Trong thời gian gần đây, Mỹ liên tục đề cập và có các động thái liên quan đến vấn đề hạt nhân của Triều Tiên như tổ chức các cuộc tập trận với các nước đồng minh trong khu vực, gần đây nhất Mỹ trình dự thảo lệnh cấm vận mới chống Triều Tiên lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
“Chẳng có gì là bí mật với mọi người về vấn đề tên lửa hạt nhân của Triều Tiên trên thực tế đã và đang được sử dụng làm cái cớ để quân sự hóa khu vực châu Á – Thái Bình Dương, khu vực mà Nga và Trung Quốc cũng có lợi ích”, thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patreshev nói với báo AiF của Nga.
Theo ông, Washington liên tục thực hiện kế hoạch triển khai các thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu tại các nước trong khu vực.
Ông Patrushev nhận định rằng trong kịch bản xảy ra chiến tranh tại bán đảo Triều Tiên, Mỹ sẽ phải lưu ý về các công dân của mình tại Hàn Quốc.
“Trong lịch sử, Mỹ không quen với việc lưu ý về cuộc sống của công dân các quốc gia khác khi thực hiện mục đích của mình. Tuy nhiên, Washington chắc chắn sẽ tính đến thực tế là có 250.000 công dân Mỹ đang sinh sống tại Hàn Quốc”, ông Patrushev cho biết.
Ông nói thêm, trong trường hợp các hoạt động quân sự quy mô lớn diễn ra trên bán đảo Triều Tiên, cuộc sống của những công dân Mỹ này chắc chắn sẽ bị đe dọa.
Video: Căn cứ quân sự Humphreys tại Hàn Quốc
Thư ký Hội đồng An ninh Nga cũng giải thích rằng Washington đang sử dụng hình ảnh của các quốc gia xâm lược nhằm biện minh cho lợi tích kinh tế và các hành động của mình, y hệt trong Chiến tranh Lạnh.
Ông Patrushev bình luận, chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ gọi Iran và Triều Tiên là các quốc gia thù địch, còn Trung Quốc và Nga là các quốc gia theo chủ nghĩa quyền lực độc đoán đang là thách thức mới đối với an ninh của Mỹ.
Trong số các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ, tài liệu này nhấn mạnh việc củng cố hòa bình thông qua việc sử dụng vũ lực và lan tỏa sự ảnh hưởng của Mỹ.
“Đằng sau hình ảnh về các quốc gia xâm lược do Washington dựng lên là những lợi ích kinh tế cụ thể và ý tưởng bành trướng tương tự như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, vốn chẳng thay đổi gì qua nhiều thế kỷ”, ông Patrushev nói.
Ông cho biết ngân sách quân sự của Mỹ năm 2018 lên đến 700 tỷ USD, trong đó có 4,6 tỷ USD để giải quyết cái gọi là sự xâm lăng của Nga tại châu Âu, 100 triệu USD trong số đó được phân bổ để củng cố khả năng phòng thủ cho các nước Baltic và 350 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine.
Bình luận