Bạo hành trẻ em tại trường Mầm Xanh không phải là lần đầu tiên xảy ra ở TP.HCM cũng như trên cả nước. Đã có những bản án, những giọt nước mắt hối hận, nhưng thực tế, tình trạng trên không hề được cải thiện.
Sau mỗi vụ việc, cơ quan chức năng đều cam đoan không để tình trạng tái diễn, các tổ chức xã hội kêu gọi bảo vệ trẻ. Nhưng thực tế, lời nói là lời nói, chỉ có những đòn roi trên đầu trẻ là có thật. Đau lòng hơn, hầu hết đều là con em công nhân lao động nhập cư.
Từ điểm giữ trẻ tự phát đến trường tư thục được cấp phép đều nằm trong khu vực đông công nhân thuộc các khu chế xuất, khu công nghiệp - nơi mưu sinh của những người thu nhập thấp. Chi phí tại các điểm giữ trẻ hay mầm non tư thục vào khoảng 1,2 - 1,5 triệu đồng/tháng, là mức vừa phải với người công nhân. Hơn nữa, với đặc thù làm tăng ca có khi đến khuya mới về nhà, chỉ có những điểm giữ trẻ như vậy mới đáp ứng nhu cầu. Cuộc mưu sinh của những kẻ nhập cư khiến trường công lập trở nên xa vời với con trẻ.
Người công nhân bất lực trong lựa chọn một giải pháp an toàn cho con em mình. Hàng loạt điểm giữ trẻ hộ gia đình ra đời, bất kể việc thiếu thốn về chuyên môn, nghiệp vụ và sự quản lý của chính quyền. Miễn sao có người gửi là có tiền.
Dù câu chuyện nhà gửi trẻ cho con em công nhân đã được nhắc đến nhiều năm, được khởi động tại khu chế xuất ở TP.HCM nhưng vẫn chưa thể đủ với thực tế hiện tại. Khi đời sống người công nhân còn chưa được quan tâm đúng mức, những đứa trẻ lớn lên trong khu công nghiệp còn tiếp tục trở thành những nạn nhân bất đắc dĩ, bất kể sự hứa hẹn sẽ được xã hội chăm lo và bảo vệ.
Bình luận