• Zalo

Vì sao không thiết kế chân phanh xa chân ga?

Tư vấnThứ Sáu, 05/01/2024 05:37:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhiều vụ tai nạn giao thông do đạp nhầm chân ga của tài xế, điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi tại sao không thiết kế chân phanh và chân ga ô tô cách xa nhau?

Theo các nhà nghiên cứu, chân phanh và chân ga được thiết kế cùng một bên nhằm mục đích tiện lợi. Về nguyên tắc, chân phải luôn ở chân phanh, ngoại trừ khi cần tăng ga. Nếu rời chân ga, chân phải lập tức về lại vị trí chân phanh.

Các ô tô số tự động đều có thiết kế chân ga và phanh cùng một bên ở chân phải của người lái. Tiết diện của chân phanh là lớn nhất, tạo nên thuận lợi cho chân phải của người lái, trong khi đó, chân ga nhỏ hơn và lệch về bên trái.

Tại bản số sàn, xe có thêm bàn đạp chân côn, được đặt ở vị trí lệch hẳn sang trái của người lái.

Thiết kế này có thể được coi là hiển nhiên của ô tô vì nó mang đến sự tiện lợi khi lái xe.

Chân ga và chân phanh xe tự động được thiết kế cạnh nhau để đảm bảo tiện lợi, an toàn. (Ảnh minh họa).

Chân ga và chân phanh xe tự động được thiết kế cạnh nhau để đảm bảo tiện lợi, an toàn. (Ảnh minh họa).

Ngoài ra, việc sử dụng một chân cho cả ga và phanh còn đảm bảo tính an toàn vì không ai phanh và ga cùng lúc, khi muốn phanh, lái xe phải bỏ chân ga ra giúp xe dừng nhanh hơn.

Theo đó, người lái chưa mất đến 1 giây để chuyển từ vị trí chân ga sang chân phanh và ngược lại, điều này giúp đảm bảo tính an toàn, đặc biệt trong trường hợp khẩn cấp.

Theo các chuyên gia, nếu thiết kế để chân ga một bên, chân phanh một bên (hai chân người lái sẽ có nhiệm vụ riêng) sẽ gây hiện tượng phanh và ga cùng lúc, đôi khi có thể gây sự bối rối cho tài xế.

Trong khi đó, nếu cần phanh, người lái buộc phải bỏ chân ga ra để xe có thể dừng lại nhanh hơn và để làm điều này thì chân ga chân phanh phải ở cùng 1 bên.

Một số nguyên tắc cơ bản để tránh đạp nhầm chân ga

Các chuyên gia phân tích, nguyên nhân khiến việc nhầm chân ga là do lái xe chưa thực sự quen với thao tác chuyển chân và thói quen của một số lái xe (đặc biệt là nữ giới) mang giày cao gót.

Chuyên gia khuyến cáo phụ nữ lái xe không nên đi giày cao gót khi điều khiển phương tiện. (Ảnh minh hoạ).

Chuyên gia khuyến cáo phụ nữ lái xe không nên đi giày cao gót khi điều khiển phương tiện. (Ảnh minh hoạ).

Ngoài ra, lái xe trong trạng thái không tập trung, mải làm một số việc khác như xem điện thoại trong khi chân không đặt ở vị trí chân phanh dẫn đến khi gặp tình huống bất ngờ bị cuống và đạp nhầm chân ga.

Để giảm thiểu tình trạng này, khi ngồi trên xe, chân phải bao giờ cũng đặt ở vị trí chân phanh, rời chân ga tài xế phải lập tức chuyển chân sang chân phanh. Quá trình dạy và học lái xe, tài xế nên được cho tập việc đổi qua lại giữa chân phanh và chân ga ở chân phải nhiều lần để quen với thao tác chuyển vị trí.

Đồng thời, tập lái tại những khu vực gồ ghề nơi cần sử dụng thao tác phanh, ga đổi nhau liên tục trong nhiều ngày để thực tế cho quen các động tác.

Cùng với đó, các tài xế khi có việc cần làm trong xe, nhất thiết phải cho xe chuyển sang vị trí đậu để đảm bảo an toàn. Tập trung quan sát và không dùng điện thoại khi đang lái xe vì khi gặp tình huống bất ngờ, người lái có thể bị cuống dẫn đến đạp nhầm chân ga.

Chỉ dùng chân phải để điều kiển ga và phanh

Phụ nữ không mang giày cao gót khi lái xe vì dễ bị trượt.

PHẠM DUY(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn