Ford Ranger là cái tên được quan tâm nhiều nhất trong nhóm xe bán tải tại Việt Nam, mẫu xe này liên tiếp giữ ngôi vương trên bảng xếp hạng tháng của phân khúc. Kết thúc quý I/2021, Ford đã bán được 3.873 xe Ranger.
Vào tháng 3 năm nay, doanh số của Ranger đột ngột tăng trước thông tin mẫu xe này sẽ được lắp ráp trong nước thay vì nhập từ Thái Lan như trước đây. Trong tháng 2, Ford Việt Nam chỉ bán được 770 xe Ranger, tuy nhiên con số này tăng lên mức 2.171 xe vào tháng 3.
Lợi thế về trang bị, kiểu dáng
Tại Việt Nam, khách hàng mua xe bán tải không đơn thuần để mang xe đi chở hàng, đây còn là một phương tiện để di chuyển hàng ngày. Hầu hết người mua bán tải trong nước thường chọn các dòng xe cao cấp, nhiều trang bị như SUV và không quá quan tâm đến khả năng chở hàng.
Ford Ranger có lợi thế hơn các đối thủ trong nước nhờ có đến 3 tùy chọn động cơ, bao gồm TDCi 2.2L (157,7 mã lực), turbo 2.0L (177 mã lực) và bi-turbo (210 mã lực). Đa số người dùng trong nước thường chọ phiên bản trang bị động cơ turbo hoặc bi-turbo, đây cũng là những phiên bản có giá bán đắt nhất.
Về thiết kế, Ranger vẫn giữ kiểu dáng thể thao và cơ bắp suốt nhiều phiên bản. Ở đời mới nhất đang được bán trong nước, mẫu xe này cũng có những thay đổi theo hướng hầm hố hơn nhờ mặt ca-lăng chia 3 ngăn và sơn màu đen, bộ mâm màu bạc có kích cỡ 16 inch...
Để có thể thu hút được khách hàng, các mẫu bán tải khác cũng học theo phong cách của Ranger với thiết kế hiện đại và ít thực dụng hơn. Công nghệ hỗ trợ người lái trên bán tải cũng được chú ý nhiều hơn trước.
Bên cạnh sức mạnh, mẫu bán tải của thương hiệu Mỹ cũng ghi điểm với người dùng nhờ trang bị nhiều công nghệ không thua kém các mẫu SUV trung cấp, chẳng hạn như kiểm soát đổ đèo, cảnh báo lệch làn đường, hỗ trợ đỗ xe...
Cuộc đua của các đối thủ
Ngoài Ford Ranger, mẫu bán tải gây chú ý nhất là Toyota Hilux. Toyota Việt Nam khá "chịu chơi" khi trang bị cho Hilux Adventure hệ thống an toàn Toyota Safety Sense và động cơ 2.8L (201 mã lực, 500 Nm). So với Ranger, Hilux 2020 tương đồng về mặt công nghệ nhưng kém hơn đôi chút về sức mạnh động cơ.
Anh Thái Trung Dũng, người dùng Toyota Hilux, cho biết dù không mạnh như Ranger, Hilux vẫn là lựa chọn cuối cùng của anh vì nhu cầu bản thân chỉ cần một chiếc xe để đi trong phố, thỉnh thoảng cùng gia đình đi du lịch.
"Cùng giá tiền nhưng đa phần người Việt lựa chọn Ford Ranger thay vì Toyota Hilux, điều này một phần đến từ tâm lý đám đông. Cá nhân tôi nhận thấy thời điểm hiện tại nên lựa chọn Hilux, Ranger đang bán ở Việt Nam đã có tuổi đời khá lâu", anh Dũng chia sẻ thêm.
Mới đây, Isuzu cũng đã giới thiệu đến người dùng Việt thế hệ mới của D-Max với nhiều thay đổi mạnh mẽ sau 8 năm. Thiết kế bên ngoài của D-Max 2020 trông mạnh mẽ và góc cạnh hơn đời cũ, tuy nhiên nội thất vẫn còn đơn giản và có phần nhàm chán, điểm nổi bật duy nhất trong khoang lái của D-Max là màn hình giải trí 9 inch hỗ trợ Apple CarPlay/Android Auto.
Do chính sách thuế, D-Max mới chỉ được nhập về Việt Nam với duy nhất động cơ diesel 1.9L thay vì có tùy chọn động cơ 3.0L như thị trường Thái Lan. Thiếu đi sức mạnh động cơ lẫn yếu tố thương hiệu, Isuzu D-Max mới nhiều khả năng tiếp tục "chốt sổ" bảng doanh số xe bán tải hàng tháng.
Có thể thấy các mẫu bán tải khác tại Việt Nam không thua kém nhiều so với Ford Ranger về mặt công nghệ lẫn thiết kế, tuy nhiên "cái bóng" của Ranger quá lớn khiến cho những mẫu xe như Hilux hay Triton khó có thể theo kịp Ranger về mặt doanh số.
"Nếu có cơ hội mua bán tải, mình sẽ cân nhắc giữa Ford Ranger và Mitsubishi Triton nhưng nghiêng về Triton nhiều hơn với 2 lý do chính. Triton bản cao giá rẻ hơn Ranger Wildtrak 60 triệu đồng nhưng không hề thua kém về công nghệ, thiết kế phần đầu của Triton nhìn ngầu và nam tính hơn Ranger", anh Nguyễn Thanh Tuấn (Cần Thơ) cho biết.
Doanh số có thể giảm nhưng không đáng kể
Ở Việt Nam, tất cả mẫu xe bán tải đều được nhập khẩu tại Thái Lan. Ford mang Ranger về lắp ráp trong nước chắc chắn khiến cho doanh số của "ông vua" bán tải bị ảnh hưởng ít nhiều. Hầu hết người dùng Việt có tâm lý xe nhập khẩu chất lượng tốt hơn xe lắp ráp.
Khi Ford Ranger chuyển sang lắp ráp, khách hàng cũng sẽ chú ý nhiều hơn đến những cái tên như Mitsubishi Triton hay Toyota Hilux. Dù có doanh số không cao như Ranger, 2 mẫu xe vừa nêu cũng nằm trong top 3 xe bán tải bán chạy nhất tháng.
Anh Tuấn, nhân viên đại lý Ford ở TP.HCM, dự đoán doanh số của Ranger lắp ráp sẽ bằng hoặc cao hơn xe nhập khẩu do nguồn cung ổn định hơn. Về chất lượng thì không có sự khác biệt giữa xe Thái với xe Việt do lắp ráp theo quy chuẩn quốc tế.
So với xe nhập khẩu, Ranger lắp ráp sẽ có lợi thế hơn về nguồn cung thay vì phụ thuộc vào Thái Lan, điều này khá quan trọng khi dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát tốt. Hiện tại Ranger là dòng xe chủ lực của Ford Việt Nam, doanh số của mẫu xe này chiếm khoảng 65,4% tổng doanh số của Ford trong quý I/2021.
Bình luận