• Zalo

Vì sao khách du lịch xuống sân bay chỉ ghé qua Hà Nội?

Thời sựChủ Nhật, 05/04/2015 08:31:00 +07:00Google News

Có tới 40% số du khách xuống sân bay chỉ ghé qua Hà Nội rồi đến các điểm du lịch khác, không lưu trú tại Hà Nội.

Có tới 40% số du khách xuống sân bay chỉ ghé qua Hà Nội rồi đến các điểm du lịch khác, không lưu trú tại Hà Nội.

Hơn chục năm nay, sản phẩm du lịch Hà Nội vẫn chỉ là dừng lại ở đi thăm phố cổ, xem múa rối nước, viếng Lăng Bác, thăm Bảo tàng Dân tộc học. Bởi vậy, rất thiếu sức hấp dẫn. Theo ước tính, có tới 40% số du khách xuống sân bay chỉ ghé qua Hà Nội rồi đến các điểm du lịch khác, không lưu trú tại Hà Nội.


“Ăn tối, rối nước rồi về ngủ"

Theo PGS.TS Trương Quốc Bình Chuyên viên cao cấp, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam thì Hà Nội là một trong những địa bàn trọng yếu trong lịch sử hình thành và phát triển của quốc gia, dân tộc Việt Nam, nơi ngưng đọng và quần tụ những dấu ấn quan trọng, thể hiện truyền thống và bản sắc văn hóa Việt Nam.

Nếu chấm điểm các di sản ở Hà Nội thì phải chấm điểm 10/10. Hà Nội hơn tất cả những địa phương khác ở chỗ là Hà Nội có một kho tàng di sản văn hóa và thiên nhiên hết sức độc đáo, phong phú và đa dạng.

Phố cổ Hà Nội - một điểm hút du khách nước ngoài. Ảnh nguồn internet 

Hà Nội có hàng trăm kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Hà Nội là nơi đặt bảo tàng tiêu biểu nhất của quốc gia, đặc biệt Hà Nội còn có không ít các di sản phi vật thể đặc sắc như: Hội Gióng “Mùng chín đâu đâu trở về hội Gióng”, hội Chèm, hội làng Yên Sở, hội Hai Bà Trưng... Hà Nội còn có nghệ thuật truyền thống như tranh Đông Hồ, ca trù…

Thế nhưng khi nói đến những hoạt động giải trí tại Hà Nội, những người làm du lịch hay nói một cách đầy hình ảnh rằng : “Ăn tối, rối nước” rồi về ngủ, hôm sau di chuyển tới điểm du lịch khác. Việc khai thác tài nguyên ở thủ đô Hà hội phải chăng chưa xứng tầm?”.

PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh, Nguyên Trưởng khoa du lịch và Khách sạn – Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho biết: “Hiện nay, Hà Nội có 40 bốt thông tin du lịch tự động nhưng lại ở trong tình trạng hư hỏng nặng. Các dịch vụ ăn uống thì tràn lan trên hè phố, sự ô nhiễm môi trường và sử dụng sản phẩm bẩn ở các cơ sở kinh doanh ăn uống.

Đặc biệt vào các mùa lễ hội, tại các điểm du lịch thì thực phẩm, đồ uống được treo, bày đặt trên các giá không được che đậy khiến rất nhiều bụi bặm. Bên cạnh đó, giao thông vẫn còn ùn tắc, bãi đỗ xe thiếu, dừng đỗ xe không đúng quy định, tài xế taxi chèo kéo, bắt chẹt khách.

Nhà vệ sinh công cộng không đáp ứng được nhu cầu của khách. Vẫn còn đây đó lời phàn nàn về giá cả, thái độ phục vụ. Dịch vụ hải quan, visa, sân bay, vận chuyển khách tại Hà Nội…đang làm giảm tính hấp dẫn của du lịch thủ đô. Khách đến Hà Nội thường ở không quá 2 ngày vì ở đến ngày thứ 3 thì không biết vui chơi tại đâu?


PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh cũng cho rằng: “Hà Nội cần sự đột phá, trước hết có quyết tâm phát triển du lịch, thể hiện ở ý chí của các cấp lãnh đạo Hà Nội, từ đó có chính sách thu hút phát triển, nguồn nhân lực... Sản phẩm du lịch Hà Nội phải mang đặc trưng riêng, phù hợp với 3 đối tượng khách: Khách nước ngoài đến Hà Nội, khách nước ngoài sinh sống tại Hà Nội và khách nội địa.

Mỗi một sản phẩm phù hợp với từng đối tượng khách. Chúng ta có di tích Hoàng Thành, nhưng phải biến nó thành sản phẩm du lịch thu hút du khách. Từ tài nguyên, chúng ta phải đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức dịch vụ và chào bán sản phẩm”.


Cùng quan điểm này, ông Lưu Đức Kế, Giám đốc công ty lữ hành Hanoitourist cho rằng: Hiệu quả kinh doanh du lịch Hà Nội so với tiềm năng còn thấp. Ngay Cổ Loa – từng được quy hoạch là một khu du lịch quốc gia nhưng suốt hơn 10 năm không phát triển là mấy. Nguyên nhân là do Hà Nội chưa có cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này..

“Hà Nội luôn tự hào có hơn 5.000 điểm di tích lịch sử, nhưng thực sự có bao nhiêu di tích phục vụ cho hoạt động du lịch đúng nghĩa? Hà Nội chỉ giàu tài nguyên chứ chưa thực sự giàu sản phẩm du lịch, những hàng hóa có thể bán được cho du khách? Việc đầu tư khu vui chơi giải trí tại Hà Nội trước hết cho chính người Hà Nội”, ông Kế nói.

Cần giải pháp đồng bộ

Tại hội thảo, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu du lịch, các doanh nghiệp lữ hành đã thảo luận phân tích, đánh giá, đưa ra những điểm mạnh, những hạn chế của sản phẩm du lịch Hà Nội đồng thời đề xuất nhiều giải pháp làm tăng sức hấp dẫn của du lịch Hà Nội.

Theo ý kiến của nhiều đại biểu thì để nâng cao sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch ở thủ đô Hà Nội thì cần xã hội hóa các hoạt động du lịch. Khắc phục hạn chế về cơ sở hạ tầng phục vụ khách, xây dựng thêm các hoạt động vui chơi giải trí về đêm, giữ gìn cảnh quan môi trường thân thiện, ứng xử văn minh du lịch.

 Nhiều vấn đề bất cập vẫn còn tồn tại ở du lịch thủ đô. Ảnh minh họa

Theo PGS.TS Trương Quốc Bình, Hà Nội đang sở hữu trong mình một kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể cực kỳ phong phú và có giá trị không thể phủ nhận. Trong những năm qua Hà Nội có những nỗ lực nhất định để bảo vệ, phát huy gía trị các di sản này. Tuy nhiên việc khai thác các nguồn tài nguyên du lịch ở Hà Nội chưa xứng tầm với tiềm năng sẵn có.

“Theo tôi thì cần tạo dựng mối quan hệ giữa văn hóa với du lịch, giữa tuyên truyền và phổ biến, đánh giá lại toàn bộ sản phẩm để có giải pháp quy hoạch đồng bộ ở thủ đô Hà Nội.

Chúng ta cần đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động du lịch. Tôi thiết nghĩ không cần phải đao to búa lớn mà làm sao để những công dân ở thủ đô người ta cần phải có nụ cười với du khách. Dân tự giác tham gia vào bảo vệ môi trường, tỏ rõ sự thân thiện thì du lịch mới thành công được”, ông Bình nói.

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội, cũng cho rằng: “Hệ thống tài nguyên du lịch Hà Nội chưa quản lý, đầu tư và được khai thác hợp lý, chất lượng du lịch nhìn chung chưa cao, phát triển manh mún tự phát, chưa được quy hoạch, khai thác đúng tiềm năng thế mạnh.

Còn thiếu điểm vui chơi giải trí cho khách du lịch trong nước và quốc tế. đặc biệt là điểm vui chơi về đêm. Thời gian lưu trú và chi tiêu của khách du lịch còn khiêm tốn. Cụ thể, khách quốc tế đạt 100 USD/ngày, đêm; khách nội địa chưa đạt được 50 USD/người/ngày đêm.


Chính vì vậy thành phố phải thực hiện đồng bộ tổng thể các giải pháp khác nhau để nâng cấp sản phẩm du lịch trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, quan trọng nhất ở mỗi điểm đến cần có đề án, quy hoạch cụ thể để nâng cấp lên. Từ sản phẩm chính của điểm văn hóa, điều cốt lõi cần giữ gìn tốt; tiếp đến cải tạo, nâng cấp hạ tầng và nguồn nhân lực phục vụ du lịch”.

Nguồn: Hạnh Thúy(Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn