• Zalo

Vì sao người biểu tình đòi minh bạch khối tài sản 40 tỷ USD của hoàng gia Thái?

Thời sự quốc tếThứ Năm, 15/10/2020 07:25:34 +07:00Google News

Người biểu tình ở Thái Lan đang đòi minh bạch chi tiêu của gia đình hoàng tộc, động thái hiếm gặp ngay cả trong những người chỉ trích chính quyền ở nước này.

Ngày 16/6/2018 đánh dấu một thay đổi ngoạn mục của lịch sử Thái Lan nhưng chỉ được tóm gọn trong vài dòng thông báo từ Cục Tài sản Hoàng gia (CPB). Theo đó, toàn bộ danh mục đầu tư của Hoàng gia Thái Lan - bao gồm khối bất động sản trị giá hàng chục tỷ USD mà cơ quan này quản lý trong hơn 80 năm - được chuyển sang sở hữu của quốc vương Maha Vajiralongkorn.

"Tất cả tài sản của hoàng gia sẽ được chuyển giao và chuyển về quyền sở hữu của nhà vua. Những tài sản này sẽ được quản lý theo quyết định của nhà vua", CPB tuyên bố.

Vì sao người biểu tình đòi minh bạch khối tài sản 40 tỷ USD của hoàng gia Thái? - 1

Cảnh sát Thái Lan đối mặt với người biểu tình ở Bangkok hồi tháng 9. (Ảnh: Reuters)

Đây là lần chuyển nhượng hiếm hoi trong lịch sử. Theo ước tính, Hoàng gia Thái Lan sở hữu khối tài sản trị giá hơn 40 tỷ USD.

Ngoài hàng loạt bất động sản ở trung tâm thành phố Bangkok, CPB còn sở hữu cổ phần khổng lồ trong Tập đoàn Xi măng Siam và Tổ chức Tài chính Công nghiệp Siam - hai tập đoàn lớn nhất trong ngành.

Làn sóng biểu tình lan rộng

Tại thời điểm đó, động thái của CPB không gặp phải phản đối hay thắc mắc nào, do Thái Lan cấm thảo luận công khai với các vấn đề về hoàng gia.

Tuy nhiên, hai năm sau, người Thái đang phá vỡ quy định này. Người biểu tình lên tiếng về khối tài sản của vị vua 68 tuổi và ngân sách công mà gia đình hoàng tộc thụ hưởng.

Họ chất vấn vì sao công quỹ lại được giao cho một vị vua dành quá nhiều thời gian ở nước ngoài (nước Đức).

Người biểu tình đã đưa ra tuyên ngôn 10 điểm yêu cầu cải cách, một trong số đó là việc hoàng gia dùng ít công quỹ hơn để "phù hợp với tình hình tài chính của quốc gia".

Anon Nampa, người tổ chức cuộc biểu tình này, cho rằng Hoàng gia Thái Lan có ngân quỹ "tăng cao một cách không cần thiết". Trong khi đó, nước này lại đang suy kiệt tài chính để đối phó với đại dịch COVID-19.

Tại cuộc biểu tình vào ngày 20/9, ông Parit phản đối mạnh mẽ tổ chức Tài chính Công nghiệp Siam. Ông cũng kêu gọi mọi người rút tiền khỏi ngân hàng Thương mại Siam (SCB).

Đến ngày hôm sau, tổ chức này cho biết không ghi nhận lượng tiền rút đột biến khỏi SCB.

Nhiều người Thái, thậm chí cả những người phản đối chính quyền của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, cho rằng các sinh viên đã quá lời khi kêu gọi cải cách hoàng gia và đang có nguy cơ tiến vào vết xe đổ của các cuộc đảo chính hay thậm chí đổ máu chính trị.

Trong khi đó, nhóm sinh viên này vẫn tiếp tục lên kế hoạch cho các cuộc biểu tình quy mô lớn hơn, kêu gọi Thủ tướng Prayuth từ chức.

Các thành viên nhóm đối lập Move Forward đã thăm dò chi tiêu hoàng gia và nhận thấy có sự gia tăng đáng kể về chi tiêu từ sau khi Nhà vua Bhumibol Adulyadej qua đời vào năm 2016.

Vào tuần trước, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nêu vấn đề nhà vua Thái Lan cư trú tại nước này.

"Giờ đây, chúng tôi phải nói rõ là các hoạt động chính trị liên quan đến Thái Lan không nên được thực hiện từ Đức. Nếu có khách nước ngoài điều hành doanh nghiệp nhà nước từ Đức, chúng tôi sẽ luôn phản đối điều đó", ông Maas trả lời câu hỏi của một hạ nghị sĩ.

Động thái chưa từng có ở Thái Lan

Kể từ khi lên ngôi, dù dành phần lớn thời gian ở Đức, Nhà vua Vajiralongkorn vẫn có cách củng cố quyền lực và tài sản hoàng gia ở Bangkok.

Vì sao người biểu tình đòi minh bạch khối tài sản 40 tỷ USD của hoàng gia Thái? - 2

Cục Tài sản Hoàng gia Thái Lan sở hữu cổ phần khổng lồ trong SCG và Tổ chức Tài chính Công nghiệp Siam (bao gồm ngân hàng Thương mại Siam SCB). (Ảnh: Bloomberg)

Vào năm 2017, năm mà luật tài sản hoàng gia được thông qua, nhà vua Thái Lan sáp nhập văn phòng làm việc của hoàng gia với hội đồng cơ mật và cơ quan an ninh hoàng gia. Năm 2019, ông ban hành sắc lệnh chuyển hai trung đoàn quân sự đến văn phòng này, đặt hai đơn vị dưới sự quản lý trực tiếp của ông.

Cho đến năm nay, nhiều người Thái - thậm chí là những người phản đối chính quyền ông Prayuth - cũng tránh việc chỉ trích quyền hạn của nhà vua.

Tuy nhiên, vào tháng 8, hầu như ngày nào cũng có biểu tình. Và các nghị sĩ thuộc nhóm Move Forward đã đặt câu hỏi về chi tiêu của hoàng gia.

Theo số liệu từ ngân sách Thái Lan, tiền chi tiêu cho văn phòng hoàng gia đã gần đạt mức 290 triệu USD trong năm nay, cao hơn gấp đôi so với năm 2018.

Nhóm Move Forward cũng đặt nghi vấn các cơ quan khác của chính quyền đã chi trả cho các khoản này, trong đó có 1,2 tỷ baht (38,5 triệu USD) từ Bộ Quốc phòng và 1,6 tỷ baht (hơn 51,4 triệu USD) từ cảnh sát Thái Lan để đảm bảo an toàn cho thành viên hoàng gia.

Ngoài ra còn có 7 tỷ baht (hơn 224 triệu USD) ngân sách đầu tư cho các dự án phát triển của hoàng gia và hoạt động từ thiện.

Tamara Loos, giáo sư nghiên cứu về lịch sử và Đông Nam Á tại Đại học Cornell, nói rằng việc những người biểu tình kêu gọi kiểm toán quỹ của nhà vua là "chưa từng có".

Nhà vua Thái Lan giàu đến mức nào?

Việc ước tính tổng giá trị tài sản của nhà vua về cơ bản chỉ là phỏng đoán, vì khối tài sản này không được công khai.

Tuy nhiên, tiền đầu tư của nhà vua Thái Lan lại dễ thống kê hơn. Ông sở hữu 23% cổ phần (trị giá 1,7 tỷ USD) tại tổ chức Tài chính Công nghiệp Siam và 33,6% cổ phần (trị giá 4,5 tỷ USD) của Tập đoàn Xi măng Siam.

Vì sao người biểu tình đòi minh bạch khối tài sản 40 tỷ USD của hoàng gia Thái? - 3

Vua Vajiralongkorn được cho sở hữu khối tài sản hơn 40 tỷ USD. (Ảnh: AP)

Theo cuốn tiểu sử về Vua Bhumibol xuất bản năm 2011, riêng khối bất động sản tại Bangkok do hoàng gia sở hữu có giá trị ước tính 33 tỷ USD vào thời điểm đó.

Đến nay, khối tài sản từng do CPB quản lý đã thuộc sở hữu của Vua Vajiralongkorn.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn