Ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam phân tích nguyên nhân vỡ đường ống dẫn nước sông Đà.
Chưa đầy 3 năm đưa vào sử dụng, những ngày vừa qua người dân Hà Nội lại phải chịu cảnh lần thứ 13 vỡ đường ống nước sông Đà, và khả năng đây chưa phải là con số cuối cùng. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam để làm rõ nguyên nhân.
- Thưa ông, dư luận đang bức xúc vì đường ống dẫn nước sông Đà liên tục xảy ra sự cố, mới đây nhất là vỡ lần thứ 13. Vậy, theo ông đâu là nguyên nhân khiến đường ống nước sông Đà lại vỡ nhiều lần đến như vậy?
Thứ nhất là người ta cho nguyên nhân là tại nền đất chỗ đặt đường ống không tốt. Điều này cũng có thể nhưng tại sao lại làm mãi mà không gia cố?
Nguyên nhân quan trọng hơn là cường độ của ống không chịu nổi áp lực lớn, bởi ống này là ống nhựa gia cố sợi thủy tinh - là một công nghệ tương đối mới, nhưng không hiểu nó chịu áp lực là bao nhiêu.
Ông Phạm Sỹ Liêm |
Để phân tích chính xác nguyên nhân vỡ đường ống nước sông Đà thì Bộ Xây dựng phải có trách nhiệm. Nếu nguyên nhân do ống thì phải thay chứ không thể hỏng đâu sửa đấy. Bởi vì hỏng đâu sửa đấy thì nó lại tiếp tục hỏng bởi các ống khác cùng chất liệu cả. Trong khi chưa có đường ống thứ hai thì phải luôn luôn túc trực sẵn sàng cho mọi hư hỏng tiếp theo, không phải 13 lần mà có thể 30 lần hay nhiều hơn nữa.
Thứ hai, cần giảm áp suất nước ở trong đường ống. Nếu giảm được áp suất đường ống thì tất nhiên nước chảy về chậm hơn và ít hơn. Thế nhưng như thế còn có thể đảm bảo sự liên tục.
Tôi nghĩ, Bộ Xây dựng và thành phố Hà Nội nên có những giải pháp rõ ràng hơn. Nếu còn tiếp tục hỏng 14 lần, 15 lần ... thì nhân dân rất hoang mang. Tôi nghĩ rằng vẫn còn xảy ra vỡ nữa. Vấn đề là chuẩn bị sẵn sàng lúc nào xảy ra là phải sửa ngay và có giải pháp khắc phục thật nhanh.
Video: Hà Nội mất nước nghiêm trọng
Việc xây dựng đường ống dẫn nước sông Đà của Tổng Công ty Vinaconex là rất tốt, đáng hoan nghênh. Thế nhưng những sai lầm trong kĩ thuật thì phải chịu trách nhiệm.
Trách nhiệm thứ nhất là phải khắc phục thật nhanh. Thứ hai là phải có lực lượng thường trực, sẵn sàng ứng phó mọi sự cố, xử lý thật nhanh.
Ví dụ, giới hạn trong khoảng thời gian bao nhiêu, trong mấy tiếng đồng hồ là phải khắc phục xong sự cố vỡ đường ống nước sông Đà. Cần có thợ giỏi, trang thiết bị kĩ thuật đầy đủ, vật liệu thay thế sẵn sàng.
Còn trách nhiệm tiếp theo, tôi cho rằng, thành phố Hà Nội từ nay về sau có nên sử dụng lực lượng này nữa hay không? Việc đó cũng rất quan trọng.
- Theo ông, thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan cần rút ra kinh nghiệm gì trong việc làm các đường ống dẫn nước tiếp theo?
Bây giờ thành phố đang đôn đốc việc xây dựng đường ống thứ hai. Tôi cũng không rõ đường ống thứ hai dùng loại ống gì, nhưng chắc là phải dùng loại ống khác để đảm bảo, chứ nếu vẫn dùng loại ống nhựa gia cố sợi thủy tinh là không được.
Tôi có thể khẳng định loại ống này không phù hợp, dù đã làm một nhà máy để sản xuất loại ống đó.
Vì vậy, phải thay bằng loại ống khác đảm bảo, mà tôi nghĩ có lẽ dùng ống thép, ống gang… Ống thép thì cần phải có chống gỉ. Từ việc này cần phải rút ra quy định thi công và kiểm tra nghiêm ngặt hơn nữa./.
- Vâng, xin cảm ơn ông!
Nguồn: VOV
Bình luận