Sau khi âm tính, nhiều người bệnh vẫn có các biểu hiện như ho, khó thở, mất ngủ, rụng tóc… Không ít người bệnh lo lắng mình bị tái nhiễm COVID-19 hay mắc di chứng hậu COVID. Về vấn đề này, Ths.BS Kiều Xuân Thy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3 cho biết, muốn biết tái nhiễm COVID hay không, người bệnh phải xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 mới có thể khẳng định tình trạng tái nhiễm.
Trường hợp mắc hậu COVID là các triệu chứng kéo dài dù đã âm tính với virus SARS-CoV-2. Cụ thể dù đã xét nghiệm âm tính, người bệnh vẫn còn những còn triệu chứng của nhiễm COVID như mệt, ho, khó thở, rối loạn tiêu hóa, rối loạn giấc ngủ rối loạn lo âu…
Ths.BS Kiều Xuân Thy cũng nhấn mạnh, triệu chứng hậu COVID rất phong phú, đa dạng nhưng nó chỉ được khẳng định khi người bệnh có kết quả âm tính.
“Ai nhiễm COVID-19 cũng có khả năng xuất hiện di chứng của hậu COVID. Không thể nói F0 mức độ nặng, phải thở máy mới bị hậu COVID và người không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thì không bị”, Ths.BS Thy nói.
Quá trình khám bệnh, Ths.BS Thy từng gặp F0 triệu chứng rất nhẹ hoặc chỉ có biểu hiện sốt, ho thông thường. Tuy nhiên sau khi có kết quả âm tính, các di chứng hậu COVID xuất hiện nhiều và nặng nề.
Theo Ths.BS Thy, điều này phù hợp với các nghiên cứu của y học thế giới. Đó là rối loạn cơ thể do COVID gây ra có khả năng ảnh hưởng toàn bộ hệ thống, không chỉ riêng hệ hô hấp. Trước đây, chúng ta cho rằng, COVID-19 chỉ gây ảnh hưởng đến phổi hoặc tình trạng đông máu nhưng nhiều nghiên cứu, thống kê cho thấy, COVID-19 có khả năng gây tổn thương lên cơ xương khớp, ảnh hưởng da, lông, tóc, thậm chí lên cơ quan tim, gan…
Như vậy COVID có khả năng gây rối loạn lên toàn bộ hệ thống cơ thể. Hệ quả là cơ thể trở nên mệt mỏi sau khi khỏi COVID-19. Kết hợp với tâm lý căng thẳng, lo lắng khi trở thành F0, các ảnh hưởng này bị khuếch đại và gây ra nhiều triệu chứng như hụt hơi, mệt mỏi, cảm giác thiếu năng lượng hậu COVID-19.
Đáp ứng của cơ thể mỗi người với COVID khác nhau nên triệu chứng hậu COVID của mỗi người cũng rất phong phú, đa dạng. “Nên không chỉ người già, có triệu chứng COVID nặng mới bị hậu COVID, F0 có triệu chứng nhẹ cũng có thể mắc hậu COVID”, Ths.BS Thy nói thêm.
Trả lời câu hỏi, khi nào người bệnh mắc di chứng hậu COVID nên đến bệnh viện, Ths.BS Thy chia sẻ, người bệnh âm tính nhưng vẫn có các triệu chứng ho, khó thở… khi ở nhà không cảm thấy an toàn với triệu chứng đó nên nhập viện. Với người mắc rối loạn giấc ngủ, nếu bạn cảm thấy ở nhà có thể điều trị, cải thiện được thì có thể ở nhà. Trường hợp áp dụng nhiều biện pháp nhưng không có kết quả, liên tục nhiều đêm mất ngủ, lo lắng mệt mỏi, người bệnh nên nhập viện.
“Tiêu chuẩn nhập viện với hậu COVID không cụ thể. Chủ yếu, triệu chứng gây khó chịu với người bệnh đến mức nào, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống ra sao, bác sĩ phải thăm khám, đánh giá mới có thể khuyên người bệnh nhập viện hay không”, Ths.BS Thy nói thêm.
Ths.BS Thy cũng nhấn mạnh, sau khi có kết quả âm tính, xuất hiện các triệu chứng như ho, sốt, mệt mỏi… người bệnh phải làm các xét nghiệm để loại trừ bệnh lý thực thể trước. Khi nào thực thể không có bệnh, mới có thể chẩn đoán di chứng hậu COVID.
BS Trương Hữu Khanh, Cố vấn chuyên môn Khoa Nhiễm Khuẩn - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cũng cho rằng, xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, khó thở, đau đầu…sau khi khỏi COVID-19 không phải đều là do hậu COVID-19. Có thể nó là dấu hiệu của các bệnh lý khác nhưng bị nhầm lẫn thành hậu COVID-19.
Theo BS Khanh, sau khi khỏi COVID-19, nếu xuất hiện các triệu chứng, người bệnh nên đi khám để có kết luận chính xác, phòng việc bị nhầm lẫn triệu chứng giữa các bệnh.
Với người không có triệu chứng hoặc vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường sau khỏi bệnh không cần đi khám hậu COVID. Theo bác sĩ, sau một trận ốm hoặc hậu sinh đẻ thì xuất hiện tình trạng mệt mỏi kéo dài, ho, sốt, đau nhức người, rụng tóc... rất thường gặp, không nghiêm trọng.
Đối với các triệu chứng nặng thở, đau nhức tay chân, nặng tim, hồi hộp đánh trống ngực, BS Khanh cho rằng chỉ có thể tập vật lý trị liệu và tập thở. Những người bị xơ phổi nhẹ cũng tương tự. Những người bị rụng tóc có thể bổ sung kẽm, vitamin nhóm B. Với triệu chứng bị mất khứu giác sau COVID, người bệnh có thể tập luyện bằng cách luyện tập, ngửi các mùi đặc trưng như vỏ chanh, cam, tinh dầu… nhằm lấy lại khứu giác. Tuy nhiên việc lấy lại khứu giác của mỗi người là khác nhau vì vậy cần kiên trì, không nóng vội.
Với người bệnh nếu thở nặng nhọc, đau nhức tay chân, rụng tóc, hồi hộp, đánh trống ngực... có thể tự điều trị bằng các bài tập vật lý trị liệu và tập thở tại nhà. Đồng thời, dinh dưỡng cũng là vấn đề cần chú trọng để hồi phục sức khỏe sau khi mắc COVID.
Bác sĩ đưa ra lời khuyên người dân hãy đi khám hậu COVID-19 khi đã khỏi bệnh và phải có triệu chứng. Người dân cũng nên khám sức khỏe tổng quát định kỳ 6 tháng/lần dù không bị hậu COVID-19.
Bình luận