Đó là chưa kể, nếu tính giá cá ngừ Nhật Bản ở trên sàn đấu giá thì cá ngừ Phú Yên còn thảm hại hơn. Tại sao lại có sự chênh lệch lớn nhường ấy?
Cá ngừ Nhật Bản: Kỹ lưỡng từ đánh bắt đến tiêu thụ
Ở Nhật Bản, cá ngừ rất đắt đỏ, ít nhất 80 USD/kg (hơn 1,8 triệu đồng). Thậm chí, một con cá ngừ vây xanh ở bờ đông nước Mỹ có giá khoảng 44 - 88 USD/kg, nhưng với 1 kg cá vây xanh từ Nhật Bản, bạn sẽ phải trả khoảng 440 USD. Đặc biệt, tại các phiên đấu giá, cá ngừ thường được bán với giá ngất ngưởng, thậm chí là không tưởng. Gần đây nhất, năm 2020, một con cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương nặng 276 kg được bán với giá lên tới 193 triệu yen (1,8 triệu USD).
Chính vì giá trị lớn như thế nên với Nhật Bản, cá ngừ như nguồn tài nguyên quý hiếm. Người Nhật rất chú trọng thực phẩm này, tỉ mẩn từ khâu khai thác đến tiêu thụ để đảm bảo tốt nhất chất lượng cá ngừ.
Người Nhật dùng nhiều phương pháp để đánh bắt cá ngừ. Tùy vào mỗi vùng biển mà họ đánh bắt hoặc mục đích sử dụng (dùng làm sashimi hay đóng hộp), ngư dân phải thay đổi cách khai thác.
Phương pháp phương pháp vây lưới thường bị hạn chế, do có thể dẫn tới đánh bắt quá mức, khi nhiều cá ngừ con và các loại các khác mắc vào lưới. Ngoài ra, nó cũng dễ khiến cá ngừ bị bầm và trầy xước giảm chất lượng thịt. Do đó, ngư dân Nhật thường sử dụng phương pháp câu dài - các lưỡi câu được gắn vào một dây chính dài. Phương pháp này giúp thịt cá thường săn chắc, ít bị biến màu và có thể đánh bắt được những con cá có trọng lượng hơn 300 kg.
XEM THÊM:
>>Nỗi buồn của ngư phủ nơi khai sinh nghề câu cá ngừ đại dương ở Việt Nam
Thông thường, cá ngừ sẽ được xử lý ngay từ nơi đánh bắt. Cá ngừ đại dương được làm lạnh nông (15 – 18 độ C), làm sạch sâu (-2 – 0 độ C). Mỗi con cá sẽ được nhét đá lạnh tinh khiết vào bụng và toàn thân để bảo quản trong hầm lạnh. Loại đá dùng để ướp cá phải đảm bảo không lẫn bất cứ tạp chất nào có thể khiến mùi vị cá thay đổi.
Sau khi cá được xếp gọn trong hầm lạnh, hầm sẽ được đóng kín. Nhiệt độ của hầm phải ổn định trong khoảng -2 – 2 độ C, giúp cá tươi ngon trong 10 – 15 ngày. Thời gian này, cá ngừ sẽ được vận chuyển đến tàu dịch vụ và cập cảng phân phối cho những điểm bán khác nhau. Do lượng tiêu thụ khổng lồ, việc đánh bắt ở Nhật Bản đẩy một số loài cá ngừ, đặc biệt là cà ngừ vây xanh trước nguy cơ tuyệt chủng. Điều này khiến xứ phù tang phải tìm cách bảo vệ nguồn dự trữ loài cá này.
Năm 2014, Cục Ngư nghiệp Nhật Bản ra quyết định cắt giảm đánh bắt cá ngừ chưa trưởng thành hoàn toàn 50%, bắt đầu thực hiện từ năm 2015.
Năm 2017, Nhật Bản cũng như một số quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Canada đưa ra ý tưởng xây dựng lại nguồn dự trữ cá ngừ ở Thái Bình Dương. Kế hoạch này nhằm mục đích đến năm 2034 phục hồi trữ lượng cá ngừ đạt tới 20% so với mức trữ lượng trong lịch sử. Theo đó, mỗi quốc gia sẽ phải tuân thủ một hạn ngạch khai thác nhất định. Nếu khả năng đạt mục tiêu phục hồi nguồn lợi năm 2034 thấp dưới 60% thì các bên liên quan đồng ý giảm ngay mức sản lượng khai thác. Sau 7 năm, hạn ngạch khai thác của các nước có thể tăng lên chỉ với điều kiện có 75% khả năng đáp ứng mục tiêu mới.
Tuy nhiên, khó khăn của Nhật Bản là nước này có quá nhiều ngư dân đánh bắt nhỏ lẻ. Để giám sát việc đánh bắt vô tội vạ, Nhật Bản chia biển thành sáu vùng đánh cá, mỗi vùng được ấn định một hạn mức đánh bắt dựa trên số liệu đánh bắt trước đó. Các ngư dân có số hiệu đánh cá cá nhân. Họ phải nộp số hiệu này cho chính quyền để giám sát. Bất cứ ai bị phát hiện vượt quá hạn ngạch cho phép có thể bị đình chỉ, phạt hành chính ở mức cao và thậm chí là ngồi tù.
Ngoài ra, để hạn chế đánh bắt từ môi trường tự nhiên, Nhật Bản đẩy mạnh nuôi cá ngừ đại dương trong lồng nước. Cá con được chăm sóc trên bờ sau đó được đưa ra nuôi ở lồng khi đủ lớn. Tại các lổng nuôi, chúng được cho ăn với chế độ đặc biệt gồm bột cá, dầu cá, các loại vitamin, khoáng chất...
Chính vì những chiến lược dài hơi này, dù có giảm song sản lượng khai thác cá ngừ của ngành thủy sản Nhật Bản vẫn ở mức rất cao. Năm 2019, con số này đạt 163.000 tấn.
Giá cá ngừ Phú Yên “rẻ bèo”
Ngư dân “thủ phủ” cá ngừ đại dương Phú Yên cho biết, hiện mỗi kg cá ngừ dao động từ 90.000 – 95.000 đồng/kg. Ngay cả thời “hoàng kim”, tức là những năm 1990, mức giá cao nhất cũng chỉ tầm 200.000 đồng/kg, thua xa mức giá ở Nhật Bản.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho hay, những năm gần đây, sản lượng khai thác cá ngừ của ngư dân toản tỉnh giảm đáng kể, chỉ đạt trung bình khoảng 4.000 tấn/năm. Nguyên nhân chính là do ngư dân không mặn mà với nghề săn bắt, khi giá quá thấp so với giá trị thực.
Lý giải việc giá cá ngừ đại dương do ngư dân địa phương đánh bắt luôn thua xa so với Nhật Bản, ông Phương cho biết, nguyên nhân là do thời gian vươn khơi kéo dài cả tháng, trong khi điều kiện bảo quản cá mang tính thủ công, dẫn đến chất lượng cá không tốt. “Ở Nhật, mỗi chuyến biển diễn ra trong khoảng 2-3 ngày, thậm chí ngư dân nước bạn đánh bắt khu vực gần sẽ cập cảng ngay trong ngày. Vì vậy, chất lượng cá của họ tốt hơn mình, giá cao hơn là điều hiển nhiên. Đặc biệt, nếu muốn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản hay các nước EU, Mỹ, mỗi con cá ngừ của Phú Yên phải đạt trọng lượng trên 30kg. Lúc này, giá 1kg dao động từ 10-19 USD tùy loại”, ông Phương nói.
Để thấy sự chênh lệch “một trời một vực” khi so sánh giá cá ngừ Phú Yên và Nhật Bản, ông Phương dẫn chứng, tháng 5/2019, ngư dân địa phương câu được con cá ngừ vây xanh nặng 367kg và bán với giá 85 triệu đồng. Ông Phương khẳng định, nếu con cá này được câu và bán ở Nhật thì giá sẽ không dưới 3,5 triệu USD (khoảng hơn 70 tỷ đồng).
Chia sẻ về tình hình khai thác, xuất khẩu cá ngừ đại dương, đại diện một doanh nghiệp thủy sản có tiếng ở Phú Yên cho hay, ngoài “khai sinh” đội tàu cả trăm chiếc chuyên khai thác hải sản, hơn 10 năm nay, doanh nghiệp này còn đầu tư chế biến sản phẩm cá ngừ đại dương.
5 năm trở lại đây, công ty liên kết với hàng chục chủ tàu với mục đích tăng cường mối liên kết giữa công ty với ngư dân, qua đó đảm bảo ổn định nguồn cá ngừ nguyên liệu, nâng cao giá trị sản phẩm và giải quyết hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp với ngư dân.
Tuy nhiên, theo vị này, mặc dù ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, sản xuất sản phẩm cá ngừ đạt chất lượng ngày một cao hơn nhưng việc xuất sang thị trường nước ngoài vẫn gặp khó. Đặc biệt là vấn đề giá cả.
“Trung bình một tháng, chúng tôi xuất sang Ả Rập Xê Út 15 tấn cá ngừ đã được chế biến, đóng hộp. Nếu quy ra trọng lượng thì giá một kg cá ngừ xuất sang nước ngoài chỉ đạt xấp xỉ 20 USD. Trong khi đó, giá cá ngừ ở Nhật cao gấp 10 lần. Thời gian tới, công ty sẽ đẩy mạnh mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường tiềm năng Nhật Bản để giá trị cá ngừ Phú Yên được nâng tầm hơn”, vị đại diện công ty thủy sản chia sẻ.
Bình luận