Ngày 16/3, báo Tiền phong và Đại học Văn Hiến phối hợp tổ chức tọa đàm “Chống xâm hại tình dục trẻ em” tại TP.HCM với nhiều đại diện đến từ các cơ quan công an, nhà trường, chuyên gia tâm lý, luật sư, bác sĩ...
Tại tọa đàm, nhà báo Lý Thành Tâm - Trưởng cơ quan đại diện báo Tiền Phong tại TP.HCM cho biết, hiện tại dư luận đang rất quan tâm trước thực trạng xâm hại tình dục ở trẻ em.
Số liệu chính thức từ Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB-XH) cung cấp cho hay, trung bình hằng năm có hơn 2.000 vụ xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em. Trong đó, trẻ bị xâm hại tình dục chiếm gần 70%.
Theo PGS-TS Trần Thi Kim Xuyến - Phó khoa Khoa KHXH & NV, Trường Đại học Văn Hiến, từ năm 2011 – 2015, cả nước có 5.000 trẻ bị xâm hại, cứ 8 phút là có 1 trẻ Việt Nam bị xâm hại. Độ tuổi bị xâm hại càng ngày càng thấp hơn.
“Trẻ em bi xâm hại ở đâu? Chúng ta vẫn nghĩ trẻ em cần không gian sống thật an toàn, nên chỉ chú ý đến nơi công cộng mà bỏ qua nơi sinh sống của các em.
Đôi khi chúng ta thường dặn trẻ không được tiếp xúc với người lạ nhưng theo thống kê, chính những người thân quen lại xâm hại nhiều hơn", PGS-TS Xuyến nhận định.
Theo PGS-TS Xuyến, sự tổn hại về mặt tinh thần đối với trẻ không phải ngay khi thời điểm bị xâm hại mà dẫn đến tình trạng lệch lạc về tinh thần sau này khiến các em mất đi niềm tin.
Nhận định về nạn xâm hại tình dục ngày càng gia tăng, nhưng những vụ được đưa ra ánh sáng thì rất ít, bà Xuyến chỉ rất nhiều nguyên nhân như:
Do quan niệm về sự kỳ thị của người bị hại khiến các em không dám nói lên sự thật; việc thực thi pháp luật chưa nghiêm minh và còn quá cứng nhắc. Trong khi, các tổ chức xã hội chưa nhìn nhận nghiêm túc về kỹ năng sống, về tình tục, giáo dục giới tính…; cơ quan chức năng vô tình, không vào cuộc quyết liệt.
“Khi trẻ bị xâm hại, các em thông báo cho người xung quanh rằng bị xâm hại nhưng ít khi được người lớn công nhận. Thực tế, 98% các vụ việc từ lời khai của trẻ được xác định là sự thật. Đôi khi cơ quan chức năng hoặc vô tình hoặc cố ý không tin nạn nhân, khiến cho họ bị đơn độc, giữ kín sự việc trong vòng 1 năm, thậm chí 5 năm và nhiều trẻ sẽ giữ im lặng suốt đời.
Các thống kê đưa ra cho thấy, trẻ em sống với cha mẹ sẽ được chú ý nhiều hơn. Nhưng với gia đình có mẹ đi bước nữa, trẻ thường không để ý đến tình trạng này”, PGS-TS Xuyến cho biết.
TS Phạm Thị Thúy, Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng: “Mọi người đều biết việc xâm hại trẻ em để lại hậu quả ghê gớm với nạn nhân, nhưng điều quan trọng là phải làm sao hỗ trợ tâm lý cho các con, làm cho con được ổn định.
Nhiều rất phụ huynh cứ bắt con nhớ lại, kể đi kể lại chuyện bị xâm hại. Điều này làm cho trẻ bị di chấn nhiều hơn. Tôi thấy, phụ huynh đang bất an nhiều quá”.
TS Thúy lấy ví dụ trường hợp đau lòng bé gái ở Cà Mau tự vẫn sau khi bị hàng xóm xâm hại tình dục cho thấy sự bế tắc của các nạn nhân. Khi học không có niềm tin vào công lý, vào pháp luật sẽ xử lý kẻ ác gây ra nỗi đau cho mình.
Cũng tại buổi tọa đàm, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) bày tỏ quan điểm, cơ quan điều tra chưa nghiêm, xử lý không thỏa đáng làm người dân bức xúc.
Video: Tình tiết mới vụ dâm ô bé gái 16 tuổi
Bình luận