• Zalo

Vì sao chậm ban hành kết luận thanh tra tại Petrolimex?

Kinh tếThứ Năm, 29/10/2015 04:16:00 +07:00Google News

Ngày 29/10, tại buổi Họp báo Công tác Thanh tra Quý III/2015, Thanh tra Chính phủ cho biết sẽ công bố kết luận thanh tra tại Petrolimex trong đầu tháng 11/2015

Ngày 29/10, tại buổi Họp báo Công tác Thanh tra Quý III/2015, Thanh tra Chính phủ cho biết sẽ công bố kết luận thanh tra tại Petrolimex trong đầu tháng 11/2015.

Tại cuộc họp báo, liên quan đến việc Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) từ quý IV/2012 đến nay nhưng vẫn chưa ban hành Kết luận Thanh tratại Petrolimex, liệu có phải là do "nhạy cảm" hay "vì sắp Đại hội Đảng XII hay không? Ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng thanh tra Chính phủ thừa nhận: "Việc ban hành Kết luận thanh tra tại Petrolimex là quá chậm" và phủ nhận việc chậm ban hành là do nhạy cảm hay gần đến Đại hội Đảng lần thứ XII.

Ông Khánh cho biết, nguyên nhân là do lĩnh vực kinh doanh xăng dầu việc điều hành giá rất phức tạp, phụ thuộc nhiều yếu tố nên Thanh tra Chính phủ đã nhiều lần trao đổi, hỏi ý kiến nhiều bộ ngành để có kết luận chính xác.
Petrolimex hiện có hơn 17.000 lao động đang làm việc. 

Dự kiến, đầu tháng 11/2015, Kết luận thanh tra tại Petrolimex sẽ được công bố. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều vấn đề tồn tại, sai sót được Thanh tra Chính phủ chỉ ra trong cuộc thanh tra đã được Petrolimex sửa chữa, khắc phục.

Petrolimex được hình thành từ việc cổ phần hóa và cấu trúc lại Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam theo Quyết định số 828/QĐ-TTg ngày 31-5-2011 của Thủ tướng Chính phủ, là công ty đại chúng theo Văn bản số 2946/UBCK-QLPH ngày 17/8/2012 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Petrolimex có vốn điều lệ 10.700 tỷ đồng.

Lĩnh vực kinh doanh chính của Petrolimex là xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu, lọc - hóa dầu. Bên cạnh các lĩnh vực xăng dầu, dầu mỡ nhờn & các sản phẩm hóa dầu, khí hóa lỏng và vận tải xăng dầu; Petrolimex đầu tư kinh doanh vào các ngành nghề: Thiết kế, xây lắp, cơ khí và thiết bị xăng dầu; bảo hiểm, ngân hàng và các hoạt động thương mại dịch vụ khác.

Petrolimex giữ vai trò chủ đạo trên thị trường nội địa theo chỉ đạo của Chính phủ, 42/68 đơn vị thành viên Petrolimex trực tiếp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn 62/63 tỉnh, thành phố. Petrolimex hiện đang chiếm gần 60% tổng hạn ngạch nhập khẩu xăng dầu. Petrolimex sở hữu 2.170 cửa hàng. Tính chung trên phạm vi cả nước và căn cứ sản lượng xăng dầu thực xuất bán tại thị trường nội địa (tại Việt Nam) năm 2013, thị phần thực tế của Petrolimex khoảng 48%.

Từ năm 2012 về trước, Petrolimex liên tục kêu lỗ, báo lỗ

Theo Báo cáo thường niên năm 2014 của Petrolimex, tổng tài sản hợp nhất tại ngày 31/12/2014 giảm 2.074 tỷ đồng tương ứng giảm 3,7% so với năm 2013, còn 55.400 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn giảm 2.247 tỷ đồng tương ứng giảm 6,1% còn 34,581 tỷ đồng.

Đồng thời, vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31/12/2014 của Petrolimex cũng giảm 1.642 tỷ đồng so với cuối năm 2013, tương ứng giảm 12% còn 11.289 tỷ đồng, chủ yếu do lợi nhuận năm 2014 không đạt kế hoạch.

Tại ngày 31/12/2014, Petrolimex còn 41.308 tỷ đồng nợ phải trả, giảm 531 tỷ đồng so với cuối 2013, tương ứng giảm 1%, trong đó chủ yếu là do giảm khoản vay và nợ ngắn hạn 3.667 tỷ đồng.

Số lượng lao động có mặt đến ngày 31/12/2014 của Công ty Mẹ và khối các công ty con kinh doanh xăng dầu trong nước là 17.705 người. Thu nhập bình quân của nhân viên là 7.154.000 đồng/người/tháng.

Nguồn: Đầu tư
>> ĐỌC TIẾP...
Bình luận
vtcnews.vn