• Zalo

Vì sao Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 36.200 tỷ đồng trong 3 tuần?

Kinh tếThứ Ba, 28/08/2018 17:14:00 +07:00Google News

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có tuần thứ 3 liên tiếp bơm ròng ra thị trường với khối lượng 4.475 tỷ đồng, nâng tổng lượng bơm ròng trong 3 tuần lên 36.262 tỷ đồng.

Thanh khoản vẫn căng thẳng dù đã bơm ròng trên 30.000 tỷ

Theo báo cáo thị trường tiền tệ tuần từ 20/8 – 24/8 của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), thanh khoản thị trường liên ngân hàng vẫn ở trạng thái khá căng thẳng.

Lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức cao trên 4%, kết thúc tuần ở mức 4,33%, 4,33%, 4,40% và 4,56%, tương ứng với các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 1 tháng và 3 tháng. Lãi suất tất cả các kỳ hạn chênh lệch nhau không đáng kể và đã lên gần sát lãi suất cho vay thị trường mở (OMO) 4,75% - được coi là mức trần đối với giao dịch liên ngân hàng.

lainganhang

NHNN bơm ròng tổng cộng 36.200 tỷ đồng ra thị trường trong 3 tuần liên tiếp 

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục hỗ trợ thị trường với xu hướng nghiêng dần sang công cụ OMO mua kỳ hạn trong bối cảnh kỳ hạn còn lại của tín phiếu còn khá dài. Khối lượng tín phiếu đang lưu hành có tổng giá trị hơn 81 nghìn tỷ, chủ yếu bao gồm lượng tín phiếu 91 ngày phát hành trong tháng 6 và tín phiếu 140 ngày phát hành vào đầu tháng 8.

Tổng khối lượng OMO phát hành trong tuần tăng lên 16.564 tỷ đồng, tuy nhiên, khối lượng OMO đáo hạn khá lớn là 12.089 tỷ đồng nên NHNN chỉ bơm ròng 4.475 tỷ đồng so với mức 17.393 tỷ đồng của tuần trước.

Như vậy, trong 3 tuần qua, NHNN đã bơm ròng tổng cộng 36.262 tỷ đồng.

“Có thể thấy rằng, mặc dù cầu cao đẩy tăng lãi suất, thị trường phần nào đã có khá năng tự điều tiết, tình trạng thanh khoản đang dần cải thiện”, SSI nhìn nhận.

Trên thị trường 1, lãi suất huy động đã thể hiện rõ xu hướng tăng, không chỉ ở các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần mà cả một số NHTM Nhà nước.

Lãi suất tăng ở tất cả các kỳ hạn, tuy nhiên kỳ hạn dài 12 tháng tăng mạnh nhất do các ngân hàng có nhu cầu chuẩn bị nguồn vốn cho đợt cao điểm cuối năm, đặc biệt khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ bị buộc giảm từ 45% về 40% từ năm 2019.

Tỷ giá đảo chiều hạ nhiệt

Tỷ giá đã hạ nhiệt đáng kể trong tuần qua. Tỷ giá ngân hàng mặc dù tăng nhẹ 20 đồng vào ngày cuối tuần nhưng vẫn giảm 20 đồng so với cuối tuần trước, giao dịch ở mức 23.250 - 23.330 đồng. Tỷ giá tự do giảm khá mạnh từ 23.620 - 23.650 đồng xuống mức 23.480 - 23.495 đồng, tuy nhiên tăng trở lại vào cuối tuần lên 23.550 - 23.580 đồng, giảm 70 đồng (0,3%) so với cuối tuần trước.

usd

Tỷ giá đã hạ nhiệt đáng kể trong tuần qua.  

Trong một bài phát biểu tại hội nghị Jackson Hole mới đây, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell đã đưa ra quan điểm thận trọng hơn trong việc bình thường hóa chính sách tiền tệ và cho rằng kinh tế Mỹ chưa có dấu hiệu tăng trưởng nóng, theo sau việc Tổng thống Trump chỉ trích chính sách tăng lãi suất của FED.

Thị trường cho rằng đây là tín hiệu FED có thể chậm lại lộ trình tăng lãi suất, khiến chỉ số USD Index giảm mạnh 1% trong tuần qua xuống mức 95,15 điểm, giảm 1,64% từ mức đỉnh 96,73 điểm thiết lập trong tuần trước. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm cũng giảm về mức 2,81%, lùi lại khá sâu so với ngưỡng 3%.

Tại Trung Quốc, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã chính thức áp dụng trở lại “yếu tố phản chu kỳ” (Counter Cyclical Factor) trong việc tính toán tỷ giá tham chiếu hàng ngày.

Đây là công cụ đã được PBOC áp dụng trong năm 2017 để gây ảnh hưởng mang tính ý chí lên tỷ giá nhằm hỗ trợ định hướng đồng CNY.

Với sự can thiệp của PBOC trong giai đoạn này, từ tháng 6/2017 đến tháng 1/2018, tỷ giá USD/CNY đã giảm từ 6,8 xuống 6,4. Ngay sau khi PBOC tuyên bố áp dụng trở lại CCF trong ngày cuối tuần trước, tỷ giá USD/CNY đã giảm 1% từ 6,88 xuống 6,81 điểm. Thị trường kỳ vọng tỷ giá CNY sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới khi PBOC mạnh tay hơn trong việc điều hành chính sách tỷ giá.

Giá vàng thế giới bất ngờ tăng mạnh 1,72% trong phiên ngày thứ 6 lên mức 1.206 USD/oz, nhờ đó chênh lệch với giá vàng trong nước được thu hẹp về mức 2,77 triệu đồng/lượng (7,5%).

Video: Vì sao Ngân hàng Nhà nước chưa ưu tiên doanh nghiệp nuôi tôm, cá tra?

Phát hành trái phiếu chính phủ vẫn tập trung ở hai kỳ hạn 10 và 15 năm

Kho bạc Nhà nước (KBNN) tổ chức gọi thầu trái phiếu cho 5 kỳ hạn 5, 7, 10, 15 và 30 năm với tổng giá trị 6.700 tỷ đồng. Cầu trái phiếu khá ổn định với tổng giá trị dự thầu 10.201 tỷ đồng, tương đương phiên tuần trước.

Kết quả đấu thầu không có nhiều thay đổi, vẫn chỉ có hai kỳ hạn 10 và 15 năm được phát hành với khối lượng lớn tương ứng 2.100 tỷ và 2.000 tỷ đồng, lãi suất tăng 0,03 điểm% so với phiên tuần trước, lần lượt là 4,6% và 4,87%.

Mặc dù cầu khá tốt, các kỳ hạn ngắn 5 và 7 năm không thể trúng thầu khi kỳ vọng lãi suất bị đẩy tăng mạnh, lãi suất đăng ký thấp nhất cao hơn mức lãi suất trúng thầu gần nhất tương ứng là 0,5 điểm% và 0,9 điểm%. Trong khi đó, khối lượng đăng ký dự thầu cho kỳ hạn 30 năm rất thấp chỉ đạt 300 tỷ đồng.

Tổng cộng, KBNN đã phát hành được 4.100 tỷ đồng trong phiên đấu thầu tuần qua, nâng tổng giá trị phát hành từ đầu năm lên 104.261 tỷ đồng.

(Nguồn: vietnamfinance.vn)
Bình luận
vtcnews.vn