Ai cũng biết đường thẳng là con đường ngắn nhất, và độ dài hành trình tỷ lệ thuận với lượng nhiên liệu tiêu thụ. Tuy nhiên nhìn vào bản đồ bay, chúng ta sẽ thấy máy bay di chuyển theo đường cong chứ không đi thẳng tắp.
Tại sao máy bay không bay theo đường thẳng?
Có rất nhiều nguyên nhân lý giải cho việc máy bay không di chuyển theo đường thẳng từ A đến B. Hai lý do lớn nhất liên quan đến bề mặt của Trái đất và dòng khí quyển.
Trái đất hình cầu, tự quay quanh trục của nó, nên phần xích đạo như "phình ra". Do đó, chu vi hành tinh ở quanh xích đạo lớn hơn rất nhiều so với ở các vĩ độ cao hơn hoặc thấp hơn, thu hẹp dần về phía hai cực. Điều này có nghĩa, khoảng cách khi máy bay di chuyển về phía hai cực ngắn hơn so với bay thẳng theo xích đạo. Đó là lý do các chuyến bay từ Mỹ đến châu Á thường sẽ qua Alaska và Siberia thay vì bay theo đường thẳng, vừa rút ngắn thời gian di chuyển, vừa tiết kiệm nhiên liệu.
Đường bay được vạch ra trước giờ khởi hành để chọn ra tuyến ngắn nhất và hiệu quả nhất. Máy bay có thể thay đổi đường bay trong suốt thời gian di chuyển, tùy theo thời tiết, gió và dòng khí quyển (hay dòng tia).
Vận tốc gió trong dòng khí quyển có thể đạt hơn 320km/h, và có thể đưa một máy bay đến đích nhanh hơn, tốn ít nhiên liệu hơn. Ngược lại, nếu chiếc máy di chuyển ngược dòng khí quyển, phi công sẽ cần bay theo một hướng khác.
Nhiễu động không khí cũng là một yếu tố quyết định quỹ đạo của máy bay. Nguyên nhân chính gây ra nhiễu động là hơi nóng bốc lên từ mặt đất. Nước tản nhiệt tốt hơn mặt đất nên không khí trên mặt nước ít nhiễu động hơn so với trên đất liền. Điều này giải thích vì sao nhiều đường bay được thiết kế vòng qua biển, thay vì bay thẳng trên đất liền.
Hiện tại, chuyến bay từ Singapore đến thành phố Newark, bang New Jersey, Mỹ là chuyến bay liên tục dài nhất thế giới từng được ghi nhận: Hành trình hơn 16.700 km kéo dài 18 tiếng 45 phút.
Vì sao máy bay sắp hạ cánh bỗng bay ngược lên trời?
Patrick Smith, phi công và là tác giả cuốn sách bán chạy Bí mật buồng lái, cho biết ông đã được nghe nhiều đồng nghiệp nói về các nỗi sợ khi bay. Một trong số đó là việc máy bay không thể hạ cánh. Đó cũng là lý do nhiều hành khách thấy máy bay chuẩn bị hạ cánh rồi bất ngờ lại bay ngược lên không trung.
Smith cho biết, hành động đó được gọi là “quay trở lại” hoặc “bay vòng quanh”. Tuy nhiên, hành khách không nên quá lo lắng khi thấy phi công làm điều này, vì trên thực tế đây không phải là một sự cố hàng không.
Việc máy bay chưa được phép hạ cánh theo đúng lịch trình có thể do điều kiện hạ tầng ở sân bay chưa cho phép. Ví dụ một phi cơ trong khu vực gần đó chưa rời khỏi đường băng. Do vậy, phi công cần tạm hoãn hạ cánh để tránh va chạm.
Bên cạnh đó, thời tiết cũng là một yếu tố gây ra sự việc này. Trong quá trình hạ cánh, nếu tầm nhìn giảm xuống dưới mức quy định, phi công sẽ phải bay ngược lên. Thông thường, nếu không thể hạ cánh ở một sân bay theo đúng lịch trình, họ sẽ được bố trí hạ cánh ở một nơi khác gần đó.
Ngoài ra, Smith trấn an hành khách về việc nếu đang ở độ cao hơn 10.000 m, máy bay bị đột ngột mất áp suất. Liệu khi đó, khung cảnh trên phi cơ có hỗn loạn như những gì chúng ta vẫn thường thấy trên các bộ phim?
Việc mất áp suất trên máy bay có thể do bom gây ra. Tuy nhiên, đó là trường hợp xấu nhất, và ít khi xảy ra nhất. Trên thực tế, việc bị mất áp suất thường do lỗi rò rỉ. Các tiếp viên đã được đào tạo bài bản để đối mặt với các tình huống này.
Khi đó, mặt nạ oxy sẽ được hạ xuống để hành khách sử dụng. Trong thời gian mặt nạ oxy có tác dụng, phi công sẽ cho máy bay xuống độ cao an toàn mà hành khách có thể thở trực tiếp bằng mũi mà không cần có dụng cụ trợ giúp.
Smith cho biết trong tình huống trên, bạn cũng không cần phải quá hoảng sợ. Một số người có thể cảm thấy đau đớn, chảy máu mũi. Nhưng điều tốt nhất bạn có thể làm là bình tĩnh nghe theo hướng dẫn của tiếp viên.
Bình luận