Thời gian qua, các trường đại học trên địa bàn TP.HCM liên tục đưa ra những mức cảnh báo học vụ về học tập, chế tài xử lý về công tác sinh viên, dẫn đến hàng nghìn sinh viên có nguy cơ bị buộc thôi học.
Rà soát danh sách sinh viên trong quá trình đào tạo là công việc định kỳ của các trường đại học, nhưng nhìn số lượng sinh viên bị đuổi, nhiều người vẫn sốc.
Số lượng sinh viên bị xử lý tăng đáng kể
ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM vừa xóa tên hơn 450 sinh viên bị buộc thôi học, đa số đã không còn học tập tại trường từ lâu. 571 sinh viên khác của trường cũng bị cảnh báo học vụ trong học kỳ II năm học 2017-2018.
169 sinh viên các lớp chính quy và văn bằng hai chính quy của ĐH Luật TP.HCM cũng bị cảnh báo học vụ, đình chỉ một năm hoặc buộc thôi học. Trong đó, 71 sinh viên có thể bị buộc thôi học vì kết quả học tập yếu kém.
Hơn 2.500 sinh viên ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM nợ học phí kéo dài, nguy cơ bị cấm thi cuối kỳ, gián tiếp dẫn đến nguy cơ bị cảnh cáo học vụ, buộc thôi học hoặc đình chỉ học tập.
Hơn 200 sinh viên của ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng bị cảnh báo học vụ với nhiều mức khác nhau sau học kỳ II năm học 2017-2018.
PGS.TS Đồng Văn Hướng, Phó hiệu trưởng ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM, thừa nhận việc xử lý học vụ là hình thức kỷ luật học tập thường thấy ở các trường đại học nhưng những năm gần đây số lượng sinh viên bị xử lý tăng đáng kể so với trước.
Học 8 năm vẫn không tốt nghiệp
Ngoài danh sách trải dài tên sinh viên bị cảnh báo, xử lý học vụ, tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn của các trường cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi.
Ông Đồng Văn Hướng cho biết tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn (4 năm đào tạo) của ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM nằm trong khoảng 30%-40%. Số còn lại sẽ dần tốt nghiệp trong những năm tiếp theo của thời gian đào tạo. Tuy nhiên, có những sinh viên quá 8 năm học tại trường vẫn không thể cầm trên tay tấm bằng cử nhân.
Đối với ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), tỷ lệ sinh viên có thể hoàn thành khóa học, tốt nghiệp trong thời gian đào tạo 8 năm, ở mức hơn 70%. Số còn lại đã "rơi rụng" trong quá trình học.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho hay sinh viên bị đuổi học có nhiều nguyên nhân, vấn đề không chỉ là chất lượng đầu vào.
Theo ông Dũng, tại ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, số bị đuổi do học lực chỉ chiếm 30%, còn lại 50% tự ý nghỉ vì gia đình không lo nổi học phí; 10% chọn sai ngành, phải nghỉ học để thi lại ngành khác; 5% bị đuổi vì nhiễm những thói hư tật xấu: Đa cấp, cá độ bóng đá, chơi game, mải mê làm thêm kiếm tiền...
Tín hiệu tích cực trong đào tạo
Hàng năm, số lượng sinh viên "đứt gánh giữa đường" ở các trường đại học là con số không nhỏ. Đây là vấn đề quá quen thuộc và đều nằm trong quy định của các trường đại học, Nhìn ở khía cạnh khác, việc mạnh tay xử lý sinh viên vi phạm được xem là động thái cần và nên đối với các trường đại học.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho biết hiện tại, công tác quản lý sinh viên của các trường có phần nghiêm ngặt hơn. Đồng thời, do yêu cầu về kỹ năng, tác phong từ phía doanh nghiệp, quy định về đào tạo của các trường có phần gắt gao hơn. Đó thực sự là tín hiệu tốt trong công tác đào tạo đại học.
"Hiển nhiên, phía sinh viên sẽ có nhiều phản ứng. Thứ nhất, các em nghĩ rằng lên đại học được tự do chứ không như phổ thông nên cho mình những quyền hơi quá. Thứ hai, chưa có sự đồng bộ giữa quy định và điều kiện cơ sở vật chất, những chương trình rèn luyện kỹ năng, các chương trình trải nghiệm doanh nghiệp nên sinh viên chưa rõ", ông Sơn lý giải.
Đồng tình với ý kiến của thạc sĩ Sơn, PGS.TS Đồng Văn Hướng cho rằng có thể nhìn nhận vấn đề sinh viên bị xử lý kỷ luật dưới những hình thức khác nhau và đó là một tín hiệu tích cực trong đào tạo.
Video: Sinh viên đại học học bơi trên cạn
"Cơ chế học tập theo tín chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên theo đuổi học tập theo sở thích và điều kiện thời gian của mình. Nhưng ngược lại, do quá thoải mái, nhiều em chây lười, ỷ lại dẫn đến bị cảnh báo học vụ, buộc thôi học. Các trường buộc phải nhắc nhở, đôn đốc sinh viên nhiều hơn", ông Hướng nói.
Mặc khác, theo ông Hướng, vài năm nay, cánh cổng vào đại học, cao đẳng ngày càng rộng mở. Với nhiều phương thức tuyển sinh mới ra đời, người học có nhiều lựa chọn để vào ngôi trường mình mong muốn, đồng nghĩa với chất lượng đầu vào sẽ có nhiều mức độ khác nhau.
Do đó, các trường đại học phải tăng cường công tác sàng lọc sinh viên để giữ uy tín, thương hiệu đào tạo của mình với xã hội. Việc "vào dễ, ra khó" cũng là xu thế chung của các trường đại học trên thế giới.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng việc siết chất lượng đào tạo để giữ thương hiệu là câu chuyện đương nhiên đối với các trường đại học. Gần đây, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã quyết định nâng mức điểm liệt các môn học lên 3 (trước đây không áp dụng điểm liệt). Đây được xem là biện pháp để trường đôn đốc sinh viên cố gắng học tập, đồng thời cũng là động thái đối phó với sinh viên lười biếng.
Bình luận