Theo Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam, ý kiến của Tổ chức Y tế thế giới WHO và Tổ chức lao động Quốc tế ILO trong thư gửi Thủ Tướng Chính phủ ngày 5/08/2014 chỉ là một khuyến cáo và khuyến cáo này không phù hợp với quan điểm cũng như hướng dẫn cách tiếp cận loại bỏ các bệnh liên quan đến amiăng được nêu trong Nghị quyết của Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) và Công ước số 162 năm 1986 về vấn đề an toàn sử dụng amiăng có kiểm soát của Tổ chức lao động Quốc tế ILO.
Hiệp hội Tấm lợp cũng cho biết các tổ chức quốc tế khác cũng khuyến cáo nhiều vấn đề với Chính phủ Việt Nam nhưng tất cả khuyến cáo chỉ là để tham khảo trong quá trình xây dựng, chính sách.
Về các quốc gia và vùng lãnh thổ chưa cấm amiăng trắng, Hiệp hội khẳng định, đến thời điểm hiện tại có 139 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 6 tỷ người chưa cấm sử dụng amiăng trắng và các sản phẩm chứa amiăng trắng, trong đó các nước: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Canada, Mexico và các nước Đông Nam Á.
“Về quan điểm vì sức khoẻ để đưa ra một lệnh cấm sử dụng amiăng trắng và dừng sản xuất tấm lợp AC vào năm 2023 mà Bộ nêu trong Tờ trình và dự thảo Quyết định phê duyện đề án là chưa chính xác, thiếu khách quan và không thuyết phục”, văn bản góp ý của Hiệp hội Tấm lợp nêu rõ.
Hiệp hội này dẫn chứng trong 55 năm tồn tại của ngành tấm lợp AC dưới sự quản lý của nhà nước chưa phát hiện ra một ca ung thư trung biểu mô nào, chưa gây nên một trường hợp chết người nào.
Đồng thời, trong 20.000 ca bệnh bụi phổi mà Bộ Y tế thống kê được chỉ có 3 trường hợp là bụi phổi amiăng, còn lại là bụi phổi silic của các ngành sản xuất: khai thác đá, sản xuất xi măng, khai thác than, khai thác mỏ, xây dựng giao thông…
“So sánh tỷ lệ gây bệnh, gây thương vong hàng năm của các chất, hóa chất các ngành như thuốc lá, thuốc bảo vệ thực vật… thì ngành nào là gánh nặng cho ngân sách về bảo vệ sức khoẻ? Quý Bộ cần so sánh, cân nhắc để đưa ra chính sách công bằng, hợp lý”, Hiệp hội Tấm lớp đặt câu hỏi.
Về khuyến cáo của Tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam cho rằng cần xem xét đến điều kiện làm việc, môi trường tiếp xúc, nồng độ chất độc hại trong môi trường làm việc, thời gian tiếp xúc và biện pháp phòng ngừa, trình độ quản lý, chứ không phải cứ có tên trong khuyến cáo đó là phải cấm.
“Hơn 100 chất, hoá chất, ngành nghề xếp cùng nhóm với amiăng trắng hiện nay ở Việt Nam và thế giới vẫn được phép dùng và sản xuất”, Hiệp hội cho hay.
Về cơ sở pháp lý của đề án và dự thảo lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiăng từ năm 2023, Hiệp hội Tấm lợp cũng cho rằng còn nhiều bất cập, không khả thi.
“Về xây dựng chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất tấm lợp xi măng sợi không amiăng là nhưng chính sách nào? Nội dung và mức hỗ trợ bao nhiêu? Nguồn tài chính từ đâu? Bao giờ xây dựng xong chính sách?...”, Hiệp hội đặt ra một loạt câu hỏi.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Tấm lợp cũng đặt ra vấn đề amiăng trắng sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế có bị cấm sử dụng không? Nếu amiăng trắng độc hại mà chỉ cấm trong sản xuất tấm lợp amiăng xi măng thì liệu có công bằng và khách quan? Nếu cấm tất cả thì giải pháp nào để thay thế? Lộ trình và nguốn lực ra sao?
Hiệp hội Tấm lợp cũng bày tỏ băn khoăn: “Cấm sử dụng amiăng trắng để sản xuất trong nước thì giải pháp cấm nhập khẩu tấm lợp có chứa amiăng trắng từ Trung Quốc, Thái Lan như thế nào? Ai thực hiện? Có vi phạm hiệp định thương mại song phương không?...”.
Video: Hà Nội lên kế hoạch xóa sổ bếp than tổ ong
Hiện tại, Việt Nam có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất tấm lợp có sử dụng amiăng trắng với công suất thiết kế hơn 100 triệu m2/năm. Amiăng trắng được sử dụng chủ yếu trong sản xuất tấm lợp fibro ximăng.
Việt Nam còn nhập rất nhiều sản phẩm chứa amiăng như vải, má phanh, vật liệu cách nhiệt, thảm. Các sản phẩm này được nhập từ Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Mỹ và thậm chí từ nước đã cấm sử dụng amiăng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore...
Bình luận