Theo kết luận của những chuyên gia Mỹ, bữa tối sớmsẽ cải thiện sự trao đổi chất trong cơ thể. Bên cạnh đó, việc đồng bộ hóa thời gian ăn uống với thời gian sinh hoạt thường ngày khiến bạn có thể vừa tiết kiệm được thời gian, vừa nâng cao được sức khỏe của mình.
Tác giả của nghiên cứu mới này là các nhà khoa học thuộc Đại học Alabama ở Birmingham, Mỹ. Họ rút ra được kết luận này khi thực hiện một thí nghiệm nhỏ, trong đó những người tham gia được thiết kết một chế độ ăn uống theo các khung giờ: bữa sáng - từ 6:30 đến 8:30, bữa trưa - lúc 12:00, bữa tối - lúc 15:00.
Tham gia thí nghiệm này có khoảng 8 người bị rối loạn chuyển hóa và 1 người mắc bệnh tiểu đường. Kết quả, chế độ ăn uống theo các khung giờ như trên có thể cải thiện sự trao đổi chất, chống béo phì, giảm huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Để có sự so sánh, đối chiếu khách quan, sau thí nghiệm, tất cả các tình nguyện viên trở lại chế độ ăn uống bình thường của họ với cùng một loại thực phẩm như trong chế độ ăn uống theo giờ giấc ở trên.
Điểm khác biệt duy nhất đó là các tình nguyên viên sẽ ăn muộn hơn vào lúc 10 giờ tối. Kết quả, sau năm tuần trở lại chế độ ăn bình thường, các vấn đề về dinh dưỡng và bệnh tật quay trở lại manh nha trong cơ thể của họ.
Các tác giả cho rằng chế độ ăn uống như vậy có ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe, vì nó tương ứng với đồng hồ sinh học của con người.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nhịp sinh học khiến cơ thể sản xuất ra các hormone kích thích chúng ta làm việc. Chẳng hạn, khung giờ làm việc bắt đầu từ 8 giờ sáng, thì cũng vào lúc này, mức độ cortisol (một loại hormone khiến bạn bị căng thẳng) sẽ đạt mức tối đa. Vì vậy bữa ăn sáng là cần thiết trong khoảng thời gian này để giảm mức độ căng thẳng.
Kể từ giữa trưa, mức độ adrenaline (nguồn năng lượng) và serotonin (một hormone giúp tâm trạng tốt, hứng khởi) trong cơ thể cao hơn. Đồng thời, hệ trao đổi chất trong cơ thể hoạt động mạnh hơn, và đến 12 giờ, mọi người bắt đầu cảm thấy đói, do đó, tại thời điểm này, họ nên đi ăn trưa và có những phút giây nghỉ ngơi.
Sau buổi trưa, mức cortisol bắt đầu giảm dần. Sự trao đổi chất trong cơ thể chậm lại, và con người bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Vì vậy, theo các nhà khoa học Mỹ, 3 giờ chiều là khoảng thời gian cần thiết để ăn bữa thứ ba trong ngày.
Sau đó vào buổi tối, serotonin biến thành melatonin, một loại hormon gây buồn ngủ. Đồng thời, lượng đường trong máu giảm. Đến ba giờ sáng, mức độ cortisol (một hormone căng thẳng) được giảm xuống mức tối thiểu.
Ông Courteney Peterson, tác giả chính của nghiên cứu chia sẻ: “Bữa ăn tối muộn sẽ gây ra một số trục trặc trong công việc của các hormone. Nó khiến cho những tế bào đã sẵn sàng để "nghỉ ngơi" phải quay trở lại hoạt động, và điều này khiến cho sự trao đổi chất có vấn đề.
Vì vậy, các bữa ăn cần được thiết kế hợp lý vào một thời điểm nhất định trong ngày, đồng bộ hóa thời gian ăn với đồng hồ sinh học và hoạt động đồng thời của hormone, giúp cơ thể hoạt động khỏe mạnh, hiệu quả”.
Video: Tại sao không nên để thức ăn thừa cho trưa hôm sau?
Tuy nhiên, nghiên cứu này hiện vẫn gây tranh cãi giữa các nhà khoa học, bởi bữa ăn tối quá sớm sẽ khiến cơ thể bạn phải chịu đói trong một khoảng thời gian dài cho tới khi có bữa ăn kế tiếp (vào 8 giờ sáng hôm sau).
Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến khác cho rằng, nhịp sinh học chỉ là một chế độ thói quen của sự tỉnh táo và ngủ của một người. Nếu con người tuân thủ nghiêm ngặt một chế độ ngủ dài để có sự tỉnh táo vào ngày hôm sau, thì chế độ về thực phẩm và dinh dưỡng nên được điều chỉnh theo những thói quen này, chứ không phải khiến cho cơ thể chịu đói quá lâu với các bữa ăn tối sớm.
Bình luận