• Zalo

Vì sao các đô thị miền Tây luôn cách nhau khoảng 60km?

Chuyện bốn phươngThứ Sáu, 10/01/2025 07:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Các đô thị ở Đồng bằng sông Cửu Long có một điểm chung là thường cách nhau với khoảng 60km, do đâu mà có sự trùng hợp kỳ lạ này?

Trả lời phóng viên Báo điện tử VTC News, PGS.TS Lê Anh Tuấn, giảng viên cao cấp khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết 60km là khoảng cách phổ biến giữa các đô thị tại miền Tây.

Ví dụ, TP Châu Đốc cách TP Long Xuyên khoảng 60km, TP Long Xuyên cách TP Cần Thơ khoảng 60km, TP Cần Thơ cách TP Sóc Trăng 60km, TP Sóc Trăng cách TP Bạc Liêu gần 60km và TP Bạc Liêu lại cách TP Cà Mau cũng khoảng 60km. Đây không phải là hiện tượng ngẫu nhiên.

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, cách đây hơn 300 năm, người dân ở các nơi đến đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khai khẩn. Địa hình nơi đây vào thời đó rất hoang vu, sông rạch chằng chịt, nền đất thấp, ẩm ướt và nhiều sình lầy, không thể di chuyển bằng đường bộ.

Người dân không thể sử dụng ngựa vì đi lại kém thuận tiện. Thủy thổ ở đây không phù hợp với loài ngựa vốn sống ở vùng đất cao, nền đất cứng chắc. Việc nuôi ngựa lại tốn nhiều chi phí trong khi người dân đa số tha hương lập nghiệp. Do đó, phần lớn dân cư chọn cách di chuyển bằng ghe, xuồng dọc theo sông Tiền và sông Hậu.

"Đọc lại những tác phẩm viết về vùng đất phương Nam của các nhà văn Sơn Nam, Hồ Biểu Chánh hay của học giả Nguyễn Hiến Lê, tôi không thấy đoạn nào nói người dân vùng ĐBSCL đi lại giữa các tỉnh bằng ngựa cả", ông Lê Anh Tuấn nói.

Các đô thị ở ĐBSCL thường cách nhau 60km, nguyên nhân vì người dân thường di chuyển bằng ghe, xuồng nên bị ảnh hưởng bởi thủy triều mỗi ngày. (Ảnh: SCMP)

Các đô thị ở ĐBSCL thường cách nhau 60km, nguyên nhân vì người dân thường di chuyển bằng ghe, xuồng nên bị ảnh hưởng bởi thủy triều mỗi ngày. (Ảnh: SCMP)

Đặc điểm thủy văn tự nhiên của vùng ĐBSCL là dòng chảy trên sông lớn thay đổi theo nhịp thủy triều ở biển Đông. Một ngày có 2 lần thủy triều lên và 2 lần thủy triều xuống. Mỗi lần thay đổi dòng chảy kéo dài 6 giờ đồng hồ, trong đó có 6 giờ nước lên và 6 giờ nước xuống.

Vận tốc trung bình của dòng sông Mekong khoảng 10km/h, nhân với 6 giờ thì ra con số 60km. Ghe, xuồng đi xuôi dòng được khoảng 60km thì nước trên sông đổi dòng. Người ta phải dừng lại đợi tới con nước để đi tiếp  vì thời đó chưa có động cơ, ghe chèo bằng tay rất khó đi ngược nước.

Trong lúc dừng lại, mọi người tụ họp buôn bán, trao đổi hàng hóa, khiến những điểm dừng dần hình thành chợ nổi. Mỗi phiên chợ nổi kéo dài 2 - 3 tiếng, nhiều người lên bờ nghỉ ngơi, cắm chòi ăn uống, dần hình thành những bến ghe thuyền, làng xóm, xã ấp.

Lâu năm, nhiều nơi hình thành các vùng dân cư tập trung và trở thành đô thị. Tính chất đô thị miền Tây “trên bến dưới thuyền” đã trở thành một phần của văn minh sông nước vùng châu thổ sông Cửu Long.

Đến thời vua Minh Mạng (trị vì trong thời gian 1820 –1841), nhà nước đã có nhiều thay đổi trong việc xác định địa giới hành chính. Năm Minh Mạng thứ 13 (Nhâm Thìn, 1832), vua chia 5 trấn của thành Gia Định thành 6 tỉnh (Nam Kỳ Lục tỉnh), bao gồm 3 tỉnh miền Đông là Phiên An, Biên Hòa, Định Tường và 3 tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.

Năm 1867, khi người Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây, họ cũng định hình hệ thống hành chính thành nhiều tỉnh thành nhỏ hơn, tất cả đều dựa trên các vùng tập trung dân cư có sẵn từ trước. Người Pháp tổ chức lại bộ máy hành chính, sau đó dần dần thiết lập các công sở phục vụ đô thị như bưu điện, nhà thờ, tòa thị chính, trường học…

PGS.TS Lê Anh Tuấn chia sẻ thêm: “Nhiều người nhầm tưởng các tỉnh miền Tây là do người Pháp quy hoạch. Suy diễn này hoàn toàn là sai lầm. Tôi có nhờ nhiều người bạn sống bên Pháp tìm kiếm tài liệu về việc này trong các trung tâm lưu trữ văn khố Đông Dương nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy người Pháp có hồ sơ quy hoạch không gian hình thành địa giới đô thị cho cả vùng ĐBSCL, phần lớn là các bản đồ đào kênh, các chỉ thị, tờ trình báo cáo công việc hành chính, cai trị ở các địa phương”.

Chất đô thị miền Tây - “trên bến dưới thuyền” đã trở thành nét độc đáo thu hút du khách, mà không đâu trên thế giới có được. (Ảnh: TNK Travel)

Chất đô thị miền Tây - “trên bến dưới thuyền” đã trở thành nét độc đáo thu hút du khách, mà không đâu trên thế giới có được. (Ảnh: TNK Travel)

Ông Tuấn cho biết, bản thân ông nghiên cứu rất nhiều vùng đồng bằng trên thế giới như đồng bằng sông Rhine (Châu Âu), đồng bằng sông Mississippi (Mỹ), đồng bằng sông Hoàng Hà (Trung Quốc), đồng bằng sông Chaophraya (Thái Lan), đồng bằng sông Nile (Ai Cập), đồng bằng sông Hằng (Ấn Độ)...  nhưng chỉ duy nhất vùng ĐBSCL của Việt Nam có điểm đặc biệt về khoảng cách xấp xỉ 60km giữa các đô thị. Đó là do vùng này có nhiều kênh rạch nhỏ, thuận tiện giao thương.

Triều đình nhà Nguyễn cho đào nhiều con kênh như kênh Bảo Định (khởi công 1705 và 1819), kênh Thoại Hà (1818), kênh Vĩnh Tế (1819) và người Pháp cho đào kênh Chợ Gạo (1877), kênh Xà No (1901)… kết nối các vùng với nhau cũng với mục đích bảo vệ biên cương, đi lại, vận chuyển nông sản và tưới tiêu. Điều này tạo nên văn hóa buôn bán trên ghe xuồng, chợ nổi. Nghề rất phổ biến tại miền Tây là nghề thương hồ.

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, tổng số kênh đào vùng ĐBSCL hiện nay dài gấp đôi chiều dài đường xích đạo của Trái đất. Đây là đặc điểm sông nước độc đáo, rất khác biệt so với các vùng châu thổ khác.

Hoàng Hà
Bình luận
vtcnews.vn