Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, trong 28.000 thí sinh dự thi môn Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia, có 80,9% bài thi điểm dưới trung bình; 19,1% học sinh đạt điểm trên trung bình.
Số thí sinh đạt điểm giỏi (từ 8 trở lên) là 0,36%. Môn Sử chỉ có duy nhất một thí sinh đạt 9,75 điểm và không có điểm 10. Đây là môn thi có điểm thấp nhất trong 9 môn thi THPT quốc gia ở TP.HCM.
Không khá hơn, tại Đà Nẵng, số bài thi đạt điểm 5 trở lên ở môn Lịch sử chỉ đạt 10,03% và ở Đồng Nai có tới 87% bài thi môn Lịch sử dưới 5 điểm.
Trả lời PV VTC News, thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu cho rằng, đây là kết quả tệ hại, rất đáng buồn nhưng lại không bất ngờ.
"Kết quả môn Lịch sử thi THPT quốc gia tại TP.HCM khiến không chỉ những giáo viên dạy Sử như chúng tôi mà rất nhiều người khác cảm thấy buồn. Buồn vì tương quan giữa các môn thi. Buồn vì môn Sử luôn là tâm điểm trong các kỳ thi THPT quốc gia" - thầy Hiếu chia sẻ.
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo thầy Hiếu, có 3 lý do cơ bản khiến phổ điểm thi môn Sử của các thí sinh tại TP.HCM năm nay lại thấp kỉ lục.
Thứ nhất, trong nhiều năm qua, số lượng học sinh THPT ở TP.HCM lựa chọn học và khối C trong kỳ thi đại học trước đây và kỳ thi THPT quốc gia hiện nay thấp hơn nhiều so với các tỉnh miền Bắc. Ở TP.HCM, học sinh chú trọng nhiều hơn đến việc học và thi những môn về khoa học tự nhiên như: Toán, Lý, Hoá, Sinh… để lựa chọn những chuyên ngành về tài chính, ngân hàng, ngoại thương, công nghệ thông tin…
Thứ hai, phần lớn các thí sinh nằm trong tỉ lệ 81% có điểm thi Lịch sử dưới điểm trung bình chọn môn thi này làm môn công nhận tốt nghiệp vì quan niệm rằng tổ hợp môn khoa học xã hội sẽ dễ hơn tổ hợp môn khoa học tự nhiên. Vì vậy, nhiều thi sinh cho rằng chỉ cần qua điểm liệt là đỗ tốt nghiệp, chứ không quan tâm điểm cao hay thấp nên xảy ra tình trạng xem nhẹ việc học tập, ôn luyện.
Bên cạnh đó, do quan niệm học ngành xã hội khi ra trường lương sẽ thấp hơn những ngành khoa học tự nhiên dẫn đến tình trạng hầu hết thí sinh, phụ huynh lựa chọn khối thi, ngành nghề thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên.
Từ đó, thí sinh dồn thời gian và tâm lực vào việc ôn các môn thi xét tuyển vào đại học đã tạo nên tư tưởng chủ quan trong quá trình làm bài thi trắc nghiệm môn Sử. Nhiều thí sinh khi bắt gặp câu hỏi phân hóa, nâng cao chủ yếu là dựa vào yếu tố “may - rủi”, đoán mò chứ không phải tự tin để lựa chọn phương án nào sai, phương án nào đúng.
"Đây không phải lỗi do học sinh, cũng không phải lỗi do thầy cô giáo mà đó là xu thế" - thầy Hiếu khẳng định.
Ngoài ra, năm 2018, đề thi bao gồm cả kiến thức lịch sử năm lớp 11 nhằm phân hóa 2 trình độ: Xét tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học khác hoàn toàn với đề năm 2017.
"Kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở TP.HCM cho thấy học sinh đang học lệch và học theo kiểu thực dụng: Học để thi chứ không phải học để biết.
Buồn thì có buồn nhưng không thể giận. Trên thực tế, kỳ thi THPT quốc gia với cơ chế như hiện nay đã cho phép thí sinh học lệch. Các em chỉ học những gì mình cần để đi thi, những môn không thi hoặc không cần điểm cao sẽ bị bỏ bê hoặc học cầm chừng để đạt điểm trung bình" - thầy Hiếu chia sẻ.
Thầy Trần Trung Hiếu cũng cho rằng, Bộ GD-ĐT cần có cái nhìn thẳng thắn khách quan về kỳ thi THPT năm 2018, không để xảy ra tình trạng "bão" điểm 10 như năm ngoái (2017), để rồi ngay năm sau lại lâm cảnh khóc dở mếu dở với tình trạng điểm thấp kỷ lục.
"Là một giáo viên Lịch sử, cũng là người rất tâm huyết với Lịch sử, tôi cảm thấy lòng tự ái của mình bị tổn thương. Nhưng tôi tin rằng, khi Bộ GD-ĐT công bố kết quả thi THPT toàn quốc, điểm môn Lịch sử của miền Bắc, miền Trung sẽ cao hơn điểm thi môn này ở miền Nam" - thầy Hiếu nói.
Bình luận