• Zalo

Vì sao Hà Nội dễ ngập sau mưa lớn?

Đời sốngThứ Tư, 25/05/2016 07:22:00 +07:00Google News

Do lượng mưa lớn đột biến vượt cùng với ảnh hưởng từ các công trình hạt tầng kỹ thuật đang thi công trên địa bàn TP dẫn đến hệ thống thoát nước bị quá tải.

Lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết: "Do lượng mưa lớn đột biến vượt cùng với ảnh hưởng từ các công trình hạt tầng kỹ thuật đang thi công trên địa bàn TP dẫn đến hệ thống thoát nước bị quá tải".

 

Đêm qua và sáng nay (25/5) trên địa bàn TP. Hà Nội đã xảy ra mưa lớn. Cơn mưa lớn đột biến kéo dài nhiều giờ khiến nhiều nơi ở Hà Nội ngập sâu, giao thông tê liệt, các phương tiện chết máy giữa đường.

Lượng mưa đo được tại Vân Hồ 187,1mm; Cầu Giấy 277,8; Mễ Trì 235,5mm ; Ngã Tư Sở 228,7mm; Xuân Đỉnh 196,9mm; Hồ Tây 168,5mm ; Lương Dịnh Của 193,6mm; Trúc Bạch 206,9mm; Nam Từ Liêm 214,1mm; Thanh Liệt 252mm; Hoàng Quốc Việt 249mm và các nơi khác xấp xỉ 200mm. Mưa xảy ra trên diện rộng, tập trung tại khu vực phía Tây.

Trao đổi với PV, ông Lê Vũ Quảng Xương – Phó TGĐ Cty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội cho hay:  “Do lượng mưa lớn đột biến vượt quá khả năng của hệ thống, cùng với ảnh hưởng của các công trình hạ tầng kỹ thuật đang thi công như mương Vĩnh Tuy, mương Thụy Khuê, mương Nghĩa Đô, mương Tây Sơn, mương Trắng Chẹm, mương Y Khoa, mương Phương Mai, mương/hồ Tân Mai, (mương N1, mương N2 lưu vực Ba Xã)… nên tại thời điểm 6g sáng nay (25/5) đã xảy ra ngập úng tại hầu khắp các tuyến đường trên địa bàn TP.”

Cụ thể, các địa điểm ngập úng trên địa bàn TP gồm: Trần Bình, Phan Văn Trường, Hoàng Quốc Việt (trước ĐH Điện lực), Phạm Văn Đồng (trước Công ty Cầu 7, ngã Xuân Đỉnh – Tân Xuân), ngã ba Dương Đình Nghệ – Nam Trung Yên, Hoa Bằng, Đội Cấn, Mạc Thị Bưởi, Minh Khai (chân cầu Vĩnh Tuy), Hoàng Mai, Nguyễn Chính, Thanh Đàm, ngã tư Huỳnh Thúc Kháng – Nguyên Hồng,  Định Công, Thái Thịnh (trước viện Châm cứu), Trường Chinh (từ Viện Y học Hàng không đến Tôn Thất Tùng), Quan Nhân, Vũ Trọng Phung, Nguyễn Huy Tưởng, Cự Lộc, Nguyễn Trãi (trước ĐH Khoa học nhân văn và trước số nhà 497), Triều Khúc… với mức độ từ 0,2 – 0,5m.

Đến thời điểm 7g sáng nay, các vị trí úng ngập đã cơ bản rút nước, giao thông đã ổn định trên nhiều tuyến phố trong khu vực nội thành. Đối với khu vực tả Nhuệ do mực nước sông Nhuệ cao nên việc thoát nước chậm hơn.

Theo phương án thoát nước mùa mưa năm 2016, Công ty chủ động giữ mực nước trên toàn hệ thống mương, sông, hồ ở mức thấp nên nước thoát nhanh. Công tác tổ chức ứng trực đã được Công ty triển khai, lực lượng ứng trực tại hiện trường thực hiện công tác tua vớt rác tại miệng thu hàm ếch, khơi thông dòng chảy.

Các dàn thiết bị cơ giới đã thực hiện ứng trực để kịp thời hỗ trợ thông tắc tại các vị trí được phân công. Các cửa phai hồ Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa… đã được mở để điều hoà nước. Trạm bơm Yên Sở, trạm bơm Đồng Bông I, Đồng Bông II và các trạm bơm cục bộ khác liên tục vận hành để hạ mực nước trên hệ thống.

Ông Xương cho biết thêm: “Công ty đã bố trí nhân lực, thiết bị phối hợp với các nhà thầu có công trình thi công trên hệ thống thanh thải dòng chảy nhằm hạn chế mức độ ảnh hưởng đến khả năng thoát nước.

Công ty đã phối hợp với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai TP đề nghị tạm dừng bơm nước từ hệ thống mương nông nghiệp khu vực thượng lưu sông Nhuệ để giảm tải lượng nước bổ cập ra sông Nhuệ phục vụ thoát nước nội thành theo phương án thoát nước mùa mưa.”

Bên cạnh đó, đập Thanh Liệt đã được mở và trạm bơm Yên Sở vận hành hết công suất, hỗ trợ tiêu thoát nước nước từ sông Nhuệ.

Ông Xương khẳng định: “Thời điểm ngừng mưa, công ty vẫn bố trí công tác ứng trực thu gom rác trước ga thu, vệ sinh mặt đường và vận hành các trạm bơm để hạ mực nước trên hệ thống chủ động đối phó với trận mưa tiếp theo để tránh lặp lại tình trạng ngập úng trên diện rộng như sáng nay.”

Clip: Người Hà Nội đứng trên máy xúc đi làm vì ngập nước nặng

Nguồn: Báo Thời đại
Bình luận
vtcnews.vn