37 năm trước, Chính phủ giao Bộ Quốc phòng xây dựng sân bay Miếu Môn trên địa bàn các xã: Mỹ Lương, Trần Phú, Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) và xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức). Tháng 10/2014, Bộ Quốc phòng giao Quân chủng Phòng không không quân tiếp tục sử dụng khu đất này làm vị trí đóng quân của Lữ đoàn 28 với các mốc giới không thay đổi.
Tháng 3/2015, Bộ Quốc phòng thu hồi hơn 50 ha đất trong số này, giao Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel quản lý sử dụng vào công trình quốc phòng A1.
Tuy nhiên, chính quyền xã Đồng Tâm buông lỏng quản lý dẫn đến việc lấn chiếm, xây dựng trên đất quốc phòng. Hàng loạt đơn thư khiếu tố đã được gửi tới huyện, thành phố.
Xác định 25 trong gần 50 vấn đề khiếu tố là có cơ sở, nhà chức trách khai trừ Đảng, cảnh cáo, khiển trách hàng loạt lãnh đạo địa phương. Trong vụ án điều tra sai phạm của những người này, cảnh sát điều tra đã bắt nguyên chủ tịch xã và nguyên cán bộ địa chính xã. Cựu bí thư Đảng ủy xã cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, song được tại ngoại.
Từ cuối năm 2016, tình hình khiếu kiện, tổ chức các hoạt động đòi đất tại Đồng Tâm diễn biến phức tạp hơn. Nhiều cuộc làm việc của thành phố Hà Nội, Bộ Quốc phòng, huyện Mỹ Đức giải thích khu đất tại đồng Sênh (thuộc xã) là đất quốc phòng, song những người khiếu kiện không đồng tình.
Giữa tháng 2, khi tập đoàn Viettel triển khai dự án A1, nhà chức trách cho rằng, những người khiếu kiện đã tụ tập, cản trở việc đo đạc, gây khó khăn khi giải phóng mặt bằng tại khu vực có 14 hộ dân đang sử dụng; tổ chức nhiều hoạt động gây mất trật tự khiến tình hình ngày càng căng thẳng.
8 ngày trong tháng 2, một số người đã ngăn cản các đơn vị quốc phòng cắm biển, chăng dây xác định vị trí mốc diện tích. Họ thu dây phản quang, nhổ biển báo "khu vực quân sự"; đưa 4 máy cày, một máy xúc cùng thiết bị, vật tư nông nghiệp vào nơi đang thi công để canh tác...
Thành ủy Hà Nội cho hay ngày 1 và 7/3, khi đoàn công tác của huyện về xã làm việc, những người khiếu kiện đã phản ứng bằng cách gây ầm ĩ tại nơi họp, sử dụng loa phóng thanh để tuyên truyền trái phép tại UBND xã và trước cửa phòng họp. Họ ngăn cản không cho đoàn cán bộ huyện rời đi...
Tại khu vực đồng Sênh, trong 4 ngày giữa tháng 3 họ đã dựng nhà, bếp, đổ đá mạt làm đường, đào giếng, xây bể nước, căng băng rôn tại các điểm ranh giới với nội dung: "Đất ở đây trở xuống là đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm". Khu vực này thường xuyên có từ 50 đến 300 người tập trung.
Theo nhà chức trách, một số người kích động dân cho con em nghỉ học để gia tăng sức ép. Trong những ngày này, gần 70% số học sinh mầm non đã không đến lớp, bậc tiểu học khoảng 30%, trung học gần 13%.
Ngày 30/3, Công an Hà Nội khởi tố vụ án "gây rối trật tự công cộng" để điều tra các vi phạm pháp luật xảy ra trong thời gian này. Cục Điều tra Hình sự (Bộ Quốc phòng) cũng khởi tố vụ án "chống người thi hành công vụ" và "vi phạm các quy định về sử dụng đất đai".
Ngày 15/4, Công an Hà Nội khi thực thi lệnh bắt với một số người để phục vụ điều tra vụ án gây rối đã gặp phải phản ứng của nhiều người dân xã Đồng Tâm. Nhóm người đã tập trung không cho xe của lực lượng làm nhiệm vụ ra khỏi địa bàn.
Nhà chức trách cho hay, đám đông đã đập phá 5 ôtô, trong số này có một xe chở quân, một xe cứu thương. 38 cán bộ huyện Mỹ Đức và cảnh sát cơ động Hà Nội đã bị giữ tại nhà văn hóa thôn.
Giải thích với báo chí về lý do bắt giữ 38 người thực thi công vụ, một người nhận là đại diện ở thôn Hoành nói, họ muốn chính quyền thả người trong xã đã bị bắt hôm 15/4. "Nguyện vọng của dân các thôn muốn việc thu hồi, giải phóng mặt bằng được thực hiện đúng quy định".
Tối 17/4, 15 cảnh sát cơ động đã được thả, 3 người khác tự giải thoát. Ưu tiên số một của Hà Nội lúc này là đưa 20 người còn bị giữ trái pháp luật ra ngoài an toàn.
Công an Hà Nội đã thả một số người tại xã Đồng Tâm bị bắt ngày 15/4 với lý do những người này đã "thừa nhận sai phạm và xin được về địa phương để khắc phục hậu quả".
Video: Đám đông khiếu kiện Formosa gây rối, đập phá, làm bị thương nhiều người
Bình luận