• Zalo

Vì sao cơ quan thuế muốn được trao quyền điều tra doanh nghiệp?

Kinh tếThứ Hai, 23/07/2018 17:19:00 +07:00Google News

Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Trần Ngọc Tâm khẳng định cơ quan thuế hiểu hơn ai hết việc doanh nghiệp có trốn thuế hay không, nên tăng quyền cho ngành thuế không có nghĩa là tạo cơ hội cho cán bộ thuế lạm quyền.

Ngày 23/7, trao đổi với báo chí bên lề hội nghị đánh giá công tác thuế 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Trần Ngọc Tâm đã nói về việc bổ sung quyền điều tra các hành vi trốn thuế cho cơ quan thuế trong dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi của Bộ Tài chính.

Ông Trần Ngọc Tâm cho biết có đọc nhiều thông tin lo ngại cơ quan thuế sẽ lạm quyền hơn nếu dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi có hiệu lực nhưng thực tế không hẳn như vậy. Bởi muốn điều tra phải có luật lệ, cơ sở và không phải ai cũng có quyền điều tra. Hiện tại cơ quan quản lý thị trường, cơ quan hải quan đều có chức năng điều tra. Cơ quan thuế đòi hỏi yêu cầu này không phải tăng quyền mà để thực hiện thật tốt hơn việc quản lý của mình.

Vì sao cơ quan thuế muốn được trao quyền điều tra doanh nghiệp? - Ảnh 1.

Theo lãnh đạo Cục thuế TP, không phải cứ thêm quyền điều tra cho cán bộ thuế là sẽ lạm quyền. (Ảnh: NLĐ) 

"Và nếu cơ quan thuế làm sai thì sẵn sàng chịu xử lý. Những cơ quan khác được quyền điều tra và họ không lạm quyền. Chúng tôi chỉ lo, nếu thêm quyền cho cơ quan thuế, cán bộ thuế sẽ vất vả hơn, sẽ phải đào tạo lại và tổ chức lại bộ máy vì lâu nay chúng tôi chưa làm việc này. Quan trọng hơn, cơ quan thuế hiểu hơn ai hết doanh nghiệp có trốn thuế hay không? Cơ quan khác đi điều tra có thể không thuận lợi bằng cơ quan thuế", ông Tâm giải thích.

Người đứng đầu ngành thuế thành phố cũng khẳng định cơ quan thuế điều tra còn khởi tố là việc của cơ quan khác chứ không phải ngành thuế. Do đó, không phải cứ cho cơ quan thuế điều tra là lạm quyền.

Liên quan đến công tác thu thuế 6 tháng đầu năm, lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM cho biết tổng thu nửa đầu năm được 130.550 tỉ đồng, đạt 48,57% dự toán năm 2018, tăng 11,37% so với cùng kỳ. Trong đó, thuế GTGT là loại thu có tỉ lệ tăng cao nhất trong 3 loại thuế chính của khu vực kinh tế, tăng 15,21% so với cùng kỳ.

Thuế thu nhập doanh nghiệp tăng 13,41% so với cùng kỳ, trong đó khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lại có số nộp giảm nhiều nhất với 8,15% so với cùng kỳ.

Đồng thời, thuế thu nhập cá nhân tăng 21,18% so với cùng kỳ, trong đó hầu hết các khoản thu thuế thu nhập cá nhân từ các nguồn khác nhau đều tăng khá, riêng thuế từ tiền lương, tiền công tăng 20,77% so với cùng kỳ. Đây là khoản thu chiếm tỉ trọng cao nhất trong tổng số thu thuế thu nhập cá nhân.

Theo cơ quan thuế, vài năm nay, thị trường bất động sản trở nên sôi động, thu nhập từ tiền lương, tiền công, tiền hoa hồng của các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này cũng tăng đáng kể, dẫn đến thuế thu nhập cá nhân tăng.

Về công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế trên địa bàn TP trong 6 tháng đầu năm cũng đạt kết quả tích cực. Ngành thuế TP đã thanh, kiểm tra tại 10.077 doanh nghiệp, tăng 15,46% so với cùng kỳ với số thuế truy thu và phạt là 2.214 tỉ đồng, tăng 8,42%.

Ngoài ra, công tác quản lý nợ thuế cũng được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác thu ngân sách.

Một trong những giải pháp ngành thuế TP sẽ tăng cường áp dụng để quản lý nợ thuế là sẽ định kỳ công bố những doanh nghiệp cố tình dây dưa nợ thuế, nợ thuế lớn và thời gian nợ thuế kéo dài. Mới đây, cơ quan thuế TP đã công bố hơn 1.200 doanh nghiệp chây ỳ trong việc nộp thuế với tổng số tiền nợ thuế trên 1.550 tỉ đồng.

(Nguồn: Người Lao Động)
Bình luận
vtcnews.vn