Ông Nguyễn Nên - Hiệu trưởng THPT Tôn Đức Thắng, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) cho biết, năm nay trường có 336 chỉ tiêu vào lớp 10 với điểm chuẩn là 4 nhưng vẫn thiếu hơn 40 học sinh.
"Không chỉ Tôn Đức Thắng mà các trường công lập khác đang bị áp lực về chỉ tiêu, nên học sinh chỉ cần không bị điểm liệt là được tuyển vào. Nếu không tuyển các em này thì thiếu chỉ tiêu dẫn đến thừa giáo viên", ông Nên nói.
Hiệu trưởng Nên nhìn nhận việc tuyển học sinh điểm đầu vào thấp khiến chất lượng không đồng đều, gặp khó khăn về phương pháp giảng dạy. Còn học sinh cũng khó theo kịp nội dung, dễ sinh tâm lý chán nản, bỏ học. "Đó là điều tôi lo lắng nhất, nhưng không nhận thì các em điểm thấp không được đến trường", thầy Nên chia sẻ.
Điểm chuẩn vào lớp 10 thấp tập trung ở các trường huyện Vạn Ninh, Cam Lâm, thị xã Ninh Hòa và TP Cam Ranh - nơi người dân chủ yếu làm nghề biển và nông nghiệp.
Lãnh đạo một trường THPT cho biết, ở các vùng này chỉ có vài trường cấp ba công lập, học sinh mặc định được xét vào nên những năm trung học cơ sở các em học xao nhãng. Giáo viên thì nhẹ tay, thường nâng điểm với tâm lý cho học sinh lên lớp.
"Đến lúc ngành giáo dục tổ chức thi tuyển đầu vào cấp 3, cũng là thời gian năm cuối THCS, các em vốn mất kiến thức căn bản, khi học lại thì không kịp khiến bài làm trong kỳ thi điểm thấp. Điều này một phần lỗi thuộc về các giáo viên đứng lớp", thầy giáo này nói.
Trong khi đó ở thành phố, học sinh có nhiều cơ hội tiếp cận giáo viên giỏi, kinh nghiệm luyện thi lẫn thời gian dành cho việc học nhiều. Các trường ở đây cũng có sự phân định theo năng lực đào tạo, nếu học hời hợt điểm xét tuyển của các em không đạt vào môi trường tốt, buộc phải nỗ lực phấn đấu.
Gần 40 năm làm trong ngành giáo dục, ông Trương Văn Điềm - nguyên hiệu trưởng trường chuyên Lê Quý Đôn (Nha Trang) cho biết, chất lượng học sinh vào lớp 10 phụ thuộc rất nhiều vào giáo viên cấp cơ sở. Các vùng ven, huyện thị đang thiếu giảng viên giỏi do đa số tập trung làm việc ở thành phố - nơi có nhiều cơ hội tiến thân.
Nguyên nhân khác là, học sinh vùng nông thôn, vùng khó khăn, chỉ học một buổi ở trường còn lại là phụ giúp gia đình. Nhiều em có tâm lý chỉ cần học hết lớp 9, hoặc vào trường nghề để vừa học vừa có một nghề nhất định trong tương lai. "Như vậy, nếu trường công lập lấy điểm chuẩn cao thì lấy đâu ra học sinh, buộc điểm chuẩn phải thấp", ông Điềm phân tích.
Theo bà Hoàng Thị Lý (Phó giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa), điểm chuẩn đầu vào các trường THPT có sự phân hóa giữa TP Nha Trang với các vùng xa, khó khăn. Tuy nhiên, các trường lấy điểm chuẩn thấp không đồng nghĩa chất lượng học sinh ở đấy kém mà chỉ rơi vào một vài trường hợp.
Như tại trường THPT Tô Văn Ơn và Trần Quý Cáp mức điểm chuẩn là 4, song chỉ có một em sát điểm chuẩn, còn điểm trung bình của học sinh là 17,56 và 16,74. "Những khu vực này không có trường tư thục, việc lấy chuẩn điểm thấp để đảm bảo các em được đến trường và đủ chỉ tiêu tuyển sinh", bà Lý nói.
Còn tại Nha Trang, trường THPT Lý Tự Trọng có điểm chuẩn 27,7 thì chỉ hai em ở mức đó, còn cao nhất là 43,8 điểm. Hay THPT Nguyễn Văn Trỗi chỉ có 5 em ở mức điểm chuẩn 23,9; còn điểm cao nhất là 43,4. "Điều này cho thấy chất lượng học sinh đầu vào THPT công lập vẫn đảm bảo chất lượng", bà Lý nói.
Lãnh đạo Sở giáo dục và Đào tạo cho biết đơn vị sẽ rà soát các trường vùng khó khăn để điều chỉnh phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng.
Ngày 4-5/6, hơn 13.200 thí sinh Khánh Hòa thi vào lớp 10 THPT công lập, chỉ tiêu tuyển sinh gần 12.200. Kỳ thi được tổ chức sau nhiều năm xét tuyển, dành cho 22 trường THPT không chuyên. Trong ba môn thi, Toán có 47,6% thí sinh trên điểm trung bình, tuy nhiên có 668 thí sinh bị điểm 0.
Ngày 26/6, Sở giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa công bố điểm chuẩn đầu vào lớp 10 THPT, cho thấy sự chênh lệnh rất lớn giữa các trường ở thành phố với vùng ven nông thôn. Với hệ không chuyên, trường THPT Lý Tự Trọng lấy cao nhất 27,7 điểm. Ba trường THPT gồm Tô Văn Ơn, Trần Quý Cáp, Tôn Đức Thắng chỉ lấy 4 điểm - tính trung bình mỗi môn chưa đến 1 điểm.
Bình luận