Liên quan đến việc hai con cá voi “khủng” tấp vào vùng biển xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu (Nghệ An) vừa qua, một con mắc cạn được cứu đưa lại ra biển và một con đã chết trước khi tấp vào vùng bờ, các nhà khoa học ở Viện Hải dương học tại Nha Trang đều cho rằng đó là hiện tượng rất bình thường trong tự nhiên, không liên quan gì với việc cá ở vùng biển Nghệ An và các tỉnh lân cận chết hàng loạt trong thời gian qua.
TS Võ Sĩ Tuấn - viện trưởng Viện Hải dương học - cho biết những con cá voi tấp vào vùng biển kể trên là loại cá voi di cư từ những vùng xa đến vùng biển nhiệt đới.
Còn ở vùng biển nhiệt đới của VN chỉ có những loài cá chẳng hạn như cá ông, lớn cỡ vài ba mét trở xuống thì mới sống được. TS Tuấn nói: “Cá voi thật ra là loài thú biển chứ không phải là cá. Đối với các loài cá voi lớn như thế thì nó sinh sống ở vùng biển ôn đới, có thể di cư đến vùng biển nhiệt đới của VN vào một thời điểm nào đấy thôi. Mỗi loài cá voi có tập tính khác nhau nên thời điểm di cư cũng khác nhau và thường di cư đến là để sinh sản”.
TSKH Nguyễn Tác An - nguyên viện trưởng Viện Hải dương học - cũng cho biết các con cá voi bị chết, tấp vào vùng biển Nghệ An như vừa qua là rất bình thường.
Xưa nay đã có hàng nghìn con cá voi chết, trôi vào vùng biển VN rồi. Chẳng hạn như mẫu cá voi còn đang lưu giữ ở Viện Hải dương học là chết ở vùng biển Hải Hậu (Nam Định) cách đây khoảng 200 năm trước. Cá voi là loài động vật có vú, có mỡ nhiều, sống theo bầy đàn ở vùng biển xứ lạnh là vùng có rất nhiều thức ăn.
Giống như mọi sinh vật khác, cá voi cũng bị bệnh, bị già. Thông thường, những con cá voi trôi vào vùng biển nước ta là những con bị bệnh hoặc già yếu nên mới bị dòng chảy tách trôi dạt ra khỏi đàn. Khi trôi vào vùng biển nước ta thì do thiếu thức ăn nên cá voi thường vào gần bờ để kiếm ăn.
Trong khi đó bản thân con cá đã bị yếu, đuối sức nên không ra được hoặc do thủy triều rút nhanh quá khiến nó không ra kịp và bị mắc cạn hoặc chết. Cho nên đó là những hiện tượng rất bình thường trong tự nhiên.
Bình luận