Liên quan đến vấn đề xe khách tăng giá vé 60%, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát (Hà Nội) cho biết, các nhà xe chạy đường dài trên 500km những ngày Tết chỉ có một chiều có khách, chiều còn lại rỗng. Vì vậy, đơn vị vận tải phải tăng giá vé để bù đắp chi phí đi lại đồng thời nhằm đảm bảo biểu đồ chạy xe giải toả hành khách dịp Tết.
Về việc nhiều người lo ngại sẽ có thêm doanh nghiệp ồ ạt tăng giá vé, ông Thành phân tích, doanh nghiệp vận tải muốn điều chỉnh giá thì phải có thông báo bằng văn bản. Bến xe có ít nhất một tuần chuẩn bị các thủ tục để đơn vị vận tải niêm yết giá vé mới.
“Trong khi cao điểm Tết bắt đầu từ sau ngày 25 tháng Chạp, thời gian sẽ không còn đủ để doanh nghiệp vận tải làm thủ tục xin tăng giá vé. Do vậy, trừ các doanh nghiệp vận tải đường dài trên 300km, các nhà xe dưới 300km sẽ không tăng giá vé trong dịp Tết này”, ông Thành khẳng định.
Trong một diễn biến liên quan, chiều 21/1, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung có văn bản chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với Sở Tài chính khẩn trương kiểm tra việc tăng giá cước vận tải hành khách.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về việc tùy tiện tăng giá cước vận tải hành khách; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý các vi phạm về giá cước vận tải trái quy định của pháp luật.
Chủ tịch yêu cầu các đơn vị liên quan báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý trước 23/1/2017.
Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần quản lý bến xe Hà Nội, tính đến 20/1, đã có 21 doanh nghiệp vận tải đang hoạt động trên 19 tuyến đường dài (trên 500km) thông báo tăng giá vé từ 7-60%. Riêng các tuyến vận tải chặng ngắn (dưới 300km), giá vé không tăng.
Cụ thể, tuyến Đà Nẵng tại bến xe Giáp Bát đã thông báo mức giá điều chỉnh dịp Tết từ 340.000 đồng/khách lên đến 580.000 đồng/khách (tăng khoảng 60%). Giá vé xe khách từ Hà Nội đi TP.HCM thường ngày có giá 620.000 đồng/khách đã được nâng lên 900.000 đồng/khách.
Video: Già, trẻ, gái, trai nhảy như King Kong qua rào sắt bắt xe về quê
Bình luận