• Zalo

Vì sao lốp xe màu đen mà không phải là màu khác?

Tư vấnThứ Ba, 11/07/2023 09:12:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Chúng ta đều biết thành phần chính của lốp xe là cao su, tuy nhiên, cao su có màu trắng nhưng vì sao lốp xe lại có màu đen?

Lý giải tại sao lốp xe có màu đen?

Những năm đầu thế kỷ 20, nguyên liệu làm lốp xe chủ yếu là sắt. Tuy nhiên, do đặc điểm tính chất nên loại lốp này còn nhiều hạn chế như không đủ chịu lực khi chạy nhanh, gây tiếng ồn, khả năng ma sát không cao, nhanh bị mòn, chai cứng.

Tới năm 1895, lốp cao su đầu tiên ra đời. Vì được làm bằng cao su tự nhiên nên những chiếc lốp xe ô tô này có màu trắng sữa.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất nhanh chóng nhận ra lốp cao su nguyên chất không bền, hao mòn rất nhanh. Đã vậy, lốp nguyên thủy sẽ cứng lại khi gặp trời lạnh và mềm ra khi trời nóng, dẫn tới việc nhanh chóng hỏng hóc và kém an toàn.

Lốp xe ô tô có màu đen để đảm bảo độ bền hơn.

Lốp xe ô tô có màu đen để đảm bảo độ bền hơn.

Do đó, các nhà sản xuất bắt đầu thêm kẽm oxit, giúp tăng cường độ bền. Để cải thiện độ bám đường, các gai lốp đã được bổ sung. Với công nghệ này, lốp xe vẫn có màu trắng và xuất hiện trên nhiều chiếc xe hơi sang trọng.

Tuy nhiên, chiến tranh nổ ra, thế giới phải đối mặt với tình trạng thiếu kẽm oxit, vì được sử dụng cho đạn dược. Trong hoàn cảnh này, các nhà sản xuất lốp xe đã sử dụng muội than làm chất thay thế, không ngờ đây lại là một thành phần tuyệt vời được sử dụng cho đến tận ngày nay.

Lốp xe sử dụng muội than do Sidney Charles Mote và một nhóm các nhà khoa học tại Anh tìm ra vào năm 1904. Muội than là sản phẩm từ quá trình đốt cháy không hoàn toàn dầu thô hoặc khí tự nhiên trong điều kiện thiếu khí oxy. Muội than giúp ổn định hơn 20 hợp chất hóa học, được thêm vào quá trình chế tạo lốp cao su để tăng độ đàn hồi, dẻo dai cũng như độ bền.

Muội than cũng giúp bảo vệ lốp xe khỏi tia cực tím - yếu tố khiến cao su nhanh chóng trở nên giòn và dễ phân hủy. Thêm vào đó, lốp sử dụng muội than cũng tản nhiệt ra ngoài thay vì giữ lại ở bên trong thân lốp, qua đó hạn chế tác động cực lớn của nhiệt độ lên độ bền cao su.

Đến năm 1915, sau một thời gian nghiên cứu, các nhà khoa học đã tìm ra một loại nguyên liệu pha trộn với cao su làm lốp xe giúp giảm sự mài mòn và tăng tuổi thọ lốp xe 4-5 lần. Loại chất này là muội than (carbon black) được pha trộn với cao su và sợi bông. Trong đó, muội than chiếm 30% khối lượng lốp. Đây là lý do tại sao lốp xe màu đen.

Trong lịch sử, lốp xe đã có những màu nào?

Năm 1950, người ta còn sản xuất lốp xe với nhiều màu sắc khác bắt mắt ngoài màu đen như màu cam, đỏ, vàng…Tuy nhiên sau một thời gian sử dụng, những mẫu lốp xe màu sắc rực rỡ này lại bị khô cứng và bay màu.

Các nhà sản xuất phát hiện ra rằng, nguyên nhân khiến lốp màu nhanh hỏng hơn lốp đen là do cao su màu khi gặp các chất tổng hợp từ tầng ozone và tia hồng ngoại từ Mặt Trời sẽ xuất hiện các phản ứng hóa học làm tính chất của lốp bị biến dạng.

Do độ bền kém hơn lốp xe màu đen mà giá cả lại cao nên lốp xe màu nhanh chóng biến mất.

Ngoài ra, nếu xét về tính thẩm mỹ, lốp xe màu đen so với những màu khác sẽ giúp xe trông sạch hơn, khó thấy các vết bẩn hơn.

Hiện nay, nhiều người sơn lại bên ngoài của lốp, sơn thành lốp hoặc vẽ màu lên các chữ cái trên lốp xe để chiếc xe của mình nổi bật trên đường, tuy nhiên về bản chất những chiếc lốp màu sắc đó vẫn có màu đen ngay từ đầu.

PHẠM DUY (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn