Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới, từ năm 2017 tới cuối tháng 2/2019, khoảng hơn 20 quốc gia có báo cáo về dịch tả lợn châu Phi, trong đó, tổng cộng hơn 1 triệu con lợn phải tiêu hủy.
Ở Việt Nam đã có 7 tỉnh/thành phố bị nhiễm dịch tả lợn, số lợn tiêu hủy tính tới thời điểm hiện tại là khoảng 4.231 con, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Các tỉnh/thành phố ghi nhận có dịch tả lợn châu Phi gồm: Thanh Hóa, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình và Hà Nam…
Theo các chuyên gia, nguy cơ cao dịch tả lợn sẽ lan rộng và khó kiểm soát trong thời gian tới do nhiều lý do.
Trong đó, nguyên nhân đáng lo ngại nhất là cơ chế sống dai của virus gây dịch tả lợn ASF bên ngoài môi trường, khiến nhiều vật nuôi rất dễ nhiễm bệnh dù có thể lợn đã được cách ly trước đó.
Một nguyên nhân khác cũng vô tình khiến dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh chóng là do tâm lý lo ngại mức hỗ trợ tiêu hủy thấp (khoảng 38.000đ/kg) của người chăn nuôi.
Thời gian chi trả hỗ chậm nên nhiều hộ gia đình có lợn nhiễm bệnh không đến khai báo với các cơ quan chức năng mà cố giết thịt đem bán. Điều này không chỉ làm dịch tả lợn khó kiếm soát mà còn tăng nguy cơ các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, theo Bộ NN&PTNT dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào nước ta khả năng do lây qua đường biên giới. Việt Nam có chung đường biên giới với chiều dài 1.000 km, có nhiều cửa khẩu và hàng trăm đường mòn, lối mở với các hoạt động của cư dân biên giới. Việc buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm lợn nhập lậu tại các tỉnh biên giới phía Bắc vào dịp Tết vừa qua có thể là nguyên nhân.
Trước tình hình trên, tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh thành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi hiện đang rất cấp bách, không khác gì “chống giặc”, do vậy, cần phải huy động các cấp, các ngành cùng nhau chung tay ngăn chặn.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo nghiêm cấm tất cả các hình thức buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ, giết mổ thịt lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả với hình thức cho, tặng.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương vừa tuyên truyền, vừa yêu cầu người chăn nuôi thực hiện 5 không: Không giấu dịch; không mua bán; không giết mổ, mua bán lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý làm cám cho lợn.
Thủ tướng cũng đồng ý tăng mức giá hỗ trợ cho người dân buộc có đàn lợn phải tiêu hủy. Cụ thể, người dân sẽ được cho phép hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5 đến 1,8 lần đối với lợn nái và lợn đực giống buộc phải tiêu hủy, bỏ điều kiện phải khai báo và có xác nhận của UBND cấp xã khi nuôi lợn.
Quá trình thực hiện phải đảm bảo chính xác, công khai và minh bạch.
Video: Xác lợn vứt bừa bãi, dịch tả lợn châu Phi khó dập
Bình luận