• Zalo

Vì sao Mỹ để 3 quốc gia châu Âu triển khai S-300 nhưng cấm Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400?

Thế giớiThứ Bảy, 13/04/2019 12:28:00 +07:00Google News

Mỹ không hề cấm cản 3 quốc gia châu Âu triển khai hệ thống S-300 của Nga nhưng lại lên tiếng chỉ trích dữ dội thương vụ mua S-400 từ Matxcơva của Thổ Nhĩ Kỳ.

Bất chấp những các cảnh báo từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục thương vụ mua hệ thống phòng không tối tân S-400 của Nga. Trong một động thái đáp trả, Washington tuyên bố ngừng chương trình hợp tác và cung cấp máy bay chiến đấu F-35 cho Ankara. 

Lầu Năm Góc tuyên bố tất cả các lô hàng thiết bị hiện tại và tương lai liên quan đến F-35 sẽ ngừng lại cho tới khi Ankara từ bỏ cam kết tiếp nhận hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Giới chức quân sự Mỹ trước đó cũng nhiều lần cảnh báo việc Ankara triển khai S-400 sẽ giúp Nga có cơ hội theo dõi và phát hiện siêu chiến cơ của Mỹ, qua đó đặt ra những mối nguy hại tiềm năng trong tương lai với các tiêm kích này trong trường hợp 2 bên xảy ra xung đột. 

Theo các chuyên gia, động thái cứng rắn của Ankara khiến Mỹ "nóng mắt" vì cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách theo đuổi lợi ích của riêng mình, vùng ra khỏi sự kìm kẹp của Mỹ và một vài đồng minh NATO khác. 

5ca50334dda4c830738b461f-0714092

Hệ thống phòng không S-400 của Nga. (Ảnh: Reuters)  

"Viễn cảnh một quốc gia NATO mua vũ khí từ Nga làm tổn hại tới danh tiếng của Mỹ và gây tốn thất cho ngành công nghiệp quốc phòng của Washington", Giám đốc Trung tâm phân tích Thương mại Vũ khí Thế giới Igor Korotchenko cho biết. 

Theo ông này, S-400 là mối đe dọa đối với máy bay NATO bởi vì nó có thể phát hiện và "làm thịt" các siêu chiến cơ như F-35 hay F-22.

Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý là trước Thổ Nhĩ Kỳ, 3 nước thành viên NATO là Bulgaria, Hy Lạp và Slovakia đã mua hệ thống S-300 của Nga nhiều năm trước. 

Hy Lạp triển khai S-300 tại đảo Síp, mắt xích quan trọng trong chiến lược quốc phòng của nước này. Bulgaria và Slovakia mới đưa vào vận hành S-300 thời gian gần đây trong các cuộc tập trận bắn đạn thật của NATO.

Vậy tại sao Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia gia nhập NATO vào năm 1952 cùng thời điểm với Hy Lạp lại chịu sức ép từ Mỹ khi mua vũ khí còn 3 quốc gia còn lại lại không. 

Theo chuyên gia quân sự Nga Mikhail Khodarenok, Hy Lạp và các nước thành viên khác của NATO mua vũ khí phòng không của Nga từ trước năm 2014, tức là trước khi căng thẳng giữa Mỹ và Nga bắt đầu gia tăng.

Với S-300, Mỹ nắm được rõ thông tin về hệ thống phòng không này vì có trong tay 2 biến thể S-300P và S-300V mua lại từ Belarus và Ukraine. Nhưng Washington lại không nắm được thông tin gì về S-400. 

Theo ông Khodarenok việc mù mờ về S-400 là điều đáng lo ngại với Mỹ bởi nắm được thông tin chi tiết về vũ khí của đối thủ nhiều khi cũng không có quá nhiều tác dụng trên chiến trường chứ chưa nói đến việc hoàn toàn mờ tịt về vũ khí đó. 

Trong một diễn biến liên quan, hôm 10/4, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định sẽ mua thêm máy bay phản lực và các hệ thống phòng không của Nga nếu Ankara không mua được rồng lửa Patriot và F-35 của Mỹ.

“Nếu Mỹ không muốn bán Patriot cho chúng tôi, ngày mai chúng tôi có thể mua thêm hệ thống S-400 và chúng tôi cũng có thể theo đuổi các hệ thống phòng không khác”, ông Cavusoglu nói. 

Video: Cận cảnh hệ thống phòng không tối tân của Nga

Ông này cũng nhắc lại đề xuất mà Ankara đưa ra với Washington về việc thiết lập một tổ công tác kỹ thuật để giải quyết các khúc mắc giữa 2 nước liên quan tới thương vụ thỏa thuận S-400. Tuy nhiên, cho đến nay Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi tích cực nào từ Mỹ. 

S-400 Triumf hiện là hệ thống phòng không tối tân nhất của Nga được thiết kế nhằm tiêu diệt tất cả các loại vũ khí hiện đại ở tầm trung và tầm xa, bao gồm tên lửa chiến lược, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. S-400 có khả năng ngăn chặn các mục tiêu ở khoảng cách lên đến 600 km, bắn hạ mục tiêu trong phạm vi 400 km và ở độ cao lên tới 30 km. Khả năng tấn công của S-400 Triumf hoàn toàn vượt trội so với hệ thống tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất, với tốc độ tấn công mục tiêu nhanh gấp hai lần, phạm vi hoạt động mở rộng hơn.

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn