưng tới nay mới chỉ thực hiện cải tạo được 10 cái (1%).

Thời gian tới, nhà nước sẽ đứng ra chủ trì việc cải tạo chung cư cũ. Ảnh minh họa Internet. 

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng: “Việc cải tạo chung cư cũ như húc vào tường đá, thành phố chấp nhận bỏ kinh phí để xây dựng những khu chung cư mới để người dân ra ở, cải thiện điều kiện sống, nhưng người dân vẫn không thích ra khu vực mới”.

Chủ tịch Hà Nội dẫn chứng, chung cư Nguyễn Công Trứ thành phố đã bố trí khoảng 2.000 tỉ đồng từ ngân sách để thực hiện cải tạo lại, với số tiền đó có thể đầu tư một khu hoành tràng ở ngoài khu vực nội thành, nhưng nhiều người vẫn không nghe, vẫn không đi. Vì người dân thích hộ khẩu nội thành hơn, có địa chỉ ở đường Nguyễn Công Trứ vẫn hoành tráng hơn là địa chỉ ở một xã nào đấy ở huyện ngoại thành mà chẳng ai biết.

“10 khu chung cư cũ đã làm được vì những căn nhà đấy thành phố phải đưa vào diện nhà sắp sập, phải cưỡng chế di dời, người dân mới chịu đi”, ông Thảo nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thảo, nếu đầu tư một khu cao tầng mới chồng lên khu cũ cũng không được, vì sẽ gây sức ép lên giao thông đô thị, người dân đi lại thế nào, rồi cảnh quan kiến trúc đô thị sẽ bị phá vỡ, mà xây thấp thì làm sao để thu hồi được vốn... đấy là một bài toán rất khó.

Vì vậy, theo Bộ trưởng Dũng, Bộ Xây dựng đang soạn thảo dự thảo Nghị định cải tạo sửa chữa chung cư cũ. Theo đó, nhà nước là chủ đầu tư chứ không phải doanh nghiệp và sẽ có quy trình xây dựng, lộ trình cụ thể về việc thay đổi, di dời và chuẩn bị sẵn quỹ nhà bố trí cho dân di chuyển trong quá trình xây dựng lại.

Đồng thời, đặt lộ trình để thực hiện. Nếu làm mạnh thì trong khoảng 5 - 10 năm nữa mới xong.

“Những người không di dời, sẽ không được tăng diện tích lên ở những căn hộ mới như hiện nay đang làm, để tránh tình trạng người dân cố tình ở lại thì được ưu tiên nhiều hơn người chấp nhận di dời trước, như thế là không công bằng”, ông Dũng nhấn mạnh.

Về việc xử lý những vị trí chung cư đã di dời xong, theo ông Dũng, những vị trí của nhà chung cư cũ sẽ được cho đấu giá để làm công trình công cộng, hoặc nghiên cứu xây dựng nhà ở xã hội

Ông Dũng đánh giá, nếu Hà Nội và TP. HCM làm được thì chắc chắn cả nước này sẽ làm được.

Lê Việt

Bình luận
vtcnews.vn