Tại cuộc họp ngày 8/12, ông Hòa cho biết thêm, UBND TP.HCM đã chấp thuận kiến nghị lùi thời hạn triển khai đề án nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng smartphone đến ngày 16/12 thay vì từ ngày 10/12 như dự kiến.
Ngoài ra, việc kiểm tra này cũng chỉ thực hiện được ở kênh phân phối hiện đại là hệ thống các siêu thị, thay vì ở cả kênh phân phối truyền thống gồm hai chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn; 4 chợ lẻ Hòa Bình, Thái Bình, Bến Thành, An Đông như kế hoạch ban đầu.
Ở các kênh phân phối truyền thống, thời gian thực hiện có thể là 2-3 tuần, sau khi hoàn thiện việc thực hiện ở kênh phân phối hiện đại.
Cũng theo ông Hòa, việc kéo dài thời gian chuẩn bị triển khai đề án là do trong quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ, phạm vi chương trình.
Cụ thể, chủ thể tham gia chương trình không kịp trang bị máy móc thiết bị phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc, chưa vận động được hết thương lái cùng tham gia; việc đăng ký sim để vận hành 131 máy đọc chuyên dụng cũng gặp khó khăn bởi quy định về sim rác và chi phí duy trì sim; các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mặc dù đồng tình nhưng vẫn mang tâm lý chờ xem kết quả.
Hiện tại, đã có 18 cơ sở giết mổ, 60 cơ sở, doanh nghiệp với 1.000 trang trại tham gia chương trình, với sản lượng cung ứng tối đa là 10.000 con/ngày, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho thị trường TP.HCM.
Ông Hòa cho biết: “Các tỉnh miền Đông Nam Bộ chủ yếu chăn nuôi công nghiệp nên phối hợp tham gia chương trình khá tốt. Ở khu vực miền Tây Nam Bộ, Long An là tỉnh trọng điểm của đề án vì ngoài các trang trại chăn nuôi của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì các trang trại chăn nuôi gia công cũng đã đăng ký tham gia”.
Ông Hòa cũng nêu rõ, theo tính toán, sau khi tham gia dự án truy xuất nguồn gốc giá mỗi ký thịt heo sẽ tăng khoảng 200 đồng. Ở giai đoạn này, giá thịt heo gắn vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc không thay đổi so với thịt heo thông thường. Tuy nhiên, sau này tất yếu thị trường sẽ hình thành hai giá bán tương ứng với nguồn thịt gồm có truy xuất và không truy xuất nguồn gốc.
Như vậy, từ ngày 16/12, người tiêu dùng có thể mua thịt heo nằm trong dự án truy xuất nguồn gốc tại 346 điểm bán và cơ sở kinh doanh gồm: 33 siêu thị Co.opMart, Co.opExtra; 2 siêu thị SatraMart; 108 cửa hàng Co.opFood; 95 cửa hàng thực phẩm tiện lợi SatraFoods; 47 cửa hàng Vissan; 21 siêu thị thuộc hệ thống siêu thị Big C; 4 siêu thị LotteMart…
Hai kênh phân phối hiện đại là VinMart và Metro hiện chưa đăng ký tham gia. Sở Công Thương đang có kế hoạch làm việc với hai hệ thống này để trong thời gian sớm nhất các kênh phân phối hiện đại đều cung ứng thịt heo có truy xuất nguồn gốc.
Tất cả điểm bán này đã được sơ đồ hóa trên phần mềm truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng sau khi tải phần mềm vào smartphone có thể dễ dàng tìm kiếm điểm bán trên ứng dụng đó. Người tiêu dùng có thể kiểm tra nguồn gốc thịt bằng cách tải ứng dụng miễn phí Te-food trên www.te-food.com vào smartphone hay sử dụng máy kiểm tra đặt tại siêu thị.
Video: 700kg thịt heo không rõ nguồn gốc sắp đưa lên bàn nhậu
Bình luận