Video: Trịnh Xuân Thanh quanh co chối tội
Trong phiên tòa xét xử sơ thẩm Đinh La Thăng và 21 bị cáo liên quan đến vụ án Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam(PVN) và Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), HĐXX đã mời điều tra viên tới tòa để làm rõ một số nội dung liên quan đến kết quả điều tra của vụ án.
HĐXX triệu tập điều tra viên theo luật mới
Việc điều tra viên xuất hiện ở toà sẽ làm rõ vì sao ở trang 25 bản cáo trạng có đoạn kết luận: "Quá trình điều tra bị can khai báo không thành khẩn, quanh co chối tội.
Sau khi phạm tội bị can đã bỏ trốn gây khó khăn, cản trở cho quá trình điều tra là những tình tiết cần xem xét để áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc".
Điều 296 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) quy định, trong quá trình xét xử, khi xét thấy cần thiết HĐXX có thể triệu tập điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án.
Như vậy, khi phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng và 21 bị cáo đang diễn ra, HĐXX đã áp dụng quy định mới này của BLTTHS 2015.
Điều này nhằm làm rõ nội dung trong bản kết luận điều tra vụ án mà theo luật sư bào chữa của bị cáo cho rằng kết luận đó thiếu căn cứ và gây bất lợi cho thân chủ của mình.
Quy định mới có lợi cho tất cả các bên
Theo tinh thần của Điều 296 BLTTHS, việc triệu tập điều tra viên đến phiên tòa có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình giải quyết vụ án.
Bởi lẽ, khi phiên tòa được xét xử công khai, tinh thần tranh tụng được đề cao thì bất kỳ một tình tiết, tài liệu, nội dung nào của vụ án cũng cần được làm rõ.
Khi bị cáo có sự phản cung, hoặc luật sư bào chữa cho bị cáo phản đối kết luận của cơ quan điều tra là không có căn cứ thì điều tra viên cần phải giải thích, bảo vệ cho kết luận của mình.
Trường hợp điều tra viên không có mặt theo triệu tập của HĐXX hoặc có mặt nhưng không giải thích được, hoặc giải thích nhưng vẫn không thể làm rõ, không thể khẳng định được vấn đề trong bản kết luận thì HĐXX có quyền ghi nhận như là một tài liệu vụ án để xem xét sau đó đưa ra phán quyết trên tinh thần thượng tôn pháp luật, tránh sai sót gây bất lợi cho bị cáo.
Đây là một quy định mới của BLTTHS 2015 so với BLTTHS 2003. Quy định mới góp phần khẳng định quyền tranh tụng được đảm bảo và thẩm quyền của HĐXX tại phiên tòa công khai.
Việc HĐXX triệu tập điều tra viên khi cần thiết không những có lợi cho bị cáo mà còn giúp HĐXX nhận định đúng bản chất khách quan của sự việc hơn, giúp cơ quan tố tụng có thể khắc phục, sửa đổi, bổ sung kịp thời các vấn đề liên quan đến vụ án ngay tại phiên tòa.
Điều này giúp phiên tòa tránh được phần nào sai sót mà rất có thể phải mất nhiều năm sau mới được phát hiện.
Cáo trạng xác định ông Đinh La Thăng chỉ định PVC thực hiện, ký gói thầu EPC trái quy định.
Sau đó, cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí chỉ đạo cấp dưới tạm ứng sai quy định hơn 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ đồng cho PVC để bị can Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.100 tỷ sai mục đích.
Sau khi xảy ra vụ việc, đến tháng 7/2016, Bộ Công an vào cuộc điều tra vụ thua lỗ ở PVC thời ông Thanh làm lãnh đạo. Hai tháng sau,
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố Trịnh Xuân Thanh tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Khi bị can này bỏ trốn, Bộ Công an đã phát lệnh truy nã toàn quốc và quốc tế.
Chiều 31/7, Bộ Công an cho biết bị can Trịnh Xuân Thanh đã đến trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đầu thú sau gần một năm trốn lệnh truy nã quốc tế.
Video: Luận tội các bị cáo trong phiên xử Đinh La Thăng và đồng phạm
Liên quan đến vụ án, nhóm cán bộ ngành dầu khí bị truy tố tội Cố ý làm trái do tham gia vào việc chỉ đạo PVC ký hợp đồng, tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng sai quy định.
Riêng Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận và 8 người khác bị truy tố tội Tham ô tài sản do cấu kết lập hồ sơ khống để rút 13 tỷ đồng chia nhau sử dụng.
Bình luận