• Zalo

Vì sao đại biểu HĐND TP.HCM bị bắt?

Pháp luậtThứ Sáu, 12/09/2014 01:47:00 +07:00 Google News

(VTC News) – Ông Trương Vĩ Kiến từng là đại biểu HĐND TP.HCM bị cơ quan điều tra bắt về tội danh gì?

(VTC News) – Ông Trương Vĩ Kiến từng là đại biểu HĐND TP.HCM bị cơ quan điều tra bắt về tội danh gì?

Thông tin từ cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết, cơ quan này đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét và bắt tạm giam đối với ông Trương Vĩ Kiến (SN 1965, ngụ quận 5, TP.HCM).

 Ông Trương Vĩ Kiến 

Theo thông tin từ Sở Nội vụ TP.HCM, ông Trương Vĩ Kiến (quê quán Phúc Kiến, Trung Quốc, ngụ phường 8, quận 5, TP.HCM), cử nhân chính trị, cao cấp quản lý kinh tế và là chuyên gia kỹ thuật điện. Ông Kiến cũng là đại biểu HĐND TP.HCM khóa VIII. 

Trước đây, ông Kiến là chủ tổ hợp sản xuất Tân Cường Thành, chuyên sản xuất và kinh doanh dây cáp điện. Sau đó, ông được biết đến là Tổng Giám đốc Công ty Tân Cường Thành đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường dân lập cấp II Vĩnh Xuyên - quận 6 và Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng rổ TP.HCM.

Ông Kiến từng được bầu chọn danh hiệu “Doanh nhân Việt tiêu biểu” năm 2006, chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2007 cùng nhiều bằng khen, giấy khen của các bộ ngành và UBND TP.HCM.

Theo cơ quan điều tra, ông Kiến bị bắt vì liên quan đến cáo buộc chiếm đoạt tài sản của Ban quản lý các công trình điện miền Nam (viết tắt là AMN, trụ sở tại quận 1, TP.HCM) với tổng giá trị 44 tỷ đồng.

Trụ sở Công ty Tân Cường Thành tại quận 5, TP.HCM 

Cụ thể trong năm 2007 và 2008, Công ty Tân Cường Thành có ký 3 năm hợp đồng bán dây dẫn và dây chống sét cho Ban quản lý dự án các công trình điện miền Nam (AMN) để thực hiện 3 dự án với tổng trị giá 85 tỷ đồng. 

Do chưa có mặt bằng thi công dự án nên AMN đã gửi hàng hóa đã mua tại kho của Tân Cường Thành chi nhánh ở Đà Nẵng. Trong thời gian gửi hàng, AMN có xuất hàng để thi công dự án, đến năm 2010 vẫn còn lại số hàng với tổng giá trị 44 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, đến giữa năm 2010, Công ty Tân Cường Thành có vay vốn ngân hàng với số tiền 150 tỷ đồng. Sau đó công ty ông Kiến đã thế chấp hàng hóa, trong đó có cả khối hàng hóa AMN đã ký gửi mà không thông qua AMN. 

Khi hết hạn vay, Công ty Tân Cường Thành không trả nợ gốc lẫn lãi thì ông Kiến tiếp tục ký hợp đồng bán cho công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc ngân hàng này theo phương thức bán hàng trả chậm trong thời gian 4 tháng.

Sau đó, phía Công ty Tân Cường Thành không thực hiện việc mua lại số hàng trên nên công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc ngân hàng này đã bán thanh lý số hàng hóa, thu được hơn 53 tỷ đồng để khấu trừ nợ.

Khi phát hiện vụ việc trên, AMN đã có nhiều văn bản gửi cho công ty Tân Cường Thành và đề nghị ông Kiến giao lại toàn bộ số hàng hóa ký gửi trị giá hàng chục tỷ đồng. Thế nhưng, phía Công ty Tân Cường Thành không giải quyết nên AMN đã tố cáo đến cơ quan công an. 

Sỹ Hưng
Bình luận
vtcnews.vn