Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân đều phải được gây mê, gây tê. Trước ca phẫu thuật, bác sĩ đều khuyên bệnh nhân ngừng ăn uống từ lúc nửa đêm. Trường hợp bệnh nhân trót ăn, nếu chưa cần mổ cấp cứu, bác sĩ sẽ lùi giờ mổ. Trường hợp phải mổ cấp cứu, bác sĩ sẽ mở ống thông dạ dày để tháo thức ăn qua ống thông không gây sặc, nôn cho người bệnh.
Bác sĩ Trần Quốc Khánh, Khoa phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Hà Nội, cho biết nếu bệnh nhân không tuân thủ chỉ định nhịn ăn uống, thức ăn chưa được tiêu hóa kịp có thể trào ngược vào phổi. Người bệnh có thể hít các chất này vào đường thở gây tắc đường hô hấp và tử vong.
Ăn uống trước khi mổ có thể dẫn đến các biến chứng: thở khò khè, tím tái, co thắt phế quản, tụt huyết áp, phù phổi, tắc nghẽn phế quản làm giảm sức đàn hồi. Khi ấy bệnh nhân có thể bị giảm sinh khí máu làm thiếu máu, tăng nhịp thở, gây đột tử hay tử vong muộn do các biến chứng của phổi.
Những điều không nên làm trước khi phẫu thuật:
Cạo lông chân
Cạo lông chân gây những vết trầy xước không nhìn thấy được, có thể phá vỡ hàng rào bảo vệ của da chống lại vi khuẩn cư trú ở da và nang lông.
Không cho bác sĩ biết những loại thuốc bạn đang dùng
Những thuốc chống đông máu như warfarin, chữa đau tim và đột quỵ, phải ngừng sử dụng trước khi mổ để máu có thể cầm trong khi mổ. Với thuốc huyết áp, bệnh nhân cần tiếp tục dùng cho đến khi mổ, vì huyết áp không kiểm soát có thể dẫn đến nguy cơ đột quỵ, tăng nguy cơ chảy máu.
Các loại thuốc Đông y như tỏi, nhân sâm và gừng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Vì thế bệnh nhân uống những dược chất này trước khi mổ nên cho bác sĩ biết để xử trí.
Hút thuốc
Ngừng hút thuốc lá trước mổ càng sớm càng tốt, thậm chí ngưng trước khi mổ 24 giờ rất có ích. Khi phổi bị tổn thương sẽ dễ nhiễm trùng. Nhiều người hút thuốc lá bị nhiễm trùng ngực sau mổ do phổi đã tổn thương trước đó vì khói thuốc trước đó. Ngoài ra, hút thuốc lá có thể làm cho máu dính hơn, cản trở tưới máu cho các mô trong khi phẫu thuật.
Bình luận