Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản. Theo đó, Bộ này dự kiến đánh thuế đối với nhà, đất ở, tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị 1,5 tỷ đồng trở lên. Cụ thể, với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án đánh thuế: Một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên.
Bộ Tài chính đề nghị nghiêng về áp dụng phương án đánh thuế 0,4% với nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên.
Nhà phố 200 m2 có thể phải nộp cả trăm triệu đồng thuế tài sản/năm
Chưa dừng lại tại đó, liên quan đến dự án Luật Thuế tài sản, tại các phương án đề xuất đánh thuế tài sản, Bộ Tài chính đã tính toán tác động của dự thảo chính sách thuế mới này đối với đời sống kinh tế xã hội theo cả 2 phương án thuế suất 0,3% và 0,4% cho bất động sản có giá trị trên 700 triệu đồng.
Trường hợp được đưa ra tính toán là đối với thửa đất có diện tích 200 m2, giá tính thuế là giá đất do UBND tỉnh, thành phố ban hành. Đối với khu vực nông thôn, người dân sẽ phải đóng tiền thuế từ 9.000-270.000 đồng/hộ/năm với mức thuế suất 0,3%, chiếm từ 0,0036-0,063% thu nhập bình quân của hộ 4 người đối với nhóm có thu nhập cao nhất.
Mức thuế phải nộp nếu áp thuế suất 0,4% là 12.000 đồng-360.000 đồng/hộ/năm, chiếm 0,0048-0,084% thu nhập bình quân của hộ 4 người. Trong đó, người dân địa phương phải đóng tiền thuế thấp nhất là ở Hòa Bình, cao nhất là ở Hà Nội.
Với giá đất cao nhất tại bảng giá đất do UBND các tỉnh, thành phố ban hành, người dân sẽ phải đóng tiền thuế từ 180.000 đồng-3,9 triệu đồng/hộ/năm với mức thuế suất 0,3% (chiếm từ 0,068-1,65% thu nhập bình quân của hộ 4 người) và 240.000 đồng-5,2 triệu đồng/hộ/năm với thuế suất 0,4% (chiếm từ 0,091-2,2% thu nhập bình quân của hộ 4 người). Trong đó, người dân ở tỉnh Bạc Liêu sẽ đóng thuế thấp nhất, còn cao nhất là ở Hà Nội và TP HCM.
Nếu tính theo giá đất bình quân chung của cả nước, người dân sẽ phải đóng 423.000 đồng/hộ/năm nếu áp thuế suất 0,3% (chiếm 0,131% thu nhập bình quân của hộ 4 người) đối với nhóm có thu nhập cao nhất. Với mức thuế 0,4%, người dân sẽ phải đóng 564.000 đồng/hộ/năm, (chiếm 0,175% thu nhập bình quân hộ 4 người có thu nhập cao nhất).
Cùng một chính sách nhưng áp dụng cho khu vực thành thị sẽ có nhiều khác biệt. Theo đó, với giá đất thấp nhất tại bảng giá đất do UBND các tỉnh ban hành hiện nay, nếu áp thuế suất thuế tài sản 0,3% thì số thuế người dân phải nộp từ 18.000 đồng-2,376 triệu đồng/hộ/năm (chiếm từ 0,007-0,45% thu nhập bình quân hộ 4 người có thu nhập cao nhất).
Với mức thuế suất 0,4%, số thuế phải nộp từ 24.000 đồng-3,168 triệu đồng/hộ/năm (chiếm 0,01-0,62% thu nhập bình quân hộ 4 người có thu nhập cao nhất).
Với giá đất thấp nhất tại bảng giá đất do UBND các tỉnh ban hành, mức thuế suất thuế tài sản dự kiến là 0,3% thì số thuế người dân phải nộp từ 1 triệu đồng-97,2 triệu đồng/hộ/năm. Với mức thuế suất 0,4%, số thuế phải nộp lên đến 1,344 triệu đồng-129,6 triệu đồng/hộ/năm.
Người dân Lai Châu phải nộp ít thuế nhất và cao nhất là ở Hà Nội và TP HCM. Bộ Tài chính cho rằng các trường hợp phải nộp thuế tài sản cao đều là những thửa đất ở những vị trí đặc biệt, đất mặt phố, có giá đất cao và đa số người có quyền sử dụng đất ngoài thu nhập từ tiền lương, tiền công còn có thu nhập cao từ việc cho thuê đất, thuê nhà, kinh doanh. Do đó, nếu so sánh trên tổng thu nhập (thu nhập từ tiền công, tiền lương và thu nhập từ hoạt động cho thuê đất, thuê nhà, kinh doanh) thì số thuế tài sản phải nộp không phải là lớn.
Đối với trường hợp sở hữu giá trị tài sản lớn, trong khi thu nhập chỉ có tiền lương, tiền công ở mức thấp, chưa có nguồn để trả thuế, tại dự thảo luật đã có quy định cho phép chậm nộp tiền thuế cho đến khi chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, số thu từ thuế tài sản sẽ đem lại từ 20.000 tỉ đồng 31.000 tỉ đồng cho ngân sách Nhà nước, tuỳ từng phương án đề xuất.
Vì sao không đánh thuế từ căn nhà thứ 2?
Trong quá trình thảo luận xây dựng dự án Luật, có ý kiến đề nghị chỉ đánh thuế tài sản đối với căn nhà thứ 2 trở đi. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, việc đánh thuế đối với nhà thứ 2 trở đi có nhiều nhược điểm.
Cụ thể, việc đánh thuế căn nhà thứ 2 không đảm bảo công bằng (trường hợp người chỉ có một căn nhà diện tích lớn hoặc giá trị lớn thì không bị đánh thuế, trong khi người có 2 căn nhà, mỗi nhà có diện tích thấp hoặc giá trị thấp lại bị đánh thuế).
Khó khăn trong triển khai thực hiện thu thuế, chưa phù hợp với điều kiện triển khai thực tế tại Việt Nam, cần có sự phối hợp thực hiện giữa nhiều cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở.
Việc đánh thuế căn nhà thứ hai trở đi được áp dụng tại một vài nước trên thế giới (như Singapore, Nhật, Anh, Pháp), nơi có thị trường bất động sản minh bạch, có hệ thống quản lý nhà, đất chặt chẽ. Thực tế tại Việt Nam các giao dịch mua bán bất động sản chủ yếu thực hiện trên hệ thống văn bản, giấy tờ, việc áp dụng công nghệ thông tin vẫn còn rất hạn chế, do đó, việc xác định sở hữu nhà thứ 2 trở đi của tổ chức, cá nhân là phức tạp.
Tác động đến thị trường bất động sản: Phương án này có thể làm giảm mức hấp dẫn của thị trường bất động sản (ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong việc lựa chọn giữa đầu tư nhà ở và các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán), từ đó ảnh hưởng đến lượng giao dịch bất động sản trên thị trường. Ngoài ra, việc đánh thuế đối với nhà ở thứ 2 trở lên tác động đến thị trường nhà cho thuê.
Từ phân tích trên, Bộ Tài chính đề nghị không thực hiện phương án đánh thuế đối với ngôi nhà thứ 2 trở đi.
Video: Chưa xem xét Luật Thuế tài sản nhà, ô tô đến hết năm 2019
Bình luận