• Zalo

Vì sao ế tiền, ngân hàng vẫn dùng ô tô 'câu' vốn?

Kinh tếThứ Ba, 09/04/2013 07:43:00 +07:00Google News

(VTC News) - Người dân đang đặt ra câu hỏi lớn về nghịch lý các ngân hàng dù đang ế tiền nhưng vẫn dùng các loại ô tô sang để “câu” vốn từ trong dân.

(VTC News) - Người dân đang đặt ra câu hỏi lớn về nghịch lý các ngân hàng dù đang ế tiền nhưng vẫn dùng các loại ô tô sang để “câu” vốn từ trong dân.

Trả lời phỏng vấn PV VTC News, Ts Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho biết:

Ts Nguyễn Trí Hiếu 
Ế tiền ở đây theo nghĩa tiền huy động tăng rất tốt. Các ngân hàng hấp thụ được vốn huy động từ doanh nghiệp và cư dân rất tốt. Trong khi đó, đầu ra không có.

Đáng lý ra dòng tiền phải có cả hai chiều chảy vào và chảy ra nhưng hiện tại ở Việt Nam, dòng tiền chảy vào rồi ứ đọng, không chảy ra nhiều nên gây ra tình trạng ế.

Để giải quyết tình trạng này, nhiều ngân hàng đã mua trái phiếu chính phủ. Trái phiếu chính phủ có lãi suất tương đối cao. Hệ số rủi ro của trái phiếu chính phủ ở Việt Nam gần như bằng 0. Vì vậy, nó là loại tài sản sinh lời tốt và có tính an toàn cao.

Đó là lý do các ngân hàng mặc dầu đầu ra cho vay không nhiều  nhưng họ tìm được đầu ra là trái phiếu chính phủ.

- Liệu lãi suất của trái phiếu chính phủ có cao hơn lãi suất huy động để ngân hàng làm như vậy hay không thưa ông?

Có nhiều lãi suất chính phủ cao hơn lãi suất huy động một chút. Cũng có nhiều loại có lãi suất thấp hơn một chút. Nhưng thà rằng thay vì cứ để tiền tại két và trả lãi cho khách hàng, ngân hàng có một đầu ra là trái phiếu chính phủ cũng tốt rồi.

Thêm vào đó, ngân hàng hoạt động có những dịch vụ sinh ra phí. Thành ra trong lúc này, tạm thời họ có thể tìm đến trái phiếu chính phủ như “bãi đậu xe” của họ.

 
Cho vay ra đang bế tắc vì trong trong nền kinh tế đang khó khăn như thế này, sức khỏe của doanh nghiệp rất yếu.
 
Nhưng về lâu về dài đây là điều bất hợp lý vì chức năng của ngân hàng không phải giúp Chính phủ mà chức năng của ngân hàng là giúp nền kinh tế, giúp sản xuất.

Khi hấp thụ vốn nhàn rỗi của dân chúng, ngân hàng có mục tiêu là đẩy ra bằng tín dụng cho các doanh nghiệp chứ không phải giúp Chính phủ. Trường hợp này đúng là ngân hàng đang giúp Chính phủ.

Điều đó là lệch pha, không đúng với chức năng truyền thống của ngân hàng thương mại. Trong ngắn hạn, đây là cách tháo gỡ khó khăn của ngân hàng nhưng về lâu dài ngân hàng không thể cứ dùng tiền của dân chúng để đầu tư vào Chính phủ. Chính phủ có nguồn tài trợ riêng của họ. Nguồn chính là thuế, đánh thuế vào người dân. Tiền đó đi vào ngân sách của Chính phủ. Chính phủ dùng tiền đó tài trợ cho chi phí công

Bây giờ lấy tiền của dân chúng qua hệ thống ngân hàng để tài trợ cho chi phí công là điều bất hợp lý, làm mất cân đối kinh tế vĩ mô. Về ngắn hạn, có thể chấp nhận được điều này nhưng  về dài hạn thì không.

- Ý ông là về dài hạn ngân hàng cần đẩy mạnh cho vay ra?

Về dài hạn, các ngân hàng phải cho vay ra. Cứ tiền vào mà không cho vay mà đầu tư vào Chính phủ là điều bất hợp lý.

Lãi suất huy động có điều kiện giảm xuống 7% 
- Nhưng hiện tại, việc cho vay ra của các ngân hàng đang gặp bế tắc thưa ông?

Cho vay ra đang bế tắc vì trong trong nền kinh tế đang khó khăn như thế này, sức khỏe của doanh nghiệp rất yếu.

Vì sức khỏe doanh nghiệp yếu nên ngân hàng không dám cho vay ra, họ rất cẩn trọng. Mặt khác, nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng đang rất cao thành ra họ hầu như chùn tay khi cho vay. Vì vậy tín dụng bị tắc nghẽn.

- Chính phủ vừa có yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sớm hạ lãi suất. Theo ông điều này có khả thi hay không?

Việc hạ lãi suất sẽ tháo gỡ được khó khăn phần nào cho doanh nghiệp và nền kinh tế nhưng đó không phải cách giải quyết tối hậu được. Khi lãi suất cho vay hạ xuống dĩ nhiên giúp nhiều cho các doanh nghiệp giảm chi phí vốn. Nhưng nó chỉ giúp cho các doanh nghiệp hiện tại đang hoạt động tốt và cầm cự được. Nó không giúp cho các doanh nghiệp sức khỏe yếu kém, không vay được.

Vì vậy, bây giờ đối với các doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn thì Chính phủ cho lãi suất bằng 0 thì cũng không giúp gì được cho họ vì họ có tiếp cận được nguồn tín dụng đâu. Thành ra, hạ lãi suất là điều cần thiết giúp các doanh nghiệp giảm chi phí vốn nhưng nó không phải là cách giải quyết cho bài toán.

- Theo ông, liệu lãi suất huy động có tiếp tục giảm được nữa hay không?

Theo tôi, lãi suất huy động nên giảm thêm  0,5% nữa, xuống còn 7%. Thực ra, chúng ta có thể giảm lãi suất xuống được vì hiện tại lạm phát của Việt Nam hình như đang được kiểm soát khá tốt.

Nếu lạm phát từ nay đến cuối năm theo tôi có thể là 7%-8%. Mà nguyên tắc nếu lạm phát đạt 7%-8% thì lãi suất phải động cần cộng thêm 1%. Như vậy, lãi suất sẽ đạt khoảng 8%-9% để có lãi suất thực dương.

Nhưng tại nhiều nền kinh tế trong một vài thời điểm nếu cần thiết, lãi suất huy động có thể là lãi suất thực âm, nghĩa là thấp hơn cả tỷ lệ lạm phát. Hình như thời điểm này là lúc chúng ta cần đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nên chúng ta cần chấp nhận lãi suất thực âm, âm khoảng 1%.

Nếu lạm phát đạt 7%-8%, chúng ta có thể chấp nhận được lãi suất huy động 7%, mà hiện tại là 7,5%. Chúng ta có cơ sở và điều kiện cần thiết hạ lãi suất huy động xuống 7%.

Cám ơn ông!

Thanh Hà

Bình luận
vtcnews.vn