Trong báo cáo này, Bộ Công Thương lý giải, lý do chính khiến giá ô tô Việt Nam cao là do thuế và phí ở nước ta cao, đồng thời sản lượng tích lũy trong nước thấp. Nếu so với các nước có ngành công nghiệp phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ,... con số này còn lớn hơn nữa.
Giá chênh lệch không quá lớn
Theo các DN ô tô vốn FDI, giá bán ô tô tại Việt Nam đúng là có cao hơn, nhưng không chênh lệch lớn như vậy. Qua số liệu các DN cung cấp và tra cứu trên Internet về giá bán lẻ ô tô tại Thái Lan và Indonesia, với một số mẫu xe tương tự, có ở Việt Nam sẽ thấy điều này.
Chẳng hạn, mẫu Camry của Toyota có giá bán lẻ tại Thái Lan, (đã bao gồm thuế phí), từ 1.299.000-1.879.000 Baht, với 6 phiên bản. Nếu so sánh phiên bản tương tự tại Việt Nam là 2.5G, có giá bán 1.509.000 Baht.
Quy đổi ra tiền đồng, tính ra, chiếc Camry này bán tại Thái Lan là 980 triệu đồng, trong khi tại Việt Nam giá công bố của Toyota là 1,236 tỷ đồng, cao hơn 256 triệu đồng. Nhưng thực tế, giá bán trên thị trường còn giảm thêm khoảng 100 triệu nên mức chênh lệch chỉ còn 156 triệu đồng.
Cũng chiếc Camry trên, tại Indonesia đang có giá bán lẻ hơn 581 triệu Rupiah, tương đương 988 triệu đồng, coi như ngang bằng giá bán tại Thái Lan.
Một loạt các mẫu xe khác cũng tương tự. Chẳng hạn, mẫu Honda City CVT có giá bán lẻ tại thị trường Thái Lan là 589.000 Baht, tương đương gần 383 triệu đồng, thì tại Việt Nam giá bán ra là 583 triệu đồng. Các đại lý giảm thêm 50 triệu nữa nên chênh lệch chỉ 150 triệu đồng. Còn tại Indonesia, giá xe là 258 triệu Rupiah, tức khoảng 438 triệu đồng, rẻ hơn 100 triệu đồng so với giá bán tại Việt Nam.
Mẫu Toyota Fortuner nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia, phiên bản 2.7L về Việt Nam có giá bán 1,308 tỷ đồng, trong khi giá bán lẻ trên thị trường Indonesia là 651,8 triệu Rupiah, tương đương với 1,108 tỷ đồng, thấp hơn 200 triệu đồng so với giá bán lẻ tại Việt Nam.
Đúng là giá bán lẻ ô tô tại thị trường Việt Nam cao hơn so với Thái Lan và Indonesia, nhưng cao hơn chỉ từ 10-25% tùy từng mẫu xe, chứ không tới gần 50% như công bố của Bộ Công Thương, các DN ô tô FDI cho hay.
Thuế chiếm 50% giá xe
Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp APEC (SOM 2), diễn ra tại Hà Nội ngày 17/5 vừa qua, đã có cuộc đối thoại về ngành công nghiệp ô tô APEC. Đối thoại đã đề cập đến các vấn đề về thuế, thị trường và ngành công nghiệp ô tô tại các quốc gia thuộc APEC, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Nga, Hoa Kỳ, Ấn Độ,...
Thuế ô tô được chia làm 3 nhóm, cao trung bình và thấp. Nhóm thuế ô tô cao bao gồm Singapore, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Ấn Độ. Nhóm trung bình gồm có Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Philippines, Nga, Mexico. Nhóm thấp gồm Peru, Chilê, Canada, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Brunei và Hoa Kỳ.
Việt Nam có thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc với khu vực ngoài ASEAN là 70%, thuế tiêu thụ đặc biệt từ 40-150%.
Indonesia đánh thuế nhập khẩu ô tô là 40%, thuế tiêu thụ đặc biệt từ 10-125% dựa trên kích cỡ động cơ.
Ấn Độ có thuế nhập khẩu 60% và thuế tiêu thụ đặc biệt từ 12,5 -30%.
Thái Lan có thuế nhập khẩu 80% và thuế tiêu thụ đặc biệt từ 3-50%.
Malaysia có thuế nhập khẩu 30%, cùng với thuế tiêu thụ đặc biệt từ 60-105%.
Trong khi đó, với các nước thuộc nhóm thấp (Peru, Chilê, Canada, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Brunei và Hoa Kỳ) tổng các loại thuế với ô tô (không tính xe hạng sang) ở mức dưới 9.000 USD. Thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ 6,1% trở xuống, các loại thuế khác như tiêu thụ đặc biệt hay VAT tính chung không phân biệt dung tích động cơ.
Có quốc gia không áp thuế tiêu thụ đặc biệt, để khuyến khích người dân sử dụng ô tô.
Video: Dàn siêu xe của học viên cảnh sát mật Nga gây sốt
Nếu thuế tiêu thụ đặc biệt áp cho ô tô ở Thái Lan có khởi điểm thấp, ở mức 3% và Indonesia 10% thì Việt Nam hiện ở mức 15% với xe pick up và 40% với xe con từ 9 chỗ trở xuống.
Không những thế, thuế đánh chồng lên thuế, khiến giá xe tại Việt Nam cao hơn Thái Lan và Indonesia. Hai nước này có chính sách khuyến khích người dân sử dụng xe nhỏ, xe chiến lược nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt thấp, chỉ 3-10%, với những mẫu xe đó. Vì thế, giá xe thấp hơn Việt Nam, dù cả 3 nước đều thuộc nhóm có thuế ô tô cao.
Với Việt Nam, chỉ riêng 3 loại thuế: nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng đã chiếm khoảng 50% giá bán xe. Thuế cao làm cho giá xe bị đẩy lên cao ngất ngưởng, trong khi thu nhập còn thấp, khiến cho đa số người dân không có điều kiện tiếp cận với ô tô.
Hiện xe máy đang là lựa chọn chủ yếu của nhiều người dân Việt Nam. Lượng xe máy quá nhiều, tăng đột biến đang bị quy kết là nguyên nhân gây ra ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường và tạo thói quen tùy tiện, bừa bãi trong lưu thông. Có nhiều ý kiến kêu gọi hạn chế, tiến tới cấm xe máy tại các thành phố lớn. Điều này không hề dễ nếu giá ô tô vẫn cao và giao thông công cộng không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.
Cùng với đó, do không khuyến khích người dân sử dụng ô tô, nên ngành công nghiệp ô tô thời gian qua không phát triển. Vì thế, quy mô thị trường ô tô quá nhỏ bé, các DN không dám đẩy mạnh đầu tư cho sản xuất, chỉ tập trung lắp ráp.
Bình luận