Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học với 408 đại biểu tán thành (chiếm 84,12%). Trong đó có quy định không phân biệt về giá trị văn bằng do các hình thức đào tạo khác nhau, nghĩa là bằng hệ đào tạo đại học chính quy có giá trị như bằng tại chức, văn bằng 2, liên thông, từ xa.
Dù Quốc hội đã thông qua nhưng nhiều ý kiến của giáo viên, người tuyển dụng lo lắng về chất lượng có sự khác biệt giữa các trường ở các hệ đào tạo hiện nay.
Theo thạc sĩ Đỗ Văn Nghĩa (Trường Trung cấp Âu Lạc Huế), trên lý thuyết, các hình thức đào tạo chính quy và tại chức đều phải xây dựng khung chương trình đào tạo chi tiết, bài bản, khoa học theo quy định của Luật giáo dục và các luật có liên quan.
Hơn nữa, ở thời điểm kinh tế thị trường hiện nay, các đơn vị, doanh nghiệp đã và đang hướng đến tuyển dụng lao động “làm được việc”, nên theo ông Nghĩa, hình thức đào tạo hay thậm chí các bậc đào tạo (trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học) không còn quan trọng.
"Bỏ đi sự phân biệt này cùng với định hướng tự chủ của nhà nước và sự chuyển dịch người học chuyên nghiệp (từ học để làm thầy sang học để làm thợ) sẽ tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt nhưng cần thiết cho sự phát triển", ông Nghĩa nói.
Nhưng theo ông sự lo lắng của xã hội về quy định trên không phải không có căn cứ. Ông Nghĩa đưa ra 5 lý do vì sao dư luận chưa hài lòng khi giá trị bằng tại chức và chính quy ngang nhau.
Thứ nhất, xét từ góc độ tâm lý, phần lớn người học theo hình thức tại chức là người trong độ tuổi lao động, hoạt động chủ đạo của họ là lao động, cùng với đó là công việc hiện tại, cuộc sống mưu sinh. Điều này làm phân tán khả năng tập trung chú ý, dẫn đến hạn chế trong việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng mới hay chính xác hơn là hiệu quả học tập không cao.
Thứ hai, chất lượng đầu vào chênh lệch. Thực chất, giáo dục tại chức bắt nguồn từ chính sách tạo điều kiện cho những người tham gia chiến tranh có cơ hội học tập, hoàn thiện bản thân sau khi giải phóng đất nước. Nhưng, đến nay, hệ tại chức chủ yếu dành cho những người đi làm có nhu cầu “bổ túc bằng cấp” hoặc những học sinh học kém không đủ khả năng thi đậu đại học chính quy.
Thứ ba, khung chương trình đào tạo của tại chức chỉ bằng khoảng 60 - 80% so với chính quy. Quá trình quản lý còn buông lỏng khiến chất lượng đào tạo tại chức có sự chênh lệch nhiều với chính quy.
Thứ tư, có nhiều chương trình đào tạo tại chức được thực hiện dồn dập vào thứ 7, chủ nhật hoặc tập trung học trong một thời điểm nhất định. Việc “nhồi nhét” kiến thức này chắc chắn khó mang lại hiệu quả cao.
Thứ năm, nhiều đơn vị đào tạo hiện nay gặp khó trong tuyển sinh người học chính quy, vì vậy, giáo dục tại chức hay vừa học vừa làm được xem là “cứu cánh” cho các đơn vị và giáo viên. Do đó không tránh khỏi tâm lý “học cho có” của người dạy, người học và đơn vị giáo dục.
"Vì rất nhiều những điểm “chênh” mang ưu thế về phía giáo dục chính quy, cùng với sự thiếu tường minh trong việc phân biệt giáo dục tại chức và giáo dục chính quy, đặc biệt trong quản lý của giáo dục tại chức khiến dư luận chưa thể hài lòng khi xếp hai hình thức đào tạo này ngang hàng nhau", ông Nghĩa nói.
Bộ Giáo dục cần siết chặt chất lượng giáo dục của từng trường
Theo một tiến sĩ giảng dạy tại Đại học Bách khoa Hà Nội, về nguyên tắc bằng đại học được coi là đạt trình độ học vị nhất định không phụ thuộc vào địa lý, phương thức hay loại hình đào tạo.
Nghĩa là bằng đại học từ xa cũng là bằng đại học, bằng đại học Harvard cũng được coi ngang bằng học vị với bằng ở trường nào đó trong nước, và đương nhiên bằng đại học tại chức cũng được cọi như có cùng giá trị về mặt học vị như bằng đại học chính quy đào tạo tập trung dài hạn.
"Quan trọng là phải đảm bảo chuẩn đầu ra của đại học, bởi theo chuẩn đầu ra để có bằng đại học thì người học phải đạt chuẩn về kiến thức hay kỹ năng nhất định", tiến sĩ này nói.
Điều khiến vị này lo lắng là về chất lượng đào tạo hệ tại chức tại các cơ sở giáo dục. Thực tế ở các trường có đào tạo hệ tại chức hoặc trung cấp việc đào tạo đảm bảo chuẩn đầu ra với các hệ này đang bị buông lỏng, sinh viên đi học chủ yếu với mục đích để lấy bằng.
"Bộ Giáo dục cùng các trường nên có biện pháp quản lý nâng cao chất lượng đào tạo hệ tại chức, đảm bảo chất lượng đạt chuẩn đầu ra như đối với hệ đại học chính quy tập trung dài hạn", vị này nói.
Ở vai trò là người tuyển dụng, chị Nguyễn Thị Huệ, Trưởng phòng nhân sự một Công ty truyền thông cho biết, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân thường không quan tâm quá nhiều tới bằng cấp của người lao động. Thứ họ quan tâm nhất chính là hiệu quả công việc, giá trị công việc mà người lao động đó mang lại cho công ty mình.
Việc không phân biệt giá trị văn bằng đại học chính quy với cá hệ khác, theo chị Huệ là chưa phù hợp với điều kiện Việt Nam, nhất là khi chất lượng đào tạo hệ tại chức và chính quy ở Việt Nam đang khác xa nhau. Việc tuyển sinh hệ tại chức hoặc một số hệ đào tạo không chính quy khác khá dễ dàng, hầu hết là các bạn học sinh sau khi không đỗ đại học mới vào tại chức nên chất lượng không thể bằng chính quy.
"Đó cũng là lý do chúng tôi thường không ưu tiên tuyển dụng những nhân sự học hệ không chính quy ra. Yếu tố tối thiểu trong hồ sơ để được thông qua tuyển dụng đó phải tốt nghiệp đại học chính quy", chị Huệ nói.
"Việc không phân biệt bằng chính quy và tại chức vô tình sẽ cào bằng chất lượng đào tạo, người lao động sẽ có nhiều cơ hội tìm việc hơn, chúng tôi cũng sẽ có nhiều lựa chọn hơn nhưng sự đào thải và cuộc chiến tranh giành công việc sẽ khốc liệt hơn rất nhiều", chị Huệ nói thêm.
Theo chị Huệ, để việc không phân biệt giá trị văn bằng đại học chính quy và tại chức có ý nghĩa, Bộ nên kiểm tra chặt chất lượng giáo dục từng trường, chất lượng đầu ra từng trường, hạn chế tình trạng gian lận thi cử, học hộ, học cho có, đề thi quá dễ, mua điểm.
Bình luận