• Zalo

Vì sao người Đà Nẵng kính yêu ông Nguyễn Bá Thanh đến vậy?

Thời sựThứ Sáu, 13/02/2015 01:30:00 +07:00Google News

Hiếm có vị lãnh đạo nào được người dân yêu quý như ông Nguyễn Bá Thanh.

(VTC News) - Nhìn lại những đổi thay kỳ diệu mang 'dấu ấn Nguyễn Bá Thanh' mới hiểu vì sao người dân Đà Nẵng lại yêu kính ông đến thế.

Những cây cầu mang dấu ấn “ông Thanh”

Cây cầu đầu tiên mang dấu ấn của ông Nguyễn Bá Thanh là từ cái thời ông còn là anh thanh niên làm nông nghiệp.

Khi còn làm chủ nhiệm HTX nông nghiệp Hoà Nhơn 2, rồi Giám đốc Nông trường chè Quyết Thắng, ông Thanh đã mạnh dạn khăn gói ra Trung ương xin kinh phí xây cầu để chấm dứt tình trạng trẻ em bị nước cuốn trôi mỗi mùa lũ. Sự việc đã được người dân ghi nhận và lấy tên ông đặt cho cây cầu nghĩa tình này.

Nguyễn Bá Thanh, ông Thanh, Đà Nẵng, dấu ấn, Trưởng Ban nội chính Trung Ương
Cầu Sông Hàn mang đậm dấu ấn của ông Nguyễn Bá Thanh khi làm bừng tỉnh một vùng đất phía đông TP Đà Nẵng 
Cây cầu thể hiện suy nghĩ dám nghĩ-dám làm của ông Nguyễn Bá Thanh. Những ngày đầu chia tách tỉnh, cây cầu quay Sông Hàn đã được khởi công bằng tiền đóng góp của doanh nghiệp và người dân.

Năm 2000, cầu Sông Hàn được đưa vào hoạt động, hình ảnh của những xóm nhà xập xệ ven biển quận Sơn Trà và những gia đình sống mưu sinh, chen chúc trên những con thuyền nhỏ từ bao đời dần lùi vào dĩ vãng.

Sự đổi thay kỳ diệu này không chỉ làm cho nhiều người dân nơi đây mà cả nước cũng ngỡ ngàng. Hơn 60,78 km2 diện tích bờ Đông sông Hàn bừng tỉnh sau đó.

Cầu quay Sông Hàn nhanh chóng trở thành biểu tượng mới cho hình ảnh một Đà Nẵng với sức bật mới xóa đi sự cách biệt giữa hai bờ Đông-Tây.

Và cứ như vậy, lần lượt những cây cầu như Cẩm Lệ (năm 2001) được xây dựng nối liền QL1A và QL14B, đã đánh thức sự phát triển của cả một vùng đất phía Tây Nam TP Đà Nẵng. Tiếp đến cầu Hòa Xuân giữ vai trò mở rộng phát triển Đà Nẵng về phía Nam. Những con đường mới, những khu dân cư mới cứ vậy tiếp tục mọc lên.

Cầu Tuyên Sơn, được khánh thành năm 2004 với nhiệm vụ vận chuyển hàng ngàn tấn hàng hóa/năm từ cảng biển Tiên Sa vào đất liền và ngược lại.

Năm 2009, cầu Thuận Phước, cây cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam bắc qua eo biển Đà Nẵng được đưa vào sử dụng đã nối dài từ đường Nguyễn Tất Thành đến Đại lộ Hoàng Sa rồi Trường Sa, làm đòn bẩy đánh thức đô thị trẻ Đà Nẵng vươn ra biển.

Nguyễn Bá Thanh, ông Thanh, Đà Nẵng, dấu ấn, Trưởng Ban nội chính Trung Ương
Đô thị Đà Nẵng thay da, đổi thịt từng ngày qua sự điều hành táo bạo của "người thủ lĩnh"-Nguyễn Bá Thanh 
Ngay sau lễ khánh thành cầu Thuận Phước, cầu Rồng-một cây cầu được công nhận là cây cầu có kiến trúc độc đáo nhất thế giới được khởi công. Cầu Rồng cũng là mong ước của “người thủ lĩnh-Nguyễn Bá Thanh” khi muốn đưa thành phố trẻ Đà Nẵng “hóa rồng” vươn ra biển.

"Một cánh buồn no gió-cầu Trần Thị Lý mới” được khởi công từ năm 2010 tiếp tục thể hiện dấu ấn của ông Nguyễn Bá Thanh trong khát vọng đưa Đà Nẵng vươn mình đi lên.

Đà Nẵng “lột xác”

Từ khi đô thị Đà Nẵng chỉ là một thành phố nhỏ, chật hẹp, chia tách khỏi tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng với nguồn lực kinh tế hạn chế; với vai trò người đứng đầu, ông Nguyễn Bá Thanh đã vận dụng tối đa chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” khiến  bộ mặt Đà Nẵng thay đổi từng ngày.

Trong việc mở rộng đường Phan Thanh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), bằng sự tâm huyết mong muốn cho Đà Nẵng phát triển, ông Thanh đã không ngại ngồi nghe ý kiến người dân rồi giải thích, diễn giải thiệt hơn đến mức nhân dân hai bên đường sẵn sàng hiến đất, không nhận tiền đền bù hoặc chỉ nhận hỗ trợ 1 phần kiến trúc cổng ngõ, tường rào để đường phố thông thoáng hơn.

Nguyễn Bá Thanh, ông Thanh, Đà Nẵng, dấu ấn, Trưởng Ban nội chính Trung Ương
Sự táo bạo, quyết đoán, dám nghĩ dám làm của ông Nguyễn Bá Thanh đã làm Đà Nẵng ngày một đổi thay 
Từ thắng lợi đó, các con đường chật chội, nhếch nhác như: Đống Đa, Điện Biên Phủ, Lê Duẩn, Quang Trung, Hoàng Diệu… được làm mới hiện đại, thông thoáng.

Thuận lòng dân, Đà Nẵng thực sự “lột xác”. Phố xá thênh thang, hạ tầng đầy đủ…cứ vậy mở ra. Chỉ trong vòng 10 năm, Đà Nẵng đã đổi thay gần như hoàn toàn. Hàng vạn hộ dân phải di dời giải tỏa, nhưng bù lại, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng lên.

Các khu dân cư mới như Liên Chiểu, Hòa Xuân, Thanh Khê, Sơn Trà… đều mang dấu ấn của ông Nguyễn Bá Thanh, người kiến trúc sư trưởng của thành phố Đà Nẵng.

Người lãnh đạo của lòng dân


Hình ảnh ấn tượng về ông trong lòng người dân Đà Nẵng là những cuộc tiếp dân thâu đêm, là khi ông tiếp xúc cử tri, điều hành các kỳ họp HĐND hay xử lý các vấn đề sống còn của Đà Nẵng.

“Ông một mình đi vào bệnh viện để nghe người nghèo kể khổ. Chỉ có ông mới ngồi nghe dân xe thồ chúng tôi nói chuyện...”, ông Huê, một lái xe ôm ở chợ Hàn nói.

Nguyễn Bá Thanh, ông Thanh, Đà Nẵng, dấu ấn, Trưởng Ban nội chính Trung Ương
Hình ảnh ấn tượng về ông trong lòng người dân Đà Nẵng là những cuộc tiếp dân
Không ít lần ông cầm đèn xuống tận xóm làng trò chuyện, giải quyết khiếu kiện để nhân dân thông suốt mọi việc. Đà Nẵng là một trong các địa phương có số vụ khiếu nại kéo dài ít nhất cả nước.

Là một vụ đứng đầu một thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng ông Thanh luôn dành thời gian để lắng nghe dân. Gặp gỡ, hỗ trợ khó khăn cho từng anh xe thồ, xích lô vào mỗi dịp tết; giúp chỗ ở cho những phụ nữ đơn thân; lắng nghe “thằng nghiện trình bày”; gặp thanh thiếu niên chậm tiến bày tỏ, những ông chồng vũ phu… để không chỉ răn đe, giáo dục mà để thấu hiểu và chia sẻ.

Chính vì vậy, “di sản” ông để lại cho Đà Nẵng đến ngày hôm nay là chính sách “5 không” (không có giết người để cướp của, không có người nghiện trong cộng đồng, không có người mù chữ, không có hộ đói, không có người lang thang xin ăn), rồi đến “3 có” (người dân có việc làm ổn định, có nhà ở, có nếp sống văn minh đô thị)…

Và cứ vậy, dù ông Thanh đã ra Trung ương, rồi ông lâm trọng bệnh… nhưng 'dấu ấn Nguyễn Bá Thanh' vẫn ở lại trong lòng người dân, đi vào tận nếp nghĩ, cách sống của từng người dân Đà Nẵng.

Bửu Lân
Bình luận
vtcnews.vn