Theo ThsTrần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Phó trưởng ban Kiểm soát Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao, tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện.
Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới, gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng bởi đây đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe. Nó làm tăng tỉ lệ sử dụng thuốc lá đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ và trẻ em gái, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của thanh thiếu niên nên Nhà nước cần phải bảo vệ giới trẻ.
"Không cần thiết và không nên ban hành chính sách thí điểm đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng”, bà Trang nêu quan điểm.
Các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao, tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện.
Chuyên gia Bộ Y tế nói rằng, cho phép thí điểm thuốc lá nung nóng dẫn đến khó kiểm soát được các sản phẩm tương tự. Việc cho phép thêm thuốc lá mới là đi ngược lại các nguyên tắc giảm cung, giảm cầu của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, Chiến lược quốc gia về Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Việc thí điểm một sản phẩm gây nghiện và có hại sức khỏe sẽ gây ra nhiều hệ lụy, sau đó lại phải mất thêm nhiều nguồn lực để giải quyết hậu quả của việc thí điểm sẽ tăng tỉ lệ sử dụng thuốc lá do mở rộng nguồn cung cấp, tăng thêm các lựa chọn sản phẩm.
Việt Nam phải nỗ lực hơn, tốn kém nhân lực và tài chính hơn nữa trong việc giảm tỉ lệ hút thuốc lá, giải quyết những gánh nặng bệnh tật và tử vong do thuốc lá, cũng như các hệ lụy về xã hội, môi trường, kinh tế, ảnh hưởng đến phát triển bền vững đất nước.
Đại diện Bộ Y tế đề xuất cần tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá mới và ngăn chặn việc bắt đầu sử dụng thuốc lá mới tại Việt Nam, chú trọng đến trẻ em, với sự phối hợp liên ngành.
Bên cạnh đó tăng cường và nỗ lực hơn trong phòng chống buôn lậu thuốc lá mới, kinh doanh quảng cáo bất hợp pháp trên môi trường mạng.
Chúng ta cần cấm hoàn toàn dưới mọi hình thức mua bán, sản xuất, nhập khẩu đối với các sản phẩm mới này (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha). Đề xuất Quốc hội ban hành Luật, Nghị quyết về chính sách cấm thuốc lá mới.
Theo bà Trang, việc thí điểm một sản phẩm gây nghiện và có hại sức khỏe gây ra nhiều hệ lụy, sau đó lại phải mất thêm nhiều nguồn lực để giải quyết hậu quả của việc thí điểm.
Xu hướng hiện nay là các nước đã cho phép sau một thời gian lại phải cấm trở lại do những hệ lụy của việc cho phép mang lại.
Ví dụ, Mỹ đã phải cấm sản phẩm thuốc lá điện tử có hương vị. Cục Quản lý Dược phẩm và thực phẩm nước này khẳng định sẽ theo dõi chặt chẽ tỷ lệ sử dụng tất cả các sản phẩm thuốc lá điện tử và thực hiện các quy định bổ sung khác để giải quyết tình trạng gia tăng sử dụng của giới trẻ.
Nhiều nước đã cấm thuốc lá điện tử và nung nóng. Trong đó 32 quốc gia cấm thuốc lá điện tử, 79 quốc gia quy định quản lý thuốc lá điện tử rất chặt chẽ và 16 quốc gia cấm thuốc lá nung nóng. 5/10 quốc gia trong khu vực ASEAN đã cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
ThS Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế cũng khẳng định, thuốc lá điện tử là sản phẩm có hại cho sức khỏe và đang có hiện tượng trà trộn ma túy. Đây là sản phẩm gây nghiện, chúng ta không thể cho thí điểm được vì biết chắc cho bán hợp pháp sẽ gây nghiện. Khi đã biết chắc thì không ai mang sức khỏe người dân ra thí điểm.
Thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh, sinh viên tăng lên nhưng chưa phải là phổ biến. Vì thế, chúng ta phải ngăn chặn ngay khi còn có thể ngăn ngừa được.
Các chuyên gia đề xuất cần tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá mới và ngăn chặn việc bắt đầu sử dụng thuốc lá mới tại Việt Nam, chú trọng đến trẻ em. Đồng thời, tăng cường và nỗ lực hơn trong phòng chống buôn lậu thuốc lá mới, kinh doanh, quảng cáo bất hợp pháp trên môi trường mạng.
Bình luận