Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty May mặc Dony (TP.HCM), cho hay, đơn hàng của doanh nghiệp (DN) hiện trong tình trạng… ít đều, và DN đang dần thích ứng với tình trạng này.
Doanh nghiệp ngại vay vốn
“Giai đoạn quý 4/2022, tình trạng sụt giảm đơn hàng may mặc xảy ra khá bất ngờ nên DN bị sốc. Tuy nhiên, từ đó đến nay thì đơn hàng vẫn ít như vậy nên DN buộc phải thích nghi với khó khăn này. Hiện, nếu tính về đơn hàng xuất khẩu thì thời điểm này đang sụt giảm khoảng 70% so với cùng kỳ năm trước”, CEO Dony lý giải.
Về tình hình vay vốn, theo chia sẻ của ông Phạm Quang Anh, nếu thời gian trước dù Dony có muốn vay với lãi suất cao thì các ngân hàng cũng không thể cho vay vì cạn room. Hiện nay tình hình khác hẳn, thủ tục vay và việc giải ngân rất nhanh, dễ dàng. Lãi suất cũng giảm hơn so với thời gian trước, chỉ còn khoảng 10,5%. Tuy nhiên, hiện công ty không dám vay.
“Chúng tôi không dám vay, thậm chí còn đang tìm cách bán bớt tài sản để trả bớt nợ cho ngân hàng. Bởi, trong tình trạng khó khăn như hiện nay, DN phải tìm cách tiết giảm nhiều chi phí, trong đó chi phí lãi vay ngân hàng là gánh nặng rất lớn”, ông Quang Anh nói thêm.
Tương tự, bà Lâm Thúy Ái, Chủ tịch HĐTV Công ty Sản xuất - Thương mại MEBIPHA (TP.HCM), cho hay, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, do sức mua trên thị trường yếu nên các DN phải tính toán có nên vay ngân hàng hay không bởi áp lực trả nợ rất lớn.
“Không phải DN không cần tiền, mà do họ tiếp cận tín dụng với mức lãi suất cao nên không dám vay”, bà Ái nói.
Bà Nguyễn Thị Kim Hương, Giám đốc Công ty TNHH Quảng cáo và Truyền thông Tâm Anh (TP.HCM), cũng nhấn mạnh rằng, mức lãi suất trên 10,5% như hiện nay vẫn là "quá hớp" với các DN.
"Hiện nhiều ngân hàng đang chào lãi suất từ 10,5% -11,5% nên nếu có nhu cầu thì chúng tôi chỉ vay khoản nhỏ để cầm cự chứ chẳng dám vay nhiều để mở rộng sản xuất", bà Hương nói.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết, các DN tại thành phố đang rất khó khăn do thiếu vốn nhưng không dám vay vì lãi quá cao.
“Các ngành sản xuất chủ lực đều xuất khẩu sụt giảm. Nhiều DN không có nhu cầu vay để sản xuất kinh doanh mà có nhu cầu vay để cầm cự. Đặc biệt, dù DN cần dòng vốn cho đầu tư dài hạn nhưng với lãi suất trên 10% thì không có DN nào dám vay chứ không phải ngân hàng không cho vay", ông Hòa chia sẻ.
Kiến nghị giảm lãi suất về 7% - 8%
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, cho hay, trong lần làm việc mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với TP.HCM, các DN ngành thực phẩm đã kiến nghị giảm lãi suất điều hành thêm 0,5% để tháo gỡ khó khăn cho DN.
“Mới đây chúng tôi được nghe thông tin NHNN đã hạ lãi suất điều hành thêm 0,5% theo đúng kỳ vọng của các DN, và chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực của NHNN để tháo gỡ khó khăn cho DN. Đây là động thái rất quyết liệt của NHNN trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ. Chúng tôi rất mong muốn các ngân hàng thương mại từ động thái này sẽ tiếp tục hạ lãi suất cho vay để gỡ khó cho các DN trong giai đoạn hiện nay”, bà Lý Kim Chi nói.
Cũng theo bà Kim Chi, với các ngành sản xuất kinh doanh, đặc biệt ngành chế biến thực phẩm trong suốt thời gian qua rất khó khăn. Ở thị trường nội địa, sức mua yếu, thị trường xuất khẩu lại sụt giảm. Trong khi lãi suất ngân hàng vẫn rất cao khiến DN càng thêm chật vật.
Theo Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, các DN hiện đang phải tự thân vận động, phải đề ra hàng loạt phương án tiết kiệm, điều chỉnh logistics, số hóa… để chiều chỉnh giá thành, tăng sức mua nội địa, đồng thời kết hợp với Sở Công Thương TP.HCM để tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá, kích cầu thị trường… Tuy nhiên, mong muốn của DN sản xuất hiện nay là lãi suất vay có thể kéo giảm thêm nữa để hỗ trợ tốt cho quá trình phục hồi.
“Giờ này năm ngoái, đơn hàng chúng tôi làm không kịp. Nhưng năm nay thì ‘hẻo quá’. Nói chung, các DN dệt may nói chung và Dony nói riêng hiện đang trong tâm lý ‘phòng thủ’ là chính khi tình hình chung của ngành dệt may trong và ngoài nước đang rất khó khăn”, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty May mặc Dony, nói.
“Thời gian qua, trong các DN lương thực - thực phẩm cũng có DN được hưởng lãi suất 5% - 5,5% nhưng chỉ là số ít do có gắn với lĩnh vực nông nghiệp, còn các DN chế biến vừa và nhỏ thì chưa được hưởng mức lãi suất này. Thế nên nếu có thể kéo về mức lãi suất như trước đây ở ngành sản xuất với mức 7% - 8% đều hết cho các DN vừa và nhỏ thì các DN sẽ dễ thở hơn trong giai đoạn khó khăn này”, bà Kim Chi đề xuất.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM cũng cho biết, tình hình đơn hàng của các DN trong ngành trong 6 tháng đầu năm rất kém. Trung bình mức giảm của các DN là 20% - 30%, nhưng cũng có nhiều DN giảm tới 50%.
“Những DN làm các sản phẩm không thiết yếu thì giảm đơn hàng nhiều, những DN làm sản phẩm thiết yếu như linh kiện cho hàng điện tử - gia dụng thì giảm ít hơn”, ông Quốc Anh đánh giá.
Đặc biệt, theo ông Quốc Anh, khó khăn của DN lúc này là dòng tiền, bởi tiền thu về từ khách hàng rất kém. Dù ngân hàng luôn sẵn sàng cho DN vay nhưng lãi suất vẫn còn cao.
“DN của tôi hiện đang vay với lãi suất 10%. Lãi suất 10% trong giai đoạn hiện nay khi hàng hóa không bán được, sản xuất đình trệ… thì rất nhiều DN không dám vay, dù các ngân hàng đang thừa tiền và cũng hết sức chào mời vay vốn”, ông Quốc Anh nói.
Cũng theo Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM, tới thời điểm này, tình hình đơn hàng cho 6 tháng cuối năm vẫn chưa khởi sắc. Có thể khó khăn này sẽ tiếp tục kéo dài thêm 1 quý nữa, trước khi thị trường có những tín hiệu tốt hơn.
“Các giải pháp gỡ khó rất… khó trong giai đoạn này. Các DN trong giai đoạn này nên tìm cách cầm cự bằng cách sản xuất chậm lại, lợi dụng thời gian này để thay đổi thiết bị, công nghệ, huấn luyện lại công nhân để chờ thời thôi”, ông Quốc Anh nói thêm.
Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) thì đề xuất, NHNN nên sớm đề ra giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn. Đồng thời, kiến nghị Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ DN vay lãi suất thấp để trả lương cho người lao động, kích thích sức mua.
"HUBA kiến nghị NHNN có biện pháp hạ lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại, khống chế tỷ lệ “biên độ lãi ròng” ở mức 3% để hạ lãi suất cho vay. Đồng thời, thúc đẩy nhanh và mạnh chương trình hỗ trợ lãi suất 2%", ông Hưng nói.
Ngoài ra, HUBA cũng kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho DN bằng cách đánh giá giá trị tài sản thế chấp theo giá thị trường, tăng tỷ lệ bảo đảm của tài sản thế chấp, cho phép thế chấp tài sản đất thuê hằng năm, thí điểm cho vay tín chấp, tăng giá trị thế chấp bằng đất nông nghiệp...
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia thì đề xuất, Nhà nước cần nghiên cứu tiếp tục giảm thuế GTGT theo từng ngành, cần giải pháp mạnh hơn, chỉ giảm xuống 8% như vừa qua là chưa đủ mà cần giảm xuống 5%-6%. Đặc biệt, cần đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, kích cầu thị trường nội địa thông qua tín dụng tiêu dùng.
"Về phía các DN, cần một loạt chiến lược chấp nhận giảm giá, kích thích thị trường. Bởi trong bối cảnh xuất khẩu khó thế này, mà không thúc đẩy thị trường nội địa sẽ rất khó, ảnh hưởng đến tồn kho và hoạt động sản xuất, kinh doanh", ông Lịch đề xuất.
Bình luận