Giới chuyên gia nhận định: "EVN đã là độc quyền thì luôn được lợi", vậy liệu đây có phải là nguyên nhân khiến ông lớn này luôn đòi tăng giá điện?
"Độc quyền luôn có lợi"
Trong hội nghị tổng kết hoạt động năm 2013 và triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm 2014, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đặt ra mục tiêu năm 2014 tiếp tục có lãi, đồng thời kiến nghị Chính phủ tiếp tục cho điều chỉnh giá bán điện.
EVN lại sắp tăng giá bán điện trong năm 2014. |
Theo đó, giá bán điện bình quân năm 2014 sẽ tăng lên 1.533,09 đồng/kWh, tăng thêm ít nhất 34 đồng/kWh. Nếu tính trên tổng sản lượng điện thương phẩm trong năm 2014 dự kiến đạt 126,5 tỷ kWh, EVN sẽ có thêm hơn 4.300 tỷ đồng doanh thu nhờ việc tăng giá điện này. Cùng với đó, EVN cũng đặt ra mục tiêu trả được nợ gốc và lãi vay gần 33.000 tỷ đồng trong năm 2014.
Trao đổi với Kiến Thức về kiến nghị tăng giá điện của EVN, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương cho biết: Việc EVN tăng giá điện chắc chắn sẽ gây ra nhiều khó khăn cho đời sống của người dân, doanh nghiệp và có thể sẽ khiến CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tăng mạnh trong những năm tới.
Việc EVN tăng giá bán điện có thể lý giải bằng việc tập đoàn này đang so sánh giá bán trong nước với giá thế giới. Nếu tính theo đồng USD thì EVN cho rằng giá bán điện trong nước vẫn ở mức thấp, vì thế cần tăng giá bán lẻ điện.
"Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi lần tăng giá điện của EVN đều khiến người dân rất ngỡ ngàng và bức xúc. Bởi lẽ, một mặt tập đoàn này vẫn công bố doanh thu khổng lồ trong từng năm, mặt khác vẫn "đòi" tăng giá bán điện để bù lại khoản lỗ cho những hoạt động khác", TS Doanh nhận định.
Với tư cách là một người tiêu dùng, TS Doanh cho rằng, ngành điện nên có những buổi gặp mặt với người dân để lắng nghe những tâm tư của họ và cũng để người dân hiểu tường tận về hoạt động của ngành điện.
EVN cũng nên công khai các chi phí về cơ cấu giá thành điện, làm rõ những nỗ lực của ngành điện trong việc đảm bảo điện cho người dân cũng như công bố mức lương, doanh thu... để các hiệp hội chuyên nghiệp về năng lượng có thể đánh giá và giám sát được hoạt động của ngành. Đây cũng là một trong những cách làm tăng thêm sự đồng thuận của người dân trong việc tăng giá bán lẻ điện.
TS Lê Đăng Doanh nhận định rằng, trong những năm tới giá bán điện vẫn tiếp tục tăng theo cấp lũy tiến, người dân vẫn phải chấp nhận.
"Không thể hạn chế được việc EVN tăng giá bán điện bởi lẽ nếu đầu tư cho ngành điện giảm sút thì tình trạng mất điện sẽ diễn ra, gây khó khăn cho người dân", ông Doanh nói.
Còn theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (thuộc Bộ Tài chính): Vì ngành điện là ngành độc quyền nên Nhà nước luôn phải kiểm soát việc tăng giá bán điện của EVN. Các cơ quan chức năng cần có lộ trình kiểm tra và giám sát việc sản xuất cũng như kinh doanh điện của tập đoàn này. Các khoản lỗ, lãi cần được công khai rõ ràng cùng với các nguyên nhân, từ đó đưa ra chi phí giá thành cho hợp lý. Việc EVN đưa ra các nguyên nhân dẫn tới các khoản lỗ trong đó có việc đầu tư xây dựng sân gôn, biệt thự... là khó có thể chấp nhận được.
EVN đã là độc quyền thì luôn được lợi. Cái lợi đó được tích lũy từ số tiền chi trả cho việc sử dụng điện của người dân. Nhưng việc một tập đoàn hưởng lợi, trong khi người dân chịu thiệt là điều không hay, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.
"Ông lớn" EVN nói gì?
Trong các nguyên nhân EVN đưa ra, lại một lần nữa tập đoàn này cho rằng việc tham gia thực hiện trách nhiệm xã hội đã làm tăng lỗ của tập đoàn. Theo đó, việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn ở 179 xã, bán điện trực tiếp đến hơn 200.000 hộ, giá bán điện bình quân tăng từng khu vực từ 200 - 300 đồng/kWh đã đóng góp nâng giá bán điện bình quân của tập đoàn này.
Theo báo cáo của EVN, giá bán điện bình quân toàn EVN năm 2013 ước đạt 1.498,8 đồng/kWh, tăng 134,5 đồng/kWh so với năm 2012. Trong đó, giá bán điện bình quân của 5 tổng công ty điện lực là 1.497,32 đồng/kWh, tăng 6,22 đồng/kWh so với kế hoạch điều chỉnh của năm 2013 (1.491 đồng/kWh).
Trước kiến nghị tăng giá bán điện của EVN, tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2013 và triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm 2014 của EVN, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ: Giá điện ở Việt Nam hiện nay không còn được coi là giá rẻ nữa. Đã đến lúc toàn ngành cần quán triệt, bên cạnh việc định hướng tất yếu theo giá thị trường, ngành cần tập trung cho việc tái cơ cấu đầu tư, doanh nghiệp theo hướng tối ưu, mục tiêu bao trùm là hướng tới khách hàng, khách hàng cần những dịch vụ tương xứng với một giá điện cạnh tranh, minh bạch. Từng đơn vị phải công bố hằng năm về việc nâng cao giá trị công tác dịch vụ. Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố minh bạch toàn bộ số liệu đến với người tiêu dùng.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định 69 quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân của EVN, có hiệu lực từ ngày 10/1/2014.
Theo đó, thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá điện tối thiểu là 6 tháng, nới rộng so với biên độ 3 tháng hiện nay, đồng nghĩa với việc mỗi năm chỉ được điều chỉnh tối đa 2 lần, thay cho mức 4 lần. Khi các thông số đầu vào như tỷ giá, giá nhiên liệu... biến động khiến giá điện cơ sở cao hơn mức giá hiện hành từ 7 - 10%, EVN được phép tăng ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công thương chấp thuận.
Nếu tăng từ 10% trở lên hoặc ngoài khung giá quy định, EVN sẽ phải lập hồ sơ phương án giá, báo cáo Bộ Công thương và gửi Bộ Tài chính để thẩm định. Sau khi tổng hợp ý kiến, hai bộ sẽ trình Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.
Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ thì giá bán lẻ điện năm 2013 - 2015 từ 1.347 đồng/kWh đến 1.835 đồng/kWh. Có nghĩa vào năm 2015, giá điện có thể tăng tới 21,6% với mức trung bình mỗi năm sẽ tăng hơn 10% giá điện.
Theo Kiến thức
Bình luận